360 độ thể thao

Olympic Paris 2024 gây nhiều phản ứng trái chiều

06/08/2024, 06:12

Thời tiết nóng bức, đồ ăn thiếu, di chuyển khó khăn, nạn trộm cắp và cả vấn đề giới tính đang khiến Olympic Paris 2024 trở thành kỳ Thế vận hội bất ổn trong mắt nhiều VĐV.

Nắng nóng hành hạ

Tờ Indian Express dẫn lời một võ sĩ judo Ấn Độ cho biết, cô cảm thấy như "địa ngục" khi phải di chuyển 45 phút bằng xe buýt từ làng VĐV tới địa điểm thi đấu. "Xe buýt không có máy lạnh, chỉ có một lỗ thông gió nhỏ. Chúng tôi cũng không thể mở cửa sổ nên rất ngột ngạt. Tôi đã đổ rất nhiều mồ hôi bởi trong xe còn nóng hơn ngoài trời", võ sĩ Ấn Độ nói.

Olympic Paris 2024 gây nhiều phản ứng trái chiều- Ảnh 1.

Đồ ăn tại Olympic Paris được cho là không cung cấp đủ dinh dưỡng tới VĐV.

Việc di chuyển từ làng VĐV tới các địa điểm thi đấu cũng tốn khá nhiều thời gian. Bởi vậy, đoàn Hàn Quốc đã rời làng VĐV chỉ sau một ngày đóng quân tại đây để tự thuê khách sạn.

Không chỉ những chiếc xe buýt, ngay tại làng VĐV, các phòng lưu trú vốn chật chội cũng không được trang bị điều hòa không khí. VĐV cầu lông Nguyễn Thùy Linh của Việt Nam từng chia sẻ, cô cảm thấy nóng tới mức không ngủ được và phải đi bộ ra ngoài mua nước lạnh để giải nhiệt nhưng bất thành.

Trong nỗ lực giảm lượng khí thải carbon, Ban tổ chức Thế vận hội Paris đã quyết định không lắp đặt máy điều hòa trong phòng của các VĐV. Tuy nhiên, sáng kiến này đã không tính đến đợt nắng nóng cao điểm tấn công Paris, khiến hàng ngàn VĐV đổ mồ hôi.

Đồ ăn cũng thiếu

Bên cạnh thời tiết nóng bức, nhiều VĐV còn than phiền, đồ ăn ban tổ chức cung cấp không đủ số lượng lẫn chất lượng.

Theo tờ NewYorks Times, nếu như hầu hết VĐV của các môn thi đấu phải đối mặt với những rắc rối liên quan tới sinh hoạt thì riêng môn cưỡi ngựa, VĐV lại hưởng những điều kiện tốt nhất. Môn thi đấu này được tổ chức tại một khu phức hợp ở vùng Versailles, nơi những phòng ngủ rộng rãi, được đảm bảo nhiệt độ. Thức ăn cũng được phục vụ theo thực đơn riêng.

Nhiều tờ báo ở Nam Mỹ còn hài hước bình luận rằng, ngay cả những chú ngựa cũng được ở thoải mái hơn phần lớn VĐV tham dự Olympic. Mỗi chú ngựa được nhốt riêng trong một chuồng diện tích 12m2, có thảm cao su và lót rơm hoặc gỗ bào.

Đoàn Vương quốc Anh chỉ sau hai ngày đã phải điều động đầu bếp riêng đến Paris để phục vụ ăn uống cho VĐV. Võ sĩ quyền anh Ấn Độ Amit Panghal thậm chí phải gọi đồ ăn từ bên ngoài để đảm bảo no bụng.

"Tôi chưa kịp lấy bất kỳ món nào thì các khay đã cạn, chúng không được đổ đầy trở lại. Các món ăn chay và thịt, cá hay trứng đều có chung tình trạng như vậy", một VĐV cầu lông UAE than phiền.

Theo tờ báo thể thao hàng đầu của Pháp - L’Equipe, nguồn cung hạn chế đang khiến Ban tổ chức Olympic Paris lúng túng trong việc phục vụ khoảng 40.000 suất ăn mỗi ngày.

Việc đảm bảo an ninh tại Thế vận hội năm nay cũng là điểm trừ khi một cầu thủ bóng bầu dục Nhật Bản cho biết anh đã bị mất nhẫn cưới. Một huấn luyện viên người Úc nói thẻ tín dụng của ông bị đánh cắp.

Tranh cãi về giới tính

Bên cạnh các vấn đề vừa nêu, Olympic Paris 2024 còn hứng chịu phản ứng dữ dội khi hai VĐV quyền anh bị nghi chuyển giới là Lin Yu-ting (Đài Loan) và Imane Khelif (Algeria) tham gia thi đấu.

Olympic Paris 2024 gây nhiều phản ứng trái chiều- Ảnh 2.

Nữ võ sĩ bị nghi chuyển giới - Imane Khelif.

Khelif của Algeria đã giành chiến thắng chỉ trong 46 giây, trước đối thủ Angela Carini (Italy). Carini sau đó nói rằng cô chưa bao giờ chịu một cú đấm mạnh đến như vậy. Lin Yu-ting cũng đã giành chiến thắng dễ dàng trước Sitora Turdibekova (Uzbekistan).

Sẽ không có gì đáng nói nếu cặp đôi này từng bị Hiệp hội Quyền anh Quốc tế (IBA) loại khỏi Giải vô địch quyền anh thế giới 2023 vì không đáp ứng được điều kiện giới tính.

Chủ tịch IBA Umar Kremlev cũng đã lên tiếng khi xảy ra sự việc tại Olympic Paris: "Sẽ không có vận động viên nào có nồng độ testosterone (hóc môn nam) tham gia giải vô địch quyền anh nữ. Chúng tôi sẽ bảo vệ các võ sĩ nữ ở bất cứ nơi nào họ thi đấu, kể cả Thế vận hội".

Trước đó, Hiệp hội Quyền anh Hungary đã đặt câu hỏi về quyết định cho phép võ sĩ người Algeria thi đấu và yêu cầu làm rõ về sự tham gia của cô: "Chúng tôi đã thông báo cho Ủy ban Olympic Hungary rằng chúng tôi phản đối sự tham gia của vận động viên người Algeria".

Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) Thomas Bach đã lên tiếng bảo vệ quyết định để Lin Yu-ting và Imane Khelif thi đấu tại Thế vận hội 2024.

"Chúng ta cần làm rõ, chúng ta đang nói về quyền anh nữ. Chúng ta có hai võ sĩ sinh ra là phụ nữ, được nuôi dạy như một người phụ nữ, có hộ chiếu là phụ nữ và đã thi đấu nhiều năm với tư cách là phụ nữ. Đây là định nghĩa rõ ràng về một người phụ nữ. Không bao giờ có bất kỳ nghi ngờ nào về việc họ là phụ nữ", Thomas Bach phát biểu trong một buổi họp báo.

"Khung của IOC có cơ sở khoa học. Nếu họ đưa ra điều gì đó, chúng tôi sẵn sàng lắng nghe và xem xét. Nhưng chúng tôi sẽ không tham gia vào một cuộc chiến văn hóa đôi khi có động cơ chính trị", tiếp lời Chủ tịch IOC.

Về phần mình, Carini đã xin lỗi vì phản ứng của cô sau trận đấu. "Tất cả những tranh cãi này khiến tôi buồn. Tôi cũng xin lỗi đối thủ của mình", Carini nói trên Gazzetta dello Sport.

Kỷ lục 193 VĐV đồng tính

Theo trang web thể thao LGBTQ OutSports, ít nhất 193 VĐV đồng tính đã có mặt tại Paris tranh tài ở Thế vận hội mùa hè 2024. Con số này vượt qua kỷ lục 186 VĐV đồng tính tham dự Olympic Tokyo 2020. Trong số trên, có khoảng 170 người là VĐV đồng tính nữ.

VĐV lặn người Anh Tom Daley, cầu thủ bóng đá người Canada Quinn và các VĐV điền kinh người Mỹ Sha’Carri Richardson, Nikki Hiltz là các VĐV đồng tính nổi tiếng nhất.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.