Anh Lê Văn Tích và chiếc xe lăn điện do mình chế tạo. Ảnh: Việt Hòa
Từ một cán bộ đầy triển vọng của ngành Giao thông, sau một vụ TNGT, đôi chân của anh Lê Văn Tích không thể vận động được. Không đầu hàng số phận khi cuộc đời đột ngột phải rẽ sang hướng khác, anh tự mày mò chế tạo chiếc xe lăn chạy điện dành cho người khuyết tật và sản phẩm này đã đoạt giải 3 đội xuất sắc trong cuộc thi SDG Challenge, do Chương trình Phát triển LHQ tại Việt Nam - UNDP Việt Nam tổ chức.
Bước ngoặt cuộc đời
Tại Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ X vừa diễn ra tại Hà Nội, đại biểu Lê Văn Tích (SN 1978, ở tổ 2A, phường Tân Thịnh, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) đã tự đẩy xe lăn, hòa cùng đoàn đại biểu vào lăng Bác báo công rồi tới hội trường.
Chiếc xe lăn chạy điện giúp anh Tích chủ động trong mọi hoạt động của Đại hội mà không cần sự giúp đỡ, kể cả khi xe leo qua những vỉa hè, bậc thang khá cao.
“Tôi cảm ơn vì mọi người có ý giúp mình nhưng tôi chỉ nhờ người khác khi thực sự không còn cách nào khác. Đây cũng là câu tôi nói với bố mẹ, người thân của mình trong ngày đầu tiên tôi quyết tâm ngồi dậy sau những tháng ngày nằm bất động”, anh Tích mở đầu câu chuyện với PV Báo Giao thông như thế.
Là con cả trong một gia đình công chức nghèo ở phường Tân Thịnh, sau 4 năm học hệ cao đẳng trường Đại học Hàng hải, anh Tích vào công tác tại Đoạn Quản lý đường sông số 9 (Cục Đường thủy nội địa Viẹt Nam) - đơn vị làm nhiệm vụ quản lý về đường thủy nội địa trên tuyến sông Đà.
Gần 10 năm công tác tại Đoạn Quản lý đường sông số 9, cuộc sống của anh là những tháng ngày di chuyển liên tục qua 14 trạm điều tiết đường thủy từ Sơn La về tới Phú Thọ. Do đặc thù công việc, suốt 10 năm ấy, chẳng nơi nào anh ở quá nửa năm.
Tới cuối năm 2006, anh được đề đạt, bổ nhiệm vị trí quản lý toàn bộ hệ thống máy móc, thiết bị của đơn vị. Anh được cơ quan tạo mọi điều kiện như cho đi học trung cấp chính trị, hoàn thiện các hồ sơ liên quan đến việc bổ nhiệm.
Cũng năm đó, anh chuẩn bị lấy vợ. Thành công trong công việc và hạnh phúc trong cuộc sống riêng như những trái ngọt anh xứng đáng được hưởng sau những ngày chăm chỉ, nỗ lực làm việc, cống hiến.
Thế nhưng vụ TNGT ngày đầu tháng 1/2007 khiến cuộc đời anh Tích đột ngột rẽ sang hướng khác. Hôm đó, khi anh đang điều khiển xe máy đi trên tuyến đường đê thì gặp 1 xe ô tô đi ngược chiều chiếu đèn pha thẳng vào mặt khiến anh loạng choạng tay lái, lao vào cột biển báo ven đường dẫn đến chấn thương rất nặng ở cột sống, bị liệt toàn thân.
Suốt 2 năm ròng rã, gia đình, bạn bè và đặc biệt, những đồng nghiệp ở Đoạn Quản lý đường sông số 9 đã cắt cử người túc trực chăm sóc, hỗ trợ chi phí điều trị cho anh Tích. Anh được đưa đi điều trị rất nhiều nơi, có phục hồi nhưng vĩnh viễn đã bị liệt đôi chân.
Tương lai tươi sáng như khép lại với chàng trai trẻ, anh đã từng có ý nghĩ bi quan, buông xuôi. Nhưng rồi nhìn gia đình, bạn bè, đồng nghiệp cưu mang, tận tụy vì mình suốt bao tháng ngày, anh bắt đầu định hình lại tư tưởng: “Mình không chết và đang sống, vậy thì phải sống làm sao cho đáng sống, không phụ lòng của người thân, đồng nghiệp”.
Sau khi xác định được tư tưởng, anh Tích quyết tâm phải ngồi dậy, thậm chí đứng dậy. Anh nhờ đồng nghiệp thiết kế cho chiếc giường nâng lên, hạ xuống theo từng đoạn với dây đai cố định phần thân dưới, từ đó anh ráng sức tập nâng cơ thể dần lên. Sau 3 năm tập ngồi, anh tiếp tục tập đứng. Anh nhớ đứng được 1 phút, 2 phút, 5 phút, rồi tăng lên 30 phút, đến 1 giờ đồng hồ.
Chiếc xe thay đôi chân
Anh Tích hướng dẫn công nhân chế tạo xe lăn chạy điện tại trụ sở công ty
Gia đình sắm cho anh Tích chiếc xe lăn, anh quyết định học sửa máy tính, điện thoại. Anh mày mò học tiếng Anh để dịch tài liệu, học rồi mở cửa hàng sửa chữa điện thoại, máy tính, ti vi…
“Gia đình, thậm chí những khách hàng của tôi đều suy nghĩ tôi làm việc chỉ để cho vui, cho khuây khỏa. Có những khách hàng khi thấy tôi ngồi xe lăn loay hoay khó khăn nâng chiếc ti vi để sửa đều chạy lại nói để họ giúp. Tôi đều từ chối nói “chú là khách hàng, cháu là thợ, chú cứ để cháu làm”, anh Tích kể.
Cửa hàng điện thoại của anh Tích chỉ sau một thời gian rất đông khách. Anh thường xuyên phải nhờ người thân đi mua giúp linh phụ kiện. Nhưng do người thân không có chuyên môn, linh kiện mua về không đảm bảo, nên anh Tích quyết định đích thân đi ra ngoài, tự làm mọi việc.
Thời điểm đó, ở trong nước chỉ có phương tiện duy nhất là xe máy được hoán chuyển bánh sau thành xe ba bánh cho người khuyết tật. Nhưng anh Tích bị chấn thương cột sống nặng, rất khó để di chuyển từ giường đến vị trí xe lăn chứ chưa nói gì ngồi xe máy. Ngày đó, có sản phẩm đầu kéo xe lăn của Ý có thể lắp vào xe lăn, nhưng giá lên đến 60 - 70 triệu đồng/chiếc.
Vì vậy, anh Tích tìm đến một trung tâm phục hồi chức năng ở Hà Nội mượn mẫu đầu kéo xe lăn, rồi vận dụng hết kiến thức chuyên ngành cơ khí được học để chế tạo ra chiếc xe lăn chạy điện tối ưu, thuận tiện nhất cho người khuyết tật mà giá lại rẻ hơn nhiều.
Chỉ hơn hai tháng rưỡi, chiếc xe lăn chạy điện đầu tiên hoàn thành nhưng bị rung lắc dữ dội mỗi khi di chuyển. Thất bại trong việc chế tạo xe lăn, anh Tích lại phải tìm hiểu vì sao lại xảy ra hiện tượng đó.
“Nhìn con gà đi quanh sân tôi chợt nghĩ ra “con gà nó chỉ di chuyển được khi vươn đầu ra phía trước, nếu nó rụt cổ thì không thể đi bình thường. Do đó, tôi quyết chế chiếc đầu kéo xe của mình bằng cách đẩy cự li bánh xe nghiêng ra phía trước. Khi thực hiện việc cải tiến này, chiếc xe của tôi hoạt động ổn định ngay”, anh Tích kể lại.
Từ một sản phẩm chắp vá bằng cách lấy các thiết bị “đồng nát” thành sản phẩm của mình, anh Tích quyết học cơ khí, tự thiết kế các bộ phận từ truyền động, khớp nối, khung xe… Bộ phận pin của xe lăn chạy điện được anh đặt hàng của đơn vị uy tín đảm bảo xe có thể chạy liên tục 60 -70km mà không cần sạc.
Muốn là người truyền cảm hứng
Tiếng lành đồn xa, chiếc xe lăn chạy điện của anh Tích dần có mặt tại 20 tỉnh, thành phố với gần 500 chiếc xe được bán ra. Năm 2018, sản phẩm xe lăn chạy điện tham dự cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo thanh niên tỉnh Hòa Bình và đoạt giải Ba tại cuộc thi.
Một ngày đầu năm 2019 một người bạn gọi điện cho anh Tích nói rằng, hiện có một tổ chức phi chính phủ đang tổ chức cuộc thi sáng tạo dành cho người khuyết tật. Là người đang sử dụng chiếc xe của anh Tích, người bạn này khuyên anh nên tham gia cuộc thi.
“Những ngày chuẩn bị tham gia cuộc thi thật “buồn cười”. Họ hỏi tôi sản phẩm đã có tên chưa? Được cấp sở hữu trí tuệ chưa? Đăng ký tiêu chuẩn chất lượng chưa? Tôi trả lời tất cả đều chưa. Thế là mọi người trong nhóm mới tập trung lại đặt tên sản phẩm là ETIC rồi đăng ký sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn…
Sản phẩm đầu kéo xe lăn ETIC sau đó tham dự và đoạt giải 3 đội xuất sắc trong cuộc thi SDG Challenge, do UNDP cùng NSSC Việt Nam đồng tổ chức tại Hà Nội”, anh Tích vui vẻ nhớ lại.
Tháng 7/2019, anh và đồng nghiệp đã được Ban tổ chức cuộc thi SDG Challenge 2019 giới thiệu tới dự án Thriive HaNoi, thuộc tổ chức Thriive Hoa Kỳ.
Đây là tổ chức chuyên hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển theo hướng tác động xã hội, tạo điều kiện cho những hoàn cảnh đặc biệt yếu thế trong xã hội, là người khuyết tật. Sau 3 vòng thẩm định, tổ chức Thriive Hoa Kỳ đã trực tiếp cử người từ Mỹ sang hỗ trợ cho doanh nghiệp vay vốn thực hiện dự án.
Với niềm đam mê, sáng tạo, không lùi bước trước mọi khó khăn, anh đã thành lập Công ty TNHH MTV Người khuyết tật Hòa Bình. Quy mô công ty được mở rộng, các sản phẩm chế tạo là phương tiện hỗ trợ di chuyển cho người khuyết tật.
Tới nay, công ty của anh Tích nổi tiếng ở Hòa Bình với việc sản xuất, chế tạo xe lăn, đầu kéo xe lăn cung cấp cho người khuyết tật cả nước, tạo công ăn việc làm cho hơn chục người, đều là người khuyết tật.
“Tôi luôn tâm niệm mình phải truyền cảm hứng lao động trước tiên cho chính những công nhân của mình”, anh Tích chia sẻ.
Anh Bàn Văn Tuấn, công nhân Công ty TNHH MTV Người khuyết tật Hòa Bình chia sẻ: “Những ngày đầu vào làm việc, tôi cũng như nhiều công nhân khuyết tật khác luôn có tâm lý “làm cho có vì mình là người khuyết tật”.
Tuy vậy, anh Tích đã nói với chúng tôi rằng, chúng ta hãy tự chứng minh mình bình đẳng với người khác, mình tự làm nuôi sống bản thân. Từ đó, suy nghĩ của chúng tôi về công việc thay đổi hẳn”.
Mong giảm giá thành để nhiều người khuyết tật có xe
Dự Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ X, anh Lê Văn Tích cho biết, đây là vinh dự, niềm tự hào của mình. Anh mong muốn có các tổ chức hỗ trợ để chiếc đầu kéo xe lăn của mình có giá thành hợp lý, đến được với nhiều người khuyết tật hơn nữa. Hiện nay giá bán mỗi chiếc xe lăn chạy điện trung bình khoảng 18 triệu đồng.
“Nhiều người bán vé số ở TP HCM gọi cho tôi nói rất mong muốn mua chiếc xe lăn chạy điện. Tuy vậy, khi nghe nói tới giá thành chiếc đầu kéo xe lăn là 13 triệu đồng, xe lăn 5 triệu đồng họ đều thở dài hụt hẫng: “Em bán vé số không thể có số tiền đó”.
Khi đó tôi cũng buồn vì quả thật giá đó quá cao so với thu nhập nhiều người. Sản phẩm của tôi có rồi, giờ chỉ mong làm cách nào để mọi người khuyết tật có thể sở hữu nó”, anh Tích tâm sự.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận