Ông Đinh La Thăng phủ nhận nhiều cáo buộc của VKS |
Sau phần tranh tụng của các luật sư với đại diện VKS trong phiên xét xử vụ án PVC sáng 16/1, ông Đinh La Thăng được HĐXX cho thể hiện quan điểm.
Cho biết đã lắng nghe bản luận tội của đại diện VKS, và tôn trọng bản luận tội đó nhưng ông Đinh La Thăng đề nghị một số vấn đề trước đây đã đề cập nhưng chưa được VKS xem xét.
Không muốn để "đỡ" cho mình mà đổ tội cho người khác
Cụ thể, những nội dung nào không nằm trong quá trình điều tra, truy tố và diễn ra ở phiên toà thì không đưa vào bản luận tội nhưng VKS vẫn đưa vào và quy cho bị cáo tội “lợi ích nhóm”, vì thế, ông Thăng mong HĐXX xem xét, vì theo ông, với một doanh nghiệp thì người đi người đến, và việc Thủ trưởng bổ nhiệm cán bộ theo chức năng nhiệm vụ là bình thường, vì vậy không thể quy trách nhiệm ký bổ nhiệm là lợi ích nhóm.
“Tất cả các anh ngồi đây đều do bị cáo bổ nhiệm, và bản thân bị cáo cũng là được cấp trên bổ nhiệm từ chỗ này sang chỗ khác, việc cáo buộc như VKS gây hệ luỵ lớn là cứ bổ nhiệm cán bộ tức là có lợi ích nhóm” - ông Thăng nói và cho rằng, đằng sau cáo buộc về lợi ích nhóm mà VKS đưa ra không đơn thuần chỉ là lời buộc tội, mà nó còn là lương tâm, trách nhiệm, danh dự của cả cả một tập thể, của một Tập đoàn lớn như PVN và rất nhiều con người trong đó.
Trong phiên xét xử trước đó, đại diện VKS khi tranh tụng đã nói “rất buồn vì trong vụ án này, cấp trên không nhận trách nhiệm mà đổ cho cấp dưới”, ông Đinh La Thăng phủ nhận quan điểm này. Ông nói, là người lãnh đạo cao nhất của Tập đoàn PVN tại thời điểm trước tháng 8/2011, trong suốt quá trình tố tụng ông đã nhận trách nhiệm là người đứng đầu, nhận trách nhiệm cá nhân và sẵn sàng nhận trách nhiệm cho tất cả các cán bộ dưới quyền chỉ vì mục tiêu đẩy nhanh tiến độ dự án đang triển khai, không vì động cá nhân, không vì mục đích vụ lợi mà dẫn đến gây sai phạm.
“Bị cáo đã nhận hoàn toàn trách nhiệm. Hoàn toàn không có chuyện đổ lỗi cho cấp dưới. Thậm chí trong cả quá trình làm việc với luật sư bào chữa, bị cáo luôn nói đề nghị các anh bào chữa gì thì bào chữa, nhưng tuyệt đối không được đổ lỗi cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ, tuyệt đối không đổ lỗi và làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các bị cáo khác. Bản thân bị cáo cũng bị thiệt hại, nhưng tuyệt đối bị cáo không muốn để đỡ cho mình mà đổ lỗi cho người khác” – ông Thăng nói.
Về chỉ định thầu, ông Thăng tiếp tục nêu quan điểm: “Bị cáo không nói tại thời điểm chỉ định thầu cho PVC chỉ có Lilama đủ điều kiện. Tại thời điểm đó không có đơn vị nào đủ điều kiện cả, ngay cả Lilama cũng là đơn vị đầu tiên được chỉ định làm Tổng thầu Dự án Nhiệt điện Vũng Áng. Điều đó chứng tỏ việc chỉ định cho Lilama khi Lilama cũng chưa có kinh nghiệm. Hơn nữa, việc chủ trương chỉ định thầu từ tháng 1/2006 lúc bị cáo chưa về và tháng 2/2009, Thủ tướng chính phủ đồng ý HĐTV PVN được chỉ định cho các đơn vị thành viên của Tập đoàn, lúc đó tuỳ theo chức năng nhiệm vụ của từng đơn vị thành viên mà thực hiện”.
Với kết luận 41 của Bộ Chính trị nêu mục tiêu phát triển PVN thành Tập đoàn kinh tế đa ngành, trong nước và quốc tế gồm nhiều dịch vụ khác như tìm kiếm, thăm dò dầu khí, kết luận đó cũng nêu do các lực lượng dầu khí của VN có hạn chế nên phải tăng nhanh sản lượng doanh thu từ 10-15% lên 30-35%...
Ông Thăng cho biết kết luận nêu nhiều vấn đề, trong đó có chủ trương chung và Tập đoàn đã thực hiện theo chủ trương đó, chứ kết luận của Bộ chính trị không thể nêu về dự án cụ thể nào.
Không chỉ định thầu vì "cao hứng", "nhất thời"
Về thẩm quyền chỉ định thầu đối với dự án, theo ông Thăng, khi PVPower là chủ đầu tư thì HĐTV PVN đã quyết định giao đơn vị này thực hiện, kể cả việc xét duyệt, đề xuất, đàm phán... Cùng với đó, khi ông đã chuyển công tác từ đầu tháng 8/2011, chủ đầu tư về PVPower sang PVN thì Tập đoàn đã đánh giá lại theo quy định, và vẫn chỉ định PVC đủ năng lực thực hiện Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2.
“Chủ trương chỉ định thầu không phải do bị cáo nghĩ ra, không phải do cao hứng hay nhất thời mà đó là từ chủ trương chung của Đảng, Chính phủ, và được thực hiện với các đơn vị thành viên của Tập đoàn chứ không phải riêng cho PVC” – ông Thăng khẳng định.
Thẩm quyền ký hợp đồng 33, theo ông Thăng thuộc về PVPower, HĐTV PVN chỉ chỉ đạo bằng nghị quyết, thông báo, quyết định chứ không chỉ đạo bằng mồm, và việc này không thuộc thẩm quyền của HĐTV PVN.
“Trong quá trình xuyên suốt, bản luận tội của VKS là cái gì Chủ tịch HĐTV cũng phải biết và cái gì cũng phải chỉ đạo, nhưng bị cáo không thể vượt quá quy định mà phải thực hiện theo đúng quy định về chức trách của Chủ tịch HĐTV, nếu vượt quá là vi phạm pháp luật” - ông Thăng nói.
Ông khẳng định trong tất cả các cuộc họp không nhận được bất cứ báo cáo của PVPower, ban quản lý dự án, Ban TGĐ hay bất cứ cá nhân nào về hợp đồng 33 không có hiệu lực. “Kể cả khi Ban quản lý phát hiện ra thì chỉ báo cáo anh Thực để anh Thực chỉ đạo kịp thời chứ không báo cáo với bị cáo, bị cáo hoàn toàn không biết”, ông Thăng khẳng định trước toà.
Về tạm ứng tiền, ông Thăng cho biết, PVPower ngay sau khi ký hợp đồng 33 đã có văn bản đề nghị ứng tiền ngay, nếu đúng như bản luận tội của VKS là ký hợp đồng để hợp thức hoá số tiền thì ông đã đồng ý ngay. Nhưng ông nhận thức đây là tiền của dân, của Nhà nước giao cho PVN nên PVN phải sử dụng có hiệu quả, trân trọng đồng tiền của dân. Vì thế, cả 3 lần PVPower đề nghị tạm ứng tiền thì ông Thăng đều không đồng ý.
“Lần thứ 4 thì bị cáo có chỉ đạo nhưng cái bị cáo chỉ đạo rõ ràng là “phải tạm ứng theo quy định pháp luật, và chỉ đạo PVC không được sử dụng tiền tạm ứng cho dự án khác mà chỉ được sử dụng cho dự án Nhiệt điện Thái Bình 2”, thì VKS không hề đưa vào và đề cập đến. Vì thế, bị cáo cảm giác những cái gì đổ tội được cho bị cáo được đưa vào, còn cái gì bị cáo chỉ đạo đúng thì không được đưa vào. Mong VKS và HĐXX xem xét lại”, ông Thăng nói.
Một lần nữa, trước HĐXX, ông khẳng định: “Không phải bị cáo coi thường đồng tiền, chính vì nâng niu, coi trọng tiền của dân nên bị cáo mới không giải quyết việc tạm ứng tiền”.
Về vấn đề VKS nêu, ông Thăng nêu quan điểm không đồng tình với cách xử lý PVPower, đối với PVPower và Ban quản lý Dự án là người thực hiện trực tiếp, thực hiện nhiệm vụ cuối cùng mà không bị xử lý thì đề nghị xem xét lại đối với các bị cáo khác.
“Nếu như vậy không khác gì trong một vụ giết người, người trực tiếp giết người thì không bị xử lý, còn người sản xuất ra dao, bán dao cho người trực tiếp giết người đó lại bị xử lý, điều đó có công bằng hay không?”, ông Thăng đặt vấn đề và mong HĐXX xem xét.
12h HĐXX thông báo đã đến giờ nghỉ trưa, ông Đinh La Thăng sẽ tiếp tục phần thể hiện quan điểm của mình vào đầu giờ của phiên làm việc buổi chiều.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận