Đề cập đến một số vấn đề liên quan xử phạt vi phạm giao thông được nhắc đến tại phiên giải trình do Uỷ ban Tư pháp tổ chức ngày 6/3, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban An toàn Giao thông quốc gia cho rằng, việc xử phạt nghiêm với các hành vi vi phạm về trật tự ATGT sẽ là động lực để thay đổi hành vi của người tham gia giao thông, và cũng là thứ để người dân soi vào.
Để làm được việc đó, ông Hùng đề nghị phải tạo điều kiện hành lang pháp lý minh bạch cho lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ.
Dẫn quy định hiện tại về việc yêu cầu người xử phạt vi phạm giao thông phải chứng minh vi phạm, ông Khuất Việt Hùng cho rằng việc này đang đi ngược lại với các nước. Bởi thông thường về mặt hành chính cứ xử phạt đã, còn nếu thấy việc xử phạt đó không đúng thì người bị xử phạt có thể kiện người ra quyết định xử phạt ra toà.
“Nếu chúng ta giải quyết được chỗ này mới tạo được nền tảng pháp lý cho lực lượng thực thi công vụ, cái này rất quan trọng, không đơn giản một chút nào, vì tôi chứng kiến rất nhiều chuyện tranh cãi nhau, và người vi phạm cứ quay, dí camera vào mặt cảnh sát, cố gắng tạo ra dư luận xã hội” – ông Hùng nêu thực tế và mong rằng chúng ta sẽ cố gắng giải quyết được tình trạng này.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga đánh giá việc này rất khó, bởi hiện nay trong chính sách pháp luật về hành chính cũng như hình sự, trách nhiệm chứng minh thuộc về người xử phạt, còn về dân sự thì trách nhiệm này thuộc về người khởi kiện. Hiện nay, nếu muốn sửa nội dung đó trong luật, bà Nga nói chắc chắn phải báo cáo ra Quốc hội.
Ông Hùng tiếp tục ý kiến và cho rằng, nếu không giải quyết được vấn đề này tức là chúng ta đang tự “tước vũ khí” của cơ quan bảo vệ và thực thi pháp luật. Theo ông Hùng, bảo vệ pháp luật mà phải tranh cãi với những trường hợp như người cố tình vi phạm hoặc người say rượu thì “không cãi được”.
“Hơn nữa, nếu phạt sai thì người dân có quyền kiện, chúng ta có cơ chế để người dân kiện người xử phạt sai ra toà. Vì thế, chúng ta phải cố gắng làm để có vũ khí cho lực lượng chức năng giải quyết vi phạm” – ông Hùng đề xuất.
Nhắc đến lực lượng CSGT hiện nay, ông Hùng bày tỏ băn khoăn khi gần như phải có lực lượng đi bảo vệ CSGT, bởi chúng ta quy định rất nhiều điều kiện chặt chẽ trong vấn đề sử dụng công cụ hỗ trợ và sử dụng vũ khí của lực lượng CSGT.
Dẫn quy định ở một số nước như Mỹ, Đức, Thuỵ Sỹ…, ông Hùng cho biết CSGT tại đây thậm chí có thể trấn áp nếu người vi phạm giao thông không tuân theo hiệu lệnh. Nhưng ở ta, nếu CSGT có trấn áp thì sẽ lập tức lại có dư luận “cảnh sát đánh dân”, lại trở thành câu chuyện rất lớn. Theo ông Hùng, nếu không giải quyết được tình trạng này thì chúng ta đang tự tước mất vũ khí bảo vệ pháp luật của mình.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận