Ngày 27/9/2023, từ nguồn tin độc quyền, Báo Giao thông đã phát hiện việc ngân hàng BIDV chi nhánh Long Biên cấn nợ doanh nghiệp xăng dầu trái quy định từ Quỹ bình ổn giá xăng dầu đặt tại tài khoản mang tên Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà.
Vụ việc trên cho thấy của ngân hàng này có dấu hiệu vi phạm hoạt động sử dụng Quỹ cũng như những lỗ hổng pháp lý trong việc quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Bài 1: BIDV Long Biên cấn nợ doanh nghiệp 270 tỷ từ Quỹ bình ổn xăng dầu
Bài 3: Đại biểu Quốc hội: "Đặt Quỹ bình ổn xăng dầu tại doanh nghiệp là rất khó hiểu"
Bài 4:"Hải Hà có thể kiện ra tòa nếu BIDV không trả 270 tỷ cấn nợ từ quỹ bình ổn xăng dầu"
Bài 5: Ngăn nguy cơ thất thoát Quỹ Bình ổn xăng dầu
Ngân hàng vẫn chưa trả lại tiền
Một nguồn tin của PV cho biết, Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà (Hải Hà) bị Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) - Chi nhánh Long Biên, trích thu nợ tự động của công ty gần 270 tỷ đồng từ tài khoản Quỹ Bình ổn giá xăng dầu được lập tại chi nhánh này.
Điều đáng nói, Quỹ bình ổn xăng dầu là tiền của dân, được thu thông qua giá bán mỗi lít xăng dầu, chỉ để phục vụ mục tiêu bình ổn giá khi giá xăng dầu thế giới tăng cao đẩy giá vốn trong nước tăng cao.
Tại khoản 26, Điều 1 Nghị định 95 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 83) về kinh doanh xăng dầu đã nêu rõ: Quỹ Bình ổn giá xăng dầu là Quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước; Toàn bộ nguồn trích lập, chi sử dụng để tham gia điều tiết, hỗ trợ cho mục tiêu bình ổn giá bán xăng dầu trong nước.
Theo tìm hiểu của PV, đến nay, phía BIDV Long Biên vẫn chưa trả lại khoản tiền trên cho công ty.
Được biết, sau khi bị ngân hàng thu nợ ở tài khoản Quỹ bình ổn xăng dầu, công ty đã có văn bản báo cáo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) và Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính).
Đồng thời, công ty cũng đã yêu cầu phía ngân hàng trả lại số tiền trên.
Không có chuyện ngân hàng không biết tài khoản Quỹ bình ổn xăng dầu
Việc trích nợ của ngân hàng từ tài khoản Quỹ bình ổn xăng dầu, là không đúng quy định tại Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu.
Ngoài ra, tại Điểm b khoản 6 Điều 8 Thông tư 39 quy định về phương pháp tính giá cơ sở, cơ chế hình thành, quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn và điều hành giá xăng dầu theo Nghị định 83, cũng đã quy định trách nhiệm của ngân hàng thương mại nơi thương nhân đầu mối mở tài khoản Quỹ Bình ổn giá.
Cụ thể, định kỳ ngày mùng một hàng tháng, ngân hàng phải gửi sao kê về các giao dịch phát sinh liên quan đến tài khoản tiền gửi Quỹ Bình ổn giá của thương nhân đầu mối trong tháng liền kề trước đó đến Bộ Công thương (Vụ Thị trường trong nước) và Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá).
Trao đổi với PV Báo Giao thông, luật sư Trương Thanh Đức khẳng định, doanh nghiệp lập tài khoản tại ngân hàng thì kiểu gì ngân hàng cũng phải biết đó là tài khoản gì. "Không có chuyện ngân hàng không biết tài khoản mình trích nợ là tài khoản Quỹ bình ổn xăng dầu", ông Đức nói.
Dẫn quỹ bảo trì chung cư tranh cãi trước đây, ông Đức nói, gửi tiền vào quỹ thì phải có nội dung, phải có diễn giải khoản tiền gửi.
Nghị định cũng đã nói rõ "không được sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu cho các mục đích khác". Điều này rõ ràng là điều cấm. Ngân hàng không thể không biết.
Vay hơn 3.000 tỷ đồng để nộp thuế
Mới đây, Hải Hà bị cơ quan chức năng điểm tên vì nợ thuế. Trao đổi với PV Báo Giao thông, bà Mai trải lòng phải vay 3.000 tỷ đồng để nộp thuế, hiện số thuế còn nợ là 1.140 tỷ đồng.
Bà ví von sức khỏe của Hải Hà hiện nay là "lắp ô xi cũng không thở nổi".
Đây cũng là điều dễ hiểu khi trong 3 năm gần đây, Hải Hà liên tiếp lỗ.
Kết thúc năm 2022, doanh thu Hải Hà đạt 30.060 tỷ đồng (khoảng 1,2 tỷ USD), tăng thêm 40%, tương ứng với 24.000 tỷ đồng so với năm 2021.
Thế nhưng, do kinh doanh dưới giá vốn, nên trong năm 2022 doanh nghiệp ghi nhận lỗ gộp 2.048 tỷ đồng. Năm 2021, Hải Hà Petro cũng lỗ gộp hơn 1.113 tỷ đồng.
Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính tăng mạnh từ 200 tỷ đồng lên 386 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí tài chính hơn 523 tỷ đồng, tăng 168%.
Kết quả, Hải Hà lỗ sau thuế xấp xỉ 2.048 tỷ đồng trong năm 2022. Trước đó, doanh nghiệp cũng ghi nhận kết quả kinh doanh thua lỗ liên tiếp trong các năm 2020 và 2021 với số tiền lỗ lần lượt 1.058 tỷ đồng, 1.113 tỷ đồng.
Việc thua lỗ liên tiếp là nguyên nhân dẫn đến việc Hải Hà Petro đang gánh khoản lỗ lũy kế 4.218 tỷ đồng tính đến hết năm 2022. Trong khi vốn góp chủ sở hữu công ty là 454 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu Hải Hà Petro âm hơn 4.122 tỷ đồng.
Lỗ lớn do xăng dầu là ngành hàng kinh doanh có điều kiện, cho nên, biết lỗ vẫn phải nhập, vì còn liên quan đến cả mạng lưới.
Do vậy, bà Mai kiến nghị được khoanh và giãn thời gian nộp khoản nợ thuế, để tập trung cho tái cấu trúc sản xuất kinh doanh, để cứu công ty và cũng tạo công ăn việc làm cho 600-700 lao động.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận