Bộ Tài chính có trách nhiệm giám sát
Trước tình trạng hàng loạt doanh nghiệp đầu mối xăng dầu "ôm" hàng trăm tỷ đồng Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG), dư luận đặt vấn đề về việc quản lý dòng quỹ. Trước đó, kết luận của Kiểm toán Nhà nước năm 2017 cũng đã cảnh báo vấn đề này.
Báo Giao thông cũng đã có bài viết "Từ vụ Xuyên Việt Oil "ôm" hàng trăm tỷ, lộ lỗ hổng quản lý Quỹ bình ổn xăng dầu" chỉ rõ một số "lỗ hổng" trong việc sử dụng, quản lý Quỹ BOG, trong đó có trách nhiệm của cơ quan quản lý.
Phản hồi về trách nhiệm, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho rằng, trách nhiệm chính thuộc về Bộ Tài chính.
Cụ thể, Bộ Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn phương thức trích lập, chi sử dụng, quản lý về quỹ, quy mô quỹ.
Đồng thời, cơ quan này chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện các quy định về trích lập, sử dụng quỹ.
Trong khi đó, Bộ Công thương chỉ có vai trò, chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu. Cụ thể là thực hiện việc tính toán mức giá cơ sở để công bố thực hiện trong từng kỳ điều hành, công bố mức trích lập, chi sử dụng Quỹ BOG của từng kỳ điều hành sau khi thống nhất ý kiến với Bộ Tài chính.
Vụ Thị trường trong nước dẫn hàng loạt quy định biện chứng cho lập luận trên, như là: Khoản 3 Điều 37 (Nghị định 83); Khoản 2 Điều 39 quy định: "Bộ Tài chính có trách nhiệm giám sát việc điều hành giá xăng dầu, giám sát việc trích lập, mức sử dụng Quỹ bình ổn giá của thương nhân đầu mối; Khoản 30 Điều 1 quy định về trách nhiệm.
Quỹ Bình ổn giá khó duy trì số dư do bị ngân hàng thu nợ?
Vụ Thị trường trong nước cũng cho biết, các báo cáo về Quỹ BOG được thương nhân gửi đến Bộ Công thương để Bộ thực hiện việc công khai minh bạch (đăng số dư Quỹ lên cổng thông tin điện tử của Bộ) và để ước lượng số dư tổng thể trên cả nước, nhằm phục vụ công tác điều hành giá xăng dầu cho phù hợp với điều kiện thực tế.
Dẫn báo cáo của một số doanh nghiệp, Vụ này cho biết, Bộ Tài chính có xử phạt vi phạm hành chính về quỹ. Phần lớn là lỗi không kết chuyển số dư Quỹ bình ổn giá vào tài khoản ngân hàng.
Các doanh nghiệp báo cáo đã thực hiện nộp tiền xử phạt vi phạm hành chính và khắc phục nộp dần số tiền trong khả năng tài chính của doanh nghiệp tại thời điểm đó vào tài khoản Quỹ BOG.
Tuy nhiên, theo Vụ Thị trường trong nước, một số doanh nghiệp phản ánh: Khi doanh nghiệp có số dư nợ tại ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp mở tài khoản Quỹ BOG, thì có tình trạng, ngân hàng tự động trích thu nợ từ các tài khoản khác của doanh nghiệp có số dư dương, trong đó có tài khoản Quỹ BOG, để khấu trừ công nợ của doanh nghiệp nên doanh nghiệp khó duy trì số dư Quỹ BOG theo quy định.
Điều này dẫn đến việc, doanh nghiệp khó duy trì số dư Quỹ BOG theo quy định.
Dù vậy, vụ này đánh giá: "Không ảnh hưởng đến việc sử dụng Quỹ BOG khi cần sử dụng theo công bố điều hành giá của Liên Bộ Công Thương - Tài chính".
Cơ sở đưa ra lập luận này là, do việc sử dụng Quỹ BOG được áp dụng và tính luôn mức giảm vào giá bán lẻ xăng dầu, nên doanh nghiệp sẽ bị giảm trừ phần chi Quỹ BOG vào doanh thu bán hàng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận