Ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó chủ tịch CMSC đánh giá, sự hiện diện của MSC tại Việt Nam không chỉ mang lại nguồn vốn, còn là cơ hội để tiếp cận công nghệ tiên tiến cùng kinh nghiệm quản lý quốc tế trong lĩnh vực hàng hải và logistics.
Tại buổi làm việc, hai bên đã thảo luận về các cơ hội hợp tác, trong đó có việc đề nghị MSC tham gia vào dự án Cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng) và mở rộng đầu tư vào hệ thống cảng biển và dịch vụ logistics tại Việt Nam, thiết lập tuyến du lịch tàu biển 5 sao đến Việt Nam, cũng như phát triển hệ thống vận tải thủy nội địa.
Nhận định Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) là doanh nghiệp nòng cốt, chủ lực của Việt Nam trong phát triển kinh tế hàng hải, ông Cảnh đánh giá cao việc hợp tác giữa MSC và VIMC về thành lập liên doanh khai thác hai bến container quốc tế tại Lạch Huyện, cũng như triển khai nghiên cứu đầu tư Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Ngoài ra, hai bên cũng thảo luận về việc tăng cường hợp tác trong phát triển dịch vụ logistics thông minh. Với kinh nghiệm và công nghệ tiên tiến của MSC trong lĩnh vực vận tải và logistics, Việt Nam có thể tận dụng được các nguồn lực quốc tế để cải thiện hạ tầng logistics nội địa, đồng thời thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực này.
Theo Tổng giám đốc MSC Diego Aponte, hãng đang tích cực hợp tác với VIMC để phát triển dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Hai bên đã ký kết thỏa thuận hợp tác để thực hiện dự án được đánh giá là một công trình tầm vóc, mang lại lợi ích lớn cho Việt Nam.
MSC và VIMC cũng đã ký kết thành lập liên doanh để khai thác hai bến container quốc tế số 3, 4 thuộc dự án Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện.
Về đề xuất của CMSC về cảng Liên Chiểu, lãnh đạo MSC cho biết đang tìm hiểu cơ hội đầu tư vào các cảng khác tại khu vực phía Nam và phát triển các trung tâm logistics hiện đại.
Ngoài mở rộng mạng lưới cảng biển, MSC mong muốn hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam để xây dựng các dịch vụ logistics tích hợp, giúp tối ưu hóa chuỗi cung ứng và giảm chi phí vận tải.
"MSC mong muốn đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngành hàng hải Việt Nam thông qua việc đầu tư vào công nghệ và áp dụng các giải pháp thân thiện với môi trường", ông Diego Aponte nhấn mạnh. Những cam kết này phù hợp với định hướng phát triển của Việt Nam trong việc xây dựng hệ thống cảng biển thông minh và bền vững.
Phương án thứ nhất, thu hút đầu tư vào hai bến container ban đầu, có chiều dài tổng cộng là 750m. Các bến tiếp theo được xây dựng ở giai đoạn sau. Phương án thứ hai là thực hiện đầu tư đồng thời cho toàn bộ khu vực bến cảng.
Theo Quy hoạch tổng thể, cảng Liên Chiểu có diện tích 288,33 ha, bao gồm cả khu vực xây dựng các công trình logistic và khu vực bến nước ngoài cảng dành cho việc neo đậu tàu.
Dự án đầu tư sẽ được chia làm hai phần. Phần thứ nhất gồm xây dựng cơ sở hạ tầng 920m đê chắn sóng tiếp nối 1.070m đê chắn sóng đang trong quá trình xây dựng; xây dựng luồng tàu, vũng quay, và khu nước kết nối cho tàu trọng tải tới 200.000 tấn; đầu tư vào hệ thống giao thông nối các khu bến và một bến hàng lỏng cho tàu có thể cập hai bên để phục vụ công tác di dời các bến xăng dầu tại vịnh Liên Chiểu.
Phần thứ hai gồm xây dựng bến cảng và cơ sở hạ tầng cảng biển, với 8 bến container tổng chiều dài 2.750mcho tàu có trọng tải từ 50.000 – 200.000 tấn; 6 bến tổng hợp cho hàng rời với chiều dài 1.550m cho tàu trọng tải từ 50.000 – 100.000 tấn; bến cho tàu thủy nội địa với chiều dài 1.230m tiếp nhận tàu 5.000 tấn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận