Sau gần 6 năm tiến hành cổ phần hóa, Tổng công ty Hàng hải VN vừa tổ chức Đại hội cổ đông và chính thức chuyển sang mô hình công ty cổ phần với thương hiệu mới VIMC từ ngày 1/9 tới. Mục tiêu nào sẽ được “ông lớn” của ngành GTVT này đặt ra khi hoạt động với mô hình mới? PV Báo Giao thông trao đổi với ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Tổng giám đốc VIMC về vấn đề này.
Thoát cảnh âm vốn trước thềm chuyển đổi mô hình
Ông đánh giá thế nào về quá trình gần 6 năm để VIMC chuyển sang hoạt động với mô hình mới?
Quá trình cổ phần hóa Tổng công ty Hàng hải VN là một con đường khá dài. Công tác cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty được tiến hành từ năm 2014, dù có nỗ lực rất lớn, nhưng phải sau gần 6 năm mới đi đến đích.
Có nhiều nguyên nhân làm chậm thời điểm ra mắt công ty CP. Trước hết, tổng công ty vừa thực hiện việc tái cơ cấu và cổ phần hóa nên nhiều điều kiện biến động. Tiếp đến là việc chuyển đại diện chủ sở hữu Nhà nước từ Bộ GTVT sang Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Trong gần 6 năm, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc chuyển đổi doanh nghiệp cũng có nhiều thay đổi. Có đến 2 lần sửa đổi, bổ sung và thay thế các nghị định về cổ phần hóa, kèm theo đó là sửa đổi, thay thế các thông tư hướng dẫn.
Tất cả các nội dung cổ phần hóa đều phải được làm một cách cẩn trọng và xin ý kiến các Bộ, ngành, Kiểm toán Nhà nước và trình xem xét ở cấp cao hơn là Thủ tướng Chính phủ dẫn đến thời điểm chuyển đổi mô hình của tổng công ty liên tục phải điều chỉnh để đáp ứng quy định của pháp luật.
Vậy, bức tranh tài chính tại thời điểm chuyển sang hoạt động với mô hình mới của Tổng công ty Hàng hải VN so với thời điểm khó khăn nhất đã được cải thiện thế nào, thưa ông?
Nhìn lại thời điểm 2012-2014, Tổng công ty Hàng hải VN có tới ba năm liền giữ “ngôi đầu” về thua lỗ và đứng bên bờ vực phá sản. Nguyên nhân chủ yếu do thị trường hàng hải thế giới phát triển nóng, suy thoái kéo dài, đội tàu của tổng công ty trong giai đoạn đó cũng được đầu tư mạnh mẽ với suất đầu tư cao.
Ngoài ra, tổng công ty còn phải tiếp nhận các doanh nghiệp vận tải biển thua lỗ từ Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam chuyển sang (tổng số 25 tàu, trọng tải hơn 650.000 tấn).
Bằng việc triển khai tái cơ cấu một cách quyết liệt, toàn diện, đặc biệt là việc mua nợ của các ngân hàng theo nguyên tắc thị trường; hoán đổi các khoản nợ thành vốn góp, trả nợ bằng các khoản đầu tư mà tổng công ty có nhu cầu thoái, triệt để xử lý nợ xấu và tài sản không hiệu quả, tiết giảm chi phí, thoái vốn, kể cả cho phá sản một số công ty... hoạt động chung của toàn tổng công ty và công ty mẹ đã bước đầu cân bằng và có lãi.
Vinalines thoát khỏi tình trạng âm vốn chủ sở hữu sau thời gian dài thua lỗ nặng. Lợi nhuận toàn tổng công ty giai đoạn 2015-2020 đạt khoảng 2.700 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 4.800 tỷ đồng.
Hình thành chuỗi dịch vụ khép kín “đón sóng” cơ hội
Chuyển sang hoạt động với mô hình mới, VIMC xác định sẽ đón nhận cơ hội gì, nhất là khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) được ký kết và sắp có hiệu lực?
Việc chuyển đổi sang công ty cổ phần giúp tăng nguồn lực để tiến hành đổi mới hệ thống quản trị, nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng sức cạnh tranh bảo đảm cho sự phát triển bền vững. Cơ cấu sở hữu sau cổ phần hóa, VIMC sẽ nắm giữ vốn tại 19 công ty con và 16 công ty liên kết. Ngoài giữ quyền chi phối tại Công ty mẹ, VIMC cũng sẽ nắm giữ từ 65% vốn điều lệ trở lên tại các công ty cổ phần: Cảng Hải Phòng, cảng Sài Gòn, cảng Đà Nẵng và cảng Quy Nhơn. Đây là những cảng biển quan trọng hàng đầu của cả nước và đều có tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm qua. Có thể xem đây là một điểm tựa vững vàng của tổng công ty trong giai đoạn sắp tới, giai đoạn có nhiều FTA quan trọng.
VIMC đặt mục tiêu đến năm 2025, sản lượng vận tải biển đạt hơn 18 triệu tấn, sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt gần 139 triệu tấn (tăng trưởng bình quân hơn 5%/năm), doanh thu đạt hơn 10.700 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất hơn 1.200 tỷ đồng.
Sau khi thực hiện chuyển mô hình hoạt động, chiến lược kinh doanh của tổng công ty sẽ được thay đổi ra sao, lĩnh vực nào sẽ được VIMC chú trọng?
Thời gian tới, trọng tâm kinh doanh của VIMC vẫn là 3 lĩnh vực: Cảng biển - Vận tải biển - Dịch vụ hàng hải. Trong đó, với lĩnh vực cảng biển, thống kê của Alphaliner cho thấy, xu hướng sử dụng tàu kích cỡ lớn để tiết kiệm thời gian, chi phí sẽ ngày càng gia tăng khi tỷ lệ sức tải lượng tàu đặt đóng mới cỡ siêu lớn (18.000Teu) chiếm tới 37%.
Trên cơ sở đó, VIMC sẽ tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng 2 bến container tại Lạch Huyện (Hải Phòng) và tiếp tục nâng cao năng lực và cơ cấu lại các cảng liên doanh tại Cái Mép - Thị Vải xứng tầm vai trò trung chuyển container quốc tế.
Đối với lĩnh vực vận tải biển, VIMC sẽ tiếp tục thanh lý “trẻ hóa” đội tàu, phát triển đội tàu container và tuyến vận tải dưới thương hiệu chung, chuyển hướng đầu tư bằng việc thuê/mua tàu để khai thác khi thị trường thuận lợi, tiến tới tham gia các liên minh về vận tải biển quốc tế để hiện diện là một đơn vị trung chuyển hàng container trong khu vực.
Với xu thế ngày càng chuyên môn hóa, VIMC cũng sẽ thiết kế các dịch vụ tích hợp nhằm tạo ra chuỗi dịch vụ cung ứng trọn gói, gồm: Dịch vụ vận chuyển bằng đường biển/đường bộ/sà lan, dịch vụ kho bãi, thực hiện phân phối cho các hệ thống bán lẻ. Đặc biệt, để “đón sóng” EVFTA, VIMC đã nghiên cứu dự án thành lập một trung tâm logistics “Việt Nam House” tại châu Âu.
Tại đầu cầu châu Âu, chúng tôi đã đàm phán với đối tác chiến lược và lựa chọn Bỉ làm nơi tập kết, trung chuyển hàng hóa. Từ đây sẽ có một mạng lưới các đơn vị đại lý, đơn vị vận tải đường bộ, đường hàng không tham gia vào chuỗi cung ứng. Đối với hàng hóa xuất khẩu từ châu Âu sang Việt Nam sẽ được hệ thống này thu gom đưa về “Việt Nam House” làm thủ tục xếp lên tàu đưa về Việt Nam và ngược lại.
Dịch vụ door to door này sẽ tiết kiệm đáng kể thời gian và chi phí cho hàng hóa thông thương giữa hai khu vực, tạo động lực cho kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tăng trưởng.
Cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận