Chiều 26/10, ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội, gặp gỡ đại diện cư dân khu đô thị Thanh Hà (Thanh Oai, Hà Nội) về việc nơi đây bị "khủng hoảng" nước sạch trong 2 tuần qua.
Sau khi tiếp nhận những phản ánh, ông Nhưỡng đã chia sẻ với Báo Giao thông về những bức xúc của người dân cũng như việc xử lý tình hình nước sạch tại khu đô thị có 26 tòa chung cư.
"Dân không cần những chỉ đạo suông"
- Trong 2 tuần thiếu nước sạch, cư dân Thanh Hà đã phản ánh hàng loạt hệ lụy về an sinh và sức khỏe. Trong buổi tiếp xúc chiều qua, người dân bức xúc về những vấn đề gì, thưa ông?
Người dân bức xúc việc Công ty nước sạch Nam Hà Nội và Công ty Nước sạch Thanh Hà cấp nước cho khu đô thị Thanh Hà không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng sức khỏe người dân sử dụng.
Sau khi dân có ý kiến, nước được cấp không đầy đủ nên vừa thiếu về số lượng và vừa kém chất lượng nước. Khi nước của Công ty Nước sạch sông Đuống được điều tiết, vẫn sử dụng đường ống cũ chưa thau rửa nên cặn các chất độc hại còn trong đường ống.
- Hàng loạt trẻ em, phụ nữ và cả nam giới cũng bị bệnh da liễu, đường ruột. Nhiều gia đình phải di tản, thậm chí nghĩ đến chuyện bán nhà. Hàng quán cũng không thể kinh doanh. Ông đánh giá như thế nào về mức độ ảnh hưởng đối với người dân?
Mức độ ảnh hưởng có hai khía cạnh. Thứ nhất là mức độ độc hại. Các chất độc hại trong nước vượt ngưỡng rất nhiều lần, có loại gấp 40 lần là rất nguy hiểm.
Thứ hai là liên quan số lượng dân cư rất lớn. Khoảng 30.000 dân phải chịu ảnh hưởng. Mà không chỉ ảnh hưởng trước mắt mà còn tác động lâu dài. Nếu việc cấp nước không đảm bảo số lượng và chất lượng sẽ rất nguy hiểm, gây ra làn sóng bức xúc. Người dân mặc dù tuân thủ các quy định pháp luật nhưng tâm lý rõ ràng bị ảnh hưởng. Nhiều gia đình hoảng loạn. Tiếp xúc với tôi, có người nói rằng con họ mới sinh nên lo lắng cho đứa trẻ sau này.
- Vài ngày sau khi tình trạng mất nước xảy ra, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo giải quyết cấp bách sự việc ở Thanh Hà. Nhưng 2 tuần trôi qua, cuộc sống người dân vẫn đảo lộn. Ông đánh giá như thế nào về những chuyển biến ở Thanh Hà?
Chúng ta biết việc chỉ đạo của đồng chí Bí thư Thành ủy, của UBND TP Hà Nội là những điều tốt. Đó là sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là thực tế diễn ra như thế nào. Và chỉ đạo đó đến bao giờ mới tạo ra hiệu ứng thực sự. Đó là vấn đề người dân cần, chứ không phải những chỉ đạo suông.
Vì thế, sau khi chỉ đạo ấy, cấp ủy, chính quyền địa phương cần vào cuộc quyết liệt, biến chỉ đạo thành sự thật, tránh tình trạng đánh trống bỏ dùi.
Về sự chuyển biến, trường hợp Thanh Hà vừa qua là chậm xử lý, mà nặng nhất là vấn đề về tiêu chuẩn, quy chuẩn nước sạch.
- Trách nhiệm của chính quyền sở tại và các đơn vị liên quan trong việc thực hiện chỉ đạo của thành phố cũng được dư luận đặt ra. Theo ông, có hay không sự thụ động, thiếu quyết liệt khi ở hoàn cảnh cấp bách, người dân phải dựa vào hoạt động cứu trợ của cộng đồng mạng và mạnh thường quân?
Vấn đề này người dân đề cập và kể rằng đã có kiến nghị với các cấp. Có những trường hợp không vào cuộc ngay, chậm chạp. Dẫn đến việc hậu quả xảy ra lâu dài mới vắt chân lên cổ để chạy. Điều này không tốt chút nào.
Khởi kiện hay khởi tố sẽ phụ thuộc mức độ vi phạm
- Trong số những kiến nghị mà cư dân Thanh Hà đã chia sẻ, ông đồng thuận với những nội dung nào?
Tôi đồng thuận với hầu hết các kiến nghị của người dân. Hôm qua, tôi chỉ đạo các vụ nghiên cứu kỹ kiến nghị của người dân để có ý kiến với các cơ quan thẩm quyền và có văn bản chuyển tới UBND TP Hà Nội xem xét vấn đề.
- Người dân đã nghĩ đến việc khởi kiện doanh nghiệp cung cấp nước sạch vì những ảnh hưởng đến kinh tế, sức khỏe. Ông có ủng hộ việc cư dân đưa vụ việc này ra tòa?
Việc khởi kiện hay khởi tố sẽ tùy thuộc người dân cũng như tính chất, mức độ hành vi vi phạm. Nếu xảy ra hậu quả nghiêm trọng và có dấu hiệu tội phạm thì xem xét về mặt tư pháp. Còn nếu vi phạm hợp đồng và gây ra thiệt hại nào đó ngoài hợp đồng thì cần xem xét khía cạnh khởi kiện đòi bồi thường. Tôi nghĩ với cộng đồng hàng chục nghìn dân như thế, họ sẽ cân nhắc để quyết định đúng đắn.
- Với người dân lúc này, họ vẫn thiếu nước sạch, phải mua nước bình để dùng. Là người có nhiều phát ngôn thẳng thắn, luôn có mặt ở những điểm nóng, ông sẽ gọi điện cho ai và nói gì để góp ý giải pháp xử lý dứt điểm tình hình nước sạch ở Thanh Hà?
Chuyện góp ý này rất bình thường. Nếu gọi điện cho lãnh đạo thành phố, tôi sẽ nói là Hà Nội có rất nhiều áp lực và công việc. Tôi chia sẻ với lãnh đạo Hà Nội rất nhiều vấn đề, trong đó có những việc liên quan người dân. Tuy nhiên, nước chiếm tỷ lệ 70% trái đất và 70% cơ thể con người. Không có thức ăn, người ta có thể cầm cự nhưng không có nước người ta dễ dàng hôn mê, thậm chí tử vong.
Như vậy đừng để người dân phải chịu sự khô héo, hoặc bị đầu độc bởi chính khái niệm nước sạch. Tôi rất mong lãnh đạo thành phố quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương để đáp ứng nhu cầu cơ bản đối của người dân.
- Xin cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận