Sẽ thành lập tòa chuyên trách trong xét xử án hành chính
Sáng nay (20/3), tại phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn về các nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý của ngành.
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định)
Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định) cho biết, theo báo cáo, tỷ lệ án hành chính bị hủy sửa do nguyên nhân chủ quan còn cao.
"Phải chăng còn có lý do tâm lý của một bộ phận thẩm phán của cấp sơ thẩm nể nang, né tránh, ngại va chạm, bởi vì cơ quan bị kiện chủ yếu là cơ quan, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính. Đề nghị Chánh án TAND tối cao cho biết nguyên nhân, giải pháp căn cơ của tình trạng này", bà Hoa đặt câu hỏi.
Trả lời nội dung này, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, tỷ lệ xử án hành chính thấp, thứ hai là hủy sửa nhiều hơn án khác có năm đến 4%, cao hơn yêu cầu của Quốc hội. Thứ 3 là án hành chính không được thực thi khi có bản án rồi, UBND không thi hành gây bức xúc cho nhân dân.
"Những tồn tại này có phải do thẩm phán nể nang hay không? Báo cáo Quốc hội, việc nể nang là có thật, nhưng không phải nhiều. Các thẩm phán xét xử những vụ án của UBND cùng cấp cũng có câu chuyện nể nang. Nhưng số này không có nhiều, tuyệt đại đa số thẩm phán đều phát huy bản lĩnh, tính chuyên nghiệp, xét xử nghiêm túc", ông Bình nói.
Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình
Chánh án TAND tối cao cho biết, việc nể nang không phải là nguyên nhân chính để dẫn đến tỷ lệ hủy sửa cao.
Tỷ lệ hủy sửa cao nó có những nguyên nhân như cung cấp tài liệu của UBND các cấp cho người dân là không đầy đủ; sự tham gia của chính quyền các cấp trong phiên tòa hành chính là rất hạn chế.
Theo ông Bình, riêng án hành chính và dân sự thì trách nhiệm chuẩn bị hồ sơ là thuộc các bên, việc này ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng xét xử. Dù luật đã quy định trách nhiệm, nhưng thông thường việc cung cấp của UBND các cấp rất hạn chế.
Về sự tham gia của chính quyền các cấp trong phiên tòa hành chính, theo ông Bình, luật quy định, chủ tịch UBND các cấp khi bị kiện thì phải ra tòa, uy quyền thì chỉ được ủy quyền đến cấp phó của mình. Thông thường, nhất là các vụ án cấp tỉnh thì các vị Chủ tịch nhiều việc cho nên thời gian ra tòa bị hạn chế.
"Việc này ảnh hưởng đến người dân, cho nên những vụ án hành chính bị chậm", ông Bình nói.
Về giải pháp khắc phục tình trạng án hành chính bị hủy, sửa và chậm, ông Nguyễn Hòa Bình cho biết, TAND tối cao đã đề ra 14 giải pháp nâng cao chất lượng xét xử.
"Đối với tình trạng cả nể, mặc dù ít nhưng cũng phải đặt ra. Ở nhiệm kỳ trước, chúng ta đã đổi mới tố tụng hành chính bằng cách đối với vụ án mà huyện xử lý thì giao cho tỉnh xử, đối với vụ án của tỉnh thì tỉnh xử. Trong sửa đổi lần này, thì chúng tôi thành lập tòa chuyên trách, đối với vụ án của huyện thì tỉnh xử, còn của tỉnh thì tòa chuyên biệt xử", ông Bình nói.
Hoạt động của toà án vẫn còn một số tồn tại, hạn chế
Trước khi bước vào phần trả lời chất vấn, phát biểu tại phiên họp, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, thời gian qua, hệ thống tòa án các cấp đã thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết, Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác tư pháp.
Với tinh thần cầu thị, tiếp thu ý kiến của cử tri, ý kiến chất vấn của đại biểu Quốc hội, các tòa án liên tục đổi mới, đề ra nhiều giải pháp quyết liệt và đột phá để thực hiện nhiệm vụ chính trị, kế hoạch, chương trình công tác nên công tác của các tòa án trong những năm gần đây đã có nhiều chuyển biến rất tích cực.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Chánh án Nguyễn Hoà Bình nêu rõ, hoạt động của toà án vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.
Trong phần phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đã điểm lại một số tồn tại, hạn chế đó. Đây là những vấn đề sẽ được lãnh đạo TAND tối cao chỉ đạo toà án các cấp tập trung khắc phục quyết liệt trong thời gian tới.
Hôm nay, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình tập trung trả lời chất vấn về các nhóm vấn đề sau:
Giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại vụ án, nhất là vụ án hành chính, vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng; việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.
Công tác cán bộ của ngành tòa án; giải pháp nâng cao năng lực, trình độ, bản lĩnh, trách nhiệm của thẩm phán và các công chức ngành tòa án; việc phòng ngừa và xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ ngành tòa án.
Công tác tổng kết thực tiễn xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ.
Việc triển khai thi hành Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến, nhất là việc chuẩn bị các điều kiện bảo đảm cho xét xử trực tuyến.
Chịu trách nhiệm trả lời chính: Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng các Bộ: Công an, Tư pháp; Tổng Thanh tra Chính phủ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận