Nội dung chính của Hội nghị G7 sẽ là cuộc khủng hoảng Ukraine |
Tổng thống Obama mang sức ép trừng phạt Nga đến Hội nghị G7
Ngày 7/6, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có mặt ở Đức để tham dự vào Hội nghị thượng đỉnh của lãnh đạo các nước công nghiệp phát triển (G7) với nội dung chính là cuộc khủng hoảng Ukraine. Tuy nhiên Nga sẽ không có mặt trong Hội nghị lần này.
Theo CNN, giới chức Mỹ cho biết tại Hội nghị G7, ông Obama sẽ thúc giục phương Tây mở rộng thêm các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga.
Mỹ và các nước phương Tây đã nhiều lần sử dụng đòn “trừng phạt kinh tế” đối với nước Nga, khiến cho Moscow lao đao vì đồng ruble sụt giảm mạnh mẽ, quan hệ của Nga với phương Tây và Mỹ xuống mức thấp nhất kể từ Thế chiến 2.
Tuy nhiên, Nhà Trắng cũng phải thừa nhận rằng, những biện pháp trừng phạt tuy ngày một mạnh tay hơn trước, nhưng không ảnh hưởng nhiều đến Nga như họ mong muốn, nước Nga vẫn rất vững vàng trước “sóng gió”, CNN nhận định.
Bên cạnh cuộc khủng hoảng Ukraine, một vấn đề khác mà Tổng thống Mỹ quan tâm chính là cuộc chiến chống khủng bố, cụ thể ở đây là Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang hoành hành ở Iraq và Syria.
Sau nhiều cuộc không kích của liên minh chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu tiến hành, IS chưa có dấu hiệu sụp đổ mà ngược lại ngày càng mạnh mẽ và mở rộng phạm vi hoạt động hơn trước. Nhiều khu vực quan trọng ở Iraq và Syria đang dần dần rơi vào sự kiểm soát của tổ chức khủng bố này.
Tổng thống Obama đã lên kế hoạch để gặp gỡ Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi ở Đức vào ngày 8/6. Dự kiến, Thủ tướng Iraq sẽ yêu cầu Mỹ cung cấp thêm trang thiết bị và vũ khí cần thiết để chống lại sự bành trướng của IS, CNN cho biết.
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy sẽ đồng ý với yêu cầu của ông al- Habadi. Giới chức Washington phỏng đoán, chính quyền ông Obama vẫn đang đánh giá thêm về việc huấn luyện cho quân đội Iraq và việc vận chuyển thiết bị tới Baghdad.
Tương tự như Iraq, ông Obama cũng đang “miễn cưỡng” trước đề nghị cung cấp vũ khí sát thương cho quân đội Ukraine. Cho đến nay, ông Obama chưa đồng ý gửi vũ khí đến Kiev. Tuy nhiên, vào tháng trước Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden có tuyên bố, việc gửi vũ khí cho Ukraine đang được xem xét, và các quan chức cấp cao của chính quyền ông Obama - trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Tướng Martin Dempsey - đã lên tiếng công khai ủng hộ.
Còn đối với các nhà lãnh đạo châu Âu, dẫn đầu là Thủ tướng Đức Angela Merkel, đã quyết liệt phản đối việc viện trợ vũ khí cho Kiev vì lo ngại rằng, vũ khí có thể khiến bạo lực leo thang trong cuộc khủng hoảng miền Đông Ukraine.
Việc có vận chuyển vũ khí cho Ukraine hay không, nhiều khả năng sẽ được bàn thảo trong 2 ngày diễn ra Hội nghị thượng đỉnh G7. Tuy nhiên, giới chức Nhà Trắng cho biết, trọng tâm của Hội nghị vẫn là việc thắt chặt lệnh trừng phạt Nga.
Mỹ và phương Tây vẫn luôn đổ lỗi rằng cuộc khủng hoảng Ukraine leo thang do Nga hậu thuẫn cho phe đối lập, khiến cho thỏa thuận ngừng bắn Minsk bị phá vỡ.
"Rõ ràng là Tổng thống Nga Putin không hề thay đổi ý định", CNN dẫn lời Ben Rhodes, Phó cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Obama cho biết. "Điều quan trọng là áp lực lên Nga phải được duy trì," ông Ben Rhodes nói.
“Mối quan hệ đi xuống không phải là lỗi của chúng tôi”
Trong bài phỏng vấn đăng trên tờ Tin nhanh buổi chiều (Corriere della Sera) của Italy ngày 6/6, Tổng thống Nga Valdimir Putin đã cho rằng "suy giảm trong quan hệ" giữa Moscow và các nước EU không phải là lỗi của Nga.
"Chúng tôi đã luôn luôn đề nghị với EU một mối quan hệ nghiêm túc. Nhưng bây giờ tôi có ấn tượng rằng châu Âu đang cố gắng để thiết lập một mối quan hệ thực dụng với chúng tôi, và chỉ vì lợi ích riêng của họ”, ông Putin nhấn mạnh.
Tổng thống Nga Vladimir Putin |
Tổng thống Nga cho biết thêm: “Mối quan hệ đi xuống không phải là lựa chọn của chúng tôi”, “Chúng tôi không khởi xướng các biện pháp trừng phạt về kinh tế. Thay vào đó, chúng tôi chính là mục tiêu của lệnh trừng phạt và chúng tôi phải trả lời bằng cách trả đũa, bằng các biện pháp tự bảo vệ bản thân”.
Trong cuộc phỏng vấn, Tổng thống Putin đặc biệt nhấn mạnh đến nền kinh tế Ukraine. Ông đã chỉ ra rằng mặc dù Liên minh châu Âu đã bãi đã bỏ hàng rào thuế quan đối với Ukraine, nhưng doanh số bán hàng của Kiev sang thị trường châu Âu vẫn còn rất thấp.
"Chúng tôi là một thị trường rộng lớn cho Ukraine, nhưng mối quan hệ tốt đẹp giữa 2 bên đã bị đơn phương cắt đứt từ phía Kiev," Tổng thống Nga cho biết.
Ông Putin khẳng định, bất chấp những khó khăn mà nền kinh tế Nga đối mặt hiện nay, ngành nông nghiệp của đất nước vẫn được "tăng trưởng ổn định" ở mức 3,4% đến 3,5% trong năm 2014.
"Chúng tôi dành sự quan tâm đáng kể đến sự phát triển nông nghiệp ở Nga", ông Putin nói thêm rằng trong quý đầu tiên của năm nay, sự tăng trưởng nông nghiệp vẫn giữ được mức tương tự là 3,4 %.
"Nga hiện là nước xuất khẩu ngũ cốc lớn thứ ba trên thế giới", ông Putin cho hay, đồng thời lưu ý rằng năm ngoái Nga đã thu hoạch được 105.300.000 tấn ngũ cốc, một con số kỷ lục.
"Nga có một tiềm năng rất lớn trong lĩnh vực nông nghiệp", Tổng thống Nga nhấn mạnh. Ông Putin cho biết thêm, lý do Nga làm được điều này vì có lẽ Nga là đất nước có diện tích canh tác nông nghiệp lớn nhất thế giới và dự trữ nước ngọt nhiều nhất thế giới.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận