Thầy Văn Như Cương luôn được coi là linh hồn của trường Lương Thế Vinh |
Thầy ra đi đường đột quá...
Sớm 9/10, sau khi nhận tin PGS Văn Như Cương qua đời, ông Dương Danh Tấn (76 tuổi), cùng nhiều bạn đồng hương của thầy (Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An) vội tìm đến trường THPT Lương Thế Vinh. Từng là học trò cũ của cha PGS. Văn Như Cương, ông Tấn bảo: “Đó là một người thầy vô cùng nghiêm khắc với học sinh, chỉ bảo, rèn giũa các em từng nét chữ. Thầy đã đào tạo nhiều thế hệ học trò thành đạt và được học trò vô cùng kính nể”, ông Tấn nói và cho biết, ngoài đời thầy Cương là một nhân cách sống đáng ngưỡng mộ.
Thầy Đoàn Ngọc Tọa, nguyên giáo viên Văn Trường THPT Lương Thế Vinh, cũng rưng rưng chia sẻ: “Nhận tin thầy Cương ra đi, cảm giác chung của chúng tôi là hơi đường đột. Thầy Cương là linh hồn của trường Lương Thế Vinh nói riêng và sự nghiệp giáo dục ngoài công lập nói chung. Tới phút cuối, thầy vẫn rất minh mẫn, vẫn muốn cống hiến với rất nhiều dự định dang dở...”.
Trong tâm sự của thầy Tọa, nhiều dấu ấn với thầy Văn Như Cương vẫn đong đầy. “Tôi mến thầy Cương ở chỗ thầy vừa có tố chất của một ông đồ Nghệ, tư duy của nhà toán học và có tính cách của một nghệ sĩ. Khi vào công tác ở trường Lương Thế Vinh, ấn tượng của tôi là câu xưng hô đầu tiên của thầy. Khi trao đổi với đồng nghiệp, thầy đều xưng thầy cô, không có "anh anh, em em, cậu cậu, tớ tớ". Đây chính là tố chất để thu hút giáo viên giỏi trong những ngày đầu thành lập trường Lương Thế Vinh”.
Khuôn mặt đượm buồn, em Vũ Đức Quang, học sinh lớp 11A11 trường THPT Lương Thế Vinh cho biết: “Đến giờ, em vẫn không tin thầy Cương đã mất cho dù thông tin này đã được các thầy cô giáo xác nhận với chúng em”. Theo tâm sự của Quang, em chưa được tiếp xúc với thầy nhiều, chỉ khoảng 2-3 lần mỗi năm học vì những năm gần đây thầy Cương ốm nhiều. Nhưng em nhớ mãi kỷ niệm với người thầy đáng kính ngay từ ngày đầu tiên tới trường. Thầy rất gần gũi, chú trọng đến học sinh mới, nhất là các học sinh đầu cấp, động viên các em trong học tập. “Ấn tượng sâu sắc nhất là ngày đầu năm học lớp 6, khi mới gặp thầy với bộ râu trắng rất dài, bọn em nói thầm với nhau cùng đoán xem thầy bao nhiêu tuổi. Em đoán thầy 72, bạn khác lại bảo thầy 78. Khi bọn em hỏi thầy, thầy bảo “tuổi thầy bằng trung bình cộng của hai con số đó. Thầy 75 tuổi. Sau đó, thầy nói tuổi các em hiện chỉ bằng 1/7 số tuổi của thầy nên còn nhiều cơ hội để phấn đấu và học tập. Thầy rất mong các trò cố gắng trở thành người tử tế, học tập tốt, làm rạng danh mái trường Lương Thế Vinh”, Quang cho biết.
Còn với em Lê Huy Hải Anh, học sinh lớp 10A1 trường THPT Lương Thế Vinh, từng lời thầy Cương trong bài phát biểu “một phút chữa bệnh lười” vào dịp khai giảng mới đây vẫn còn vang vọng. “Thầy có gương mặt hiền từ, bộ râu dài và thánh thiện, gần gũi. Có lần giáp Tết, thầy tham gia gói bánh chưng và trò chuyện với chúng em. Lần em và bố đến thăm, lúc đó thầy gầy yếu lắm. Dù đã biết bệnh tình thầy từ lâu song tin thầy mất vẫn khiến em hụt hẫng!”.
Sống mãi tinh thần của thầy Văn Như Cương
Trở về trường ngay sau khi nhận được tin thầy Văn Như Cương ra đi, chị Lê Thùy Dương, cựu học sinh khóa 10 trường THPT Lương Thế Vinh bần thần và dường như không tin đó là sự thật. Trong tâm trí của chị, thầy Cương luôn là người thầy biết lắng nghe và chia sẻ. “Thầy không đứng chính lớp, chỉ dạy thay những giờ giáo viên bận. Học sinh rất ngưỡng mộ thầy bởi cách dạy rất dí dỏm, gần gũi và dễ hiểu. Nhiều khi trong những tiết học ấy, thầy lại dành thời gian để trao đổi về gia đình, về mơ ước với các học sinh. Nhẹ nhàng, sâu sắc mà ấm cúng, không có cảm giác cách biệt…”, chị Dương xúc động.
Cố giấu giây phút xúc động khi nghe tin thầy về với cõi tạm, chị Phạm Thị Mai Nhàn (Tân Mai, Hà Nội), cựu học sinh liên cấp trường Lương Thế Vinh khóa 1996 – 2003 cho biết: “Tôi đã òa khóc khi nhận được tin thầy mất! Ùa về trong ký ức của tôi là dáng thầy gầy guộc trong chiếc áo sơ mi trắng giản dị với mái tóc và bộ râu dài như ông tiên. Ông tiên ấy hay hát bài "Tình ca" cho các thầy cô và các học trò mỗi dịp văn nghệ của trường. Tiếc rằng, hồi đấy mình còn nhỏ, chả hiểu được ý nghĩa bài hát ấy, nhạc điệu ấy nên không cảm thụ được, chỉ biết rằng giọng thầy rất cao, rất vang và trầm ấm”. Chị Nhàn xúc động chia sẻ: “Những bài học làm người của thầy được các thế hệ học sinh chúng tôi coi như những kỹ năng cần thiết khi bước ra cuộc đời. Mỗi người đều vinh dự khi được là học trò của thầy. Từ ngôi trường này, thầy đã đào tạo được rất nhiều thế hệ học sinh có cả đức và tài... Tôi biết rằng, ngay lúc này đây, trái tim hàng vạn thầy cô và học sinh đã, đang giảng dạy và học tập tại trường Lương Thế Vinh rất đau buồn khi nghe tin dữ, nhưng đây cũng là lúc ý chí mạnh mẽ mà thầy đã truyền dạy sẽ được phát huy mạnh mẽ nhất. Chúng tôi sẽ luôn sống, học tập và làm việc với tinh thần của thầy: Có đức độ, kiến thức và ý chí quyết tâm để làm tốt nhất công việc của mình”.
PGS. Văn Như Cương sinh ra trong gia đình làm nghề dạy chữ Hán tại làng Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu, Nghệ An). Tốt nghiệp phổ thông năm 1954, ông ra Hà Nội học Khoa Toán (Đại học Sư phạm Hà Nội) và được giữ làm cán bộ giảng dạy. Sau một thời gian ở Hà Nội, thầy cùng GS Nguyễn Thúc Hào vào xây dựng Đại học Sư phạm Vinh (Nghệ An). Sau đó, thầy được cử đi học chương trình nghiên cứu sinh ngành Toán học tại Viện Toán học (Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô cũ). Bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ vào năm 1971, thầy Cương trở về giảng dạy ở Tổ Hình học, Khoa Toán, Đại học Sư phạm Vinh, sau đó lại về Đại học Sư phạm Hà Nội. Ngoài công việc chuyên môn, thầy Văn Như Cương tham gia viết sách, dịch sách. Năm 1975, thầy đã dịch cuốn Đối thoại về toán học; năm 1987 cùng với GS. Hoàng Xuân Sính, Đoàn Quỳnh biên soạn cuốn Đại số tuyến tính và hình học. Thầy cũng chủ biên hơn 60 đầu sách giáo khoa, sách tham khảo phổ thông và giáo trình đại học về chuyên ngành hình học. Năm 1989, thầy làm đơn xin thành lập Trường Dân lập Lương Thế Vinh - trường phổ thông dân lập đầu tiên tại Việt Nam mang tên nhà toán học nổi tiếng. Thầy Cương từng làm bốn câu thơ nổi tiếng: Em cắm hoa tươi đặt cạnh bàn/ Mong rằng toán học bớt khô khan/ Em ơi trong toán nhiều công thức/ Đẹp tựa như hoa lại chẳng tàn. Lễ viếng PGS. Văn Như Cương dự kiến diễn ra từ 10h30 đến 12h ngày 12/10 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận