Thế giới

Ông Trump đã trao đổi với ông Putin về tình hình Ukraine

11/11/2024, 07:44

Ngày 10/11 một quan chức Mỹ cho biết, Tổng thống mới đắc cử Donald Trump đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin về tình hình Ukraine.

Không muốn chiến sự leo thang

Theo hãng tin RT, cuộc điện đàm diễn ra ngày 7/11, không lâu sau khi ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

Tại cuộc điện đàm, Tổng thống đắc cử Trump và ông Putin cũng trao đổi về mục tiêu hòa bình tại châu Âu. Trong đó, ông Trump bày tỏ sự quan tâm đến việc duy trì đối thoại nhằm nhanh chóng đạt được một giải pháp cho cuộc chiến tại Ukraine.

Ông Trump đã trao đổi với ông Putin về tình hình Ukraine- Ảnh 1.

Tổng thống Nga Putin và ông Donald Trump tại Hội nghị Thượng đỉnh G20, diễn ra tại Osaka, Nhật Bản năm 2019 (Ảnh: Reuters).

Song khi được hỏi, ông Steven Cheung, Giám đốc Truyền thông của ông Trump, trả lời: "Chúng tôi sẽ không đưa ra bình luận về các cuộc điện đàm cá nhân giữa Tổng thống đắc cử Donald Trump và các nhà lãnh đạo thế giới".

Phát biểu trên Đài truyền hình Nga Rossiya, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết đã có dấu hiệu cho thấy mối quan hệ Nga – Mỹ cải thiện và đây là một tín hiệu tích cực.

"Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã đề cập đến cách thức ông nhìn nhận về thỏa thuận hòa bình. Ít nhất ông ấy đã nói về hòa bình chứ không phải đối đầu hay tìm cách khiến Nga phải hứng chịu thất bại chiến lược", ông Peskov nhấn mạnh.

Một cựu quan chức Mỹ nhận định, ông Trump nhiều khả năng không muốn bước vào Nhà Trắng khi cuộc khủng hoảng Ukraine có dấu hiệu leo thang căng thẳng. Điều này sẽ giúp ông có điều kiện để ngăn chặn cuộc chiến trở nên tồi tệ hơn. 

,

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Ukraine cho biết họ không được thông báo trước về cuộc điện đàm giữa ông Trump và ông Putin, tuyên bố không phản đối nhưng cũng không ủng hộ hành động của ông Trump.

Trước đó, ngày 6/11, ông Trump đã có cuộc trao đổi với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Tổng thống đắc cử Donald Trump từng lên tiếng chỉ trích quy mô viện trợ quân sự và tài chính mà Mỹ dành cho Ukraine. Ông Trump cũng cam kết sẽ sớm chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine dù không nêu cụ thể cách thức đạt được điều này.

Trong một diễn biến có liên quan, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã mời ông Trump đến Phòng bầu Dục vào ngày 13/10. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan ngày 10/11 cho biết, thông điệp quan trọng nhất mà ông Biden muốn truyền đạt là cam kết chuyển giao quyền lực trong hòa bình. Ngoài ra, ông Biden sẽ thảo luận với ông Trump về tình hình châu Âu, châu Á và Trung Đông.

Song, khi được hỏi về việc liệu ông Biden có yêu cầu Quốc hội Mỹ thông qua dự luật cho phép viện trợ tài chính thêm cho Ukraine, ông Sullivan không trả lời.

"Tôi chưa thể cung cấp chi tiết bản đệ trình. Tổng thống Biden sẽ làm rõ quan điểm rằng chúng ta cần cung cấp các nguồn lực cho Ukraine ngay cả sau nhiệm kỳ của ông ấy", ông Sullivan giải thích.

Ukraine có thể bị cắt giảm mạnh viện trợ?

Cho đến thời điểm này, Chính phủ Mỹ đã cung cấp hàng tỷ USD nhằm hỗ trợ cho Ukraine trong cuộc chiến với Nga. Tổng thống đắc cử Trump và nhiều quan chức đảng Cộng hòa đã nhiều lần chỉ trích và vận động Quốc hội Mỹ phản đối.

Ông Trump đã trao đổi với ông Putin về tình hình Ukraine- Ảnh 3.

Chính phủ Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden đã dành rất nhiều hàng viện trợ cho Ukraine (Ảnh: AP).

Năm 2023, ông Trump từng tuyên bố Tổng thống Nga sẽ không bao giờ phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine nếu ông là Tổng thống Mỹ đương nhiệm ở thời điểm đó. Ông Trump cho rằng, Ukraine rất có thể phải nhượng bộ lãnh thổ để đổi lấy hòa bình.

Mới đây nhất, ngày 7/10, Tổng thống Ukraine Zelensky cho biết ông chưa từng được biết chi tiết kế hoạch chấm dứt nhanh cuộc chiến tại Ukraine của ông Trump. Theo ông Zelensky, điều này đồng nghĩa với việc Ukraine có thể phải chấp nhận những điều kiện nhượng bộ lớn. 

Theo Văn phòng Thẩm định Trách nhiệm của Chính phủ Mỹ (GAO), dưới thời Tổng thống Joe Biden, Quốc hội Mỹ đã phê chuẩn tổng số tiền viện trợ trị giá hơn 174 tỷ USD cho Ukraine. Con số này được dự đoán sẽ giảm nhanh chóng dưới thời ông Donald Trump. 

Thượng Nghị sĩ đảng Cộng hòa Bill Hagerty, ứng viên hàng đầu cho vị trí Ngoại trưởng Mỹ, đã lên tiếng chỉ trích việc Chính phủ Mỹ cung cấp viện trợ cho Ukraine.

"Người dân Mỹ muốn chủ quyền quốc gia được bảo vệ trước khi chúng ta chi tiền và nguồn lực để bảo vệ chủ quyền một quốc gia khác", ông Hagerty nhấn mạnh.

Hiện quân đội Nga đang chiếm khoảng 1/5 lãnh thổ Ukraine. Phía Nga tuyên bố cuộc chiến Ukraine không thể chấm dứt cho đến khi Ukraine nhượng bộ tất cả những vùng đất mà Nga đang kiểm soát tại Ukraine. Trong khi đó, Ukraine muốn Nga trao trả lại toàn bộ những vùng lãnh thổ đó.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.