Thị trường

PCI 2021: Đã Covid-19, doanh nghiệp còn bị “hành” vì thủ tục đất đai

27/04/2022, 10:58

44,8% DN khó khăn khi mở rộng mặt bằng kinh doanh. Nhiều nguồn lực không chỉ DN bên ngoài mà bản thân DN tại địa phương cũng bị cản trở...

Quảng Ninh lần thứ năm đứng đầu bảng xếp hạng PCI

Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố sáng nay cho thấy Quảng Ninh là tỉnh duy nhất được xếp hạng chất lượng điều hành kinh tế “rất tốt”.

img

Quảng Ninh lần thứ năm đứng đầu bảng xếp hạng PCI

Ông Đậu Anh Tuấn, trưởng Ban Pháp chế VCCI cho biết năm 2021 là năm đặc biệt với sự hoành hành của Covid-19. Do đó, cách thức điều hành, ứng xử của chính quyền địa phương tác động trực tiếp tới sự thuận lợi hay khó khăn trong hoạt động của doanh nghiệp.

Trong điều tra PCI 2021, 87,9% doanh nghiệp trong tỉnh đã đánh giá “tốt” hoặc “rất tốt” về ứng phó của chính quyền tỉnh trước đại dịch Covid-19.

Đây là một trong những địa phương có tỷ lệ doanh nghiệp hài lòng về quản trị dịch bệnh cao nhất cả nước.

Trong báo cáo PCI 2021, Quảng Ninh đã giảm 40-50% thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với quy định. Hệ thống Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện thống nhất cơ chế làm việc 5 tại chỗ, từ tiếp nhận – thẩm định- phê duyệt – đóng dấu – trả kết quả.

Quảng Ninh cũng đứng đầu 2 chỉ số thành phần của PCI 2021 là chi phí gia nhập thị trường và chi phí thời gian trong giải quyết thủ tục hành chính.

Hải Phòng lần đầu xếp á quân

Bên cạnh Quảng Ninh, điểm đáng lưu ý là Hải Phòng lần đầu vươn lên vị trí thứ hai trên bảng xếp hạng.

Đây là thứ hạng cao nhất của Hải Phòng trên Bảng xếp hạng PCI từ trước tới nay, tăng 5 bậc so với lần xếp hạng trước.

“Trục Đông Bắc có Quảng Ninh, Hải Phòng, bên cạnh đó là Hưng Yên, Hải Dương cũng đang có tốc độ cải cách nhanh hơn”, ông Tuấn nói.

img

VCCI công bố Báo cáo PCI 2021

Một địa phương nữa được đánh giá cao về nỗ lực cải cách là Vĩnh Phúc khi tỉnh này trở lại top 5.

Điểm ghi nhận của doanh nghiệp dành cho Vĩnh Phúc là các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp và vai trò của Tổ giúp việc của Chủ tịch UBND tỉnh.

Như tỉnh cam kết cắt giảm thời gian kiểm tra trước hoàn thuế giá trị gia tăng tại trụ sở người nộp thuế xuống còn 40 ngày làm việc và cắt giảm thủ tục hành chính để thực hiện nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách nhà nước xuống dưới 115 giờ/năm.

Bên cạnh đó, Vĩnh Phúc cũng xây dựng và đưa vào sử dụng bộ phận một cửa liên thông, hiện đại ở cả 3 cấp. Đặc biệt, hệ thống đường dây nóng của tỉnh được thiết lập và vận hành hiệu quả với 5 ngôn ngữ: Việt Nam, Trung Quốc, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Vĩnh Phúc cũng là một trong những tỉnh đầu tiên thành lập và phát huy có hiệu quả vai trò của Tổ giúp việc của Chủ tịch UBND tỉnh nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Trong năm 2021, các cơ quan chức năng của UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện 8 cuộc khảo sát lớn, trong đó có 5 cuộc khảo sát online để thu thập phản hồi về những khó khăn của doanh nghiệp trong lưu thông hàng hóa, tiếp cận tín dụng, lao động, và tìm kiếm giải pháp chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn Covid-19 bùng phát.

Những nỗ lực này đã giúp Vĩnh Phúc cải thiện điểm số và thứ hạng ở một loạt chỉ số thành phần như Chi phí thời gian (xếp thứ 3 cả nước), Chi phí không chính thức (xếp thứ 3), Cạnh tranh bình đẳng và Tiếp cận đất đai (cùng đứng vị trí thứ 7).

Gần 60% doanh nghiệp vẫn bị nhũng nhiễu

Đánh giá về báo cáo chung, ông Đậu Anh Tuấn cho biết môi tường kinh doanh nói chung đã tích cực hơn.

Hà Nội nằm trong Top 10 PCI 2021

Đồng Tháp và Đà Nẵng là hai địa phương quen thuộc trong top 5 PCI hàng năm. Tiếp theo trong Top 10 là Bình Dương, Bắc Ninh, Thừa Thiên - Huế, Bà Rịa - Vũng Tàu và Hà Nội. Tỉnh Thừa Thiên - Huế đã quay trở lại top 10 PCI sau 8 năm kể từ PCI 2013.

Các địa phương phía cuối bảng xếp là Cao Bằng (63), Hòa Binh (62), Kon Tum (61), Kiên Giang (60), Hà Giang (59), Ninh Bình (58), Quảng Bình (57), Lai Châu (56), Bạc Liêu (55), Sóc Trăng (54).

“Nếu so sánh với các năm trước thì hầu hết các lĩnh vực đều có chuyển biến tích cực, môi trường kinh doanh của Việt Nam đang chuyển biến tích cực hơn. Cứ 10 DN thì có 8 DN đánh giá cao về cải cách trong thủ tục thành lập doanh nghiệp. Do đó, thời gian tới cải cách phải nằm ở nhóm lĩnh vực khó hơn”, ông Tuấn cho biết.

Báo cáo PCI 2021 cũng ghi nhận một điểm nổi bật là tính năng động của chính quyền địa phương.

“Thời kỳ dịch bệnh ảnh hưởng cực kỳ nhiều tới DN nhưng các địa phương vẫn hỗ trợ tốt cho DN. Tính năng động của chính quyền địa phương trong bối cảnh dịch bệnh được đánh giá là tốt nhất từ trước tới nay”, trưởng ban Pháp chế VCCI nói.

Ông Tuấn cũng thông tin, nét nổi bật trong nhiều năm qua là chi phí không chính thức đang trên đà giảm: “Năm 2015-2016, chúng tôi điều tra thì có 6,6/10 DN phải chi trả chi phí này nhưng nay giảm xuống 41,4%”.

Ông Tuấn cho biết, tốc độ giảm đều đặn trong cải biến này cho thấy tác động tốt từ ứng dụng công nghệ thông tin và công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua được thực hiện mạnh mẽ. Do đó, chi phí không chính thức không chỉ giảm ở tần suất mà quy mô chi phí cũng giảm.

Tuy nhiên, ông Tuấn cũng thông tin chi phí bôi trơn vẫn lớn ở một số lĩnh vực như: Thủ tục xây dựng, cấp phép kinh doanh ngành nghề có điều kiện hay quản lý thị trường, thanh tra môi trường… Vẫn có 57,4% DN nhận định có tình trạng nhũng nhiễu trong giải quyết thủ tục hành chính.

Đất đai “bó chân” doanh nghiệp

Mặc dù giải quyết thủ tục hành chính cũng là điểm sáng của báo cáo năm nay nhưng trong phiếu đều tra mà VCCI hỏi DN cụ thể lĩnh vực nào phiền hà nhất, thủ tục nào phiền hà nhất thì các DN cho biết năm qua thủ tục về thuế, phí, đất đai, thủ tục xây dựng có xu hướng khó hăn hơn cho DN.

“Đất đai và mặt bằng kinh doanh vẫn là vấn đề nóng, điểm tiếp cận đất đai giảm, DN phải đối mặt khó khăn mặt bằng kinh doanh. Có 44,8% DN còn khó khăn khi mở rộng mặt bằng kinh doanh nên nhiều nguồn lực không chỉ DN bên ngoài mà bản thân DN tại địa phương cũng bị cản trở do đất đai và mặt bằng kinh doanh. Chúng tôi hy vọng thời gian giá đất ảo và vấn đề mặt bằng sẽ không ảnh tới DN”, ông Tuấn nói.

Bên cạnh quỹ đất và giá đất, thủ tục hành chính đất đai là vấn đề khó khăn hàng đầu đối với DN. “Nên thay vì bổ sung quỹ đất thì địa phương cũng cải cách thủ tục hành chính đất đai là chìa khoá tăng cường nguồn lực cho DN”, trưởng Ban Pháp chế VCCI kiến nghị.

Ông Đậu Anh Tuấn: Luật hỗ trợ DNNVV chưa như kỳ vọng

Luật hỗ trợ DNNVV được cộng đồng DN mong đợi nhưng rất ít DN được hưởng lợi hỗ trợ thực tế từ luật này. Ở địa phương, lịch tiếp lãnh đạo DN lớn nhiều nhưng lịch tiếp DN nhỏ rất ít.

Tập đoàn lớn quan trọng cho sự phát triển của địa phương nhưng DN nhỏ cũng tạo việc làm, an sinh xã hội. Không có nước nào phát triển kinh tế chỉ dựa vào DN lớn. Thời gian tới chúng tôi mong thực thi Luật hỗ trợ DNNVV tại các tỉnh làm mạnh mẽ hơn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.