ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp phát biểu ý kiến tại Quốc hội chiều 27/10 |
Đề xuất lập quỹ bồi thường oan sai
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình (ĐB tỉnh Quảng Ngãi) đánh giá, dự luật quy định rộng hơn, thể hiện đầy đủ trách nhiệm của Nhà nước khi gây ra thiệt hại cho dân thì phải bồi thường. Tuy nhiên, đi vào thực thi thì rất khó, điển hình như việc bồi thường trong lĩnh vực hình sự, dù làm nhiều năm và có kinh nghiệm nhưng vẫn còn khó khăn. “Theo dõi mấy vụ oan sai thì thấy bồi thường kiểu gì cũng bị lên án. Nếu bồi thường đúng quy định của luật thì không được bao nhiêu, giống như vụ ông Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận. Còn nếu bồi thường số tiền quá lớn thì dư luận lại đặt câu hỏi tại sao tiền Nhà nước mất nhiều thế, giống như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang”, ông Bình lấy dẫn chứng và cho rằng, trên thực tế khi vận dụng luật, có hướng dẫn bao nhiêu cũng không đủ vì có những khoản không thể nào chứng cứ hoá được như danh dự, sức khoẻ, tinh thần... Đó chính là điều khiến cơ quan thi hành gặp khó khăn.
Về nguồn tiền bồi thường oan sai, Chánh án Nguyễn Hoà Bình cho biết, dư luận, thậm chí trên diễn đàn Quốc hội đặt ra một câu chuyện rất nóng, rằng tiền thuế nhân dân đóng không phải để chi trả cho chuyện gây oan sai. Đây là câu chuyện rất nhức nhối nhưng thế giới đã giải được bài toán này. “Trong văn bản kiến nghị gửi cơ quan soạn thảo, chúng tôi đã nêu nhưng không được tham khảo. Các nước họ lập ra một quỹ, nguồn tiền lấy từ tất cả những khoản tiền thu được do phạm tội mà có như hối lộ, buôn lậu, ma tuý, rửa tiền.. Và lấy quỹ này để trả cho bồi thường, không phải từ tiền thuế của dân. Ở các nước nguồn tiền này là đủ. Đây là câu chuyện nên tham khảo”, ông Bình đề xuất.
Đề cập quy định thu hồi tiền Nhà nước đã bỏ ra bồi thường từ người gây thiệt hại, Chánh án TAND Tối cao cho rằng chúng ta mới nói phải thu hồi và phải có một định lượng 30-50 tháng lương, nhưng thu hồi của ai thì chưa đề cập cụ thể. Ông Bình dẫn chứng, vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn, ông Huỳnh Văn Nén là lỗi tổng hợp, có lỗi của điều tra viên, kiểm sát viên, toà án... nên giờ thu hồi, không thể nói do một mình tòa án được.
Khiến người khác tù oan, dù một năm cũng khó khắc phục
Đó là quan điểm của ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đưa ra khi đề cập đến trách nhiệm bồi thường oan sai của Nhà nước. “Tính toán chi ly thì sẽ rất khó bồi thường được sau khi đưa một con người vào tù oan, dù một năm cũng khó khắc phục”, bà Nga nói.
Có thể ứng trước kinh phí bồi thường Dự thảo Luật lần này đã sửa đổi, bổ sung quy định, đối với trường hợp người yêu cầu bồi thường có yêu cầu tạm ứng kinh phí bồi thường thì cơ quan giải quyết bồi thường có trách nhiệm thực hiện việc tạm ứng kinh phí để chi trả một phần khoản tiền bồi thường có thể tính được ngay cho người bị thiệt hại. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật tán thành việc bổ sung quy định trên, vì trong thực tiễn có những vụ việc yêu cầu bồi thường mà một số thiệt hại và mức bồi thường đã được pháp luật xác định tương đối rõ, có thể tính toán được ngay thì việc ứng trước cho người bị thiệt hại sẽ góp phần giảm bớt khó khăn trước mắt cho họ. |
Liên quan đến một số trường hợp bị oan sai gây bức xúc dư luận nhưng thời gian đòi bồi thường lại bị kéo dài như trường hợp như ông Huỳnh Văn Nén, ông Nguyễn Thanh Chấn, bà Nga đề nghị phải xem xét lại quy trình giải quyết. “Ông Chấn ngồi tù oan 10 năm bồi thường 7,2 tỷ đồng nhưng tại sao ông Nén ngồi tù 17 năm lại chỉ nói bồi thường 2,6 tỷ đồng?”, bà Nga đặt vấn đề và nói thêm rằng Dự thảo luật đề cập đến việc xác minh thiệt hại do thực tế phát sinh, thiệt hại do tài sản, sức khỏe bị xâm phạm, thu nhập thực tế bị mất, thiệt hại về tinh thần..., nhưng như ông Nén đi tù 17 năm thì bây giờ làm sao có đủ giấy tờ để chứng minh thiệt hại?
“Loại có hoá đơn thì tính theo hoá đơn, đi tù lâu không còn hoá đơn thì phải có cách tính chi phí hợp lý để đảm bảo công bằng”, bà Nga nêu ý kiến và đề nghị với những vụ việc nổi cộm “đăc biệt” thì Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao xem xét chỉ đạo giải quyết để tránh kéo dài.
Trao đổi bên hành lang Quốc hội về việc bồi thường oan sai cho “người tù thế kỷ” Huỳnh Văn Nén, Phó Bí thư Huỳnh Thanh Cảnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận cho rằng việc tính toán, xác định mức bồi thường cho ông Nén phải căn cứ quy định của pháp luật. “Mức bồi thường thương lượng lần thứ ba (trên 10 tỷ đồng) so với lần thứ tư (2,6 tỷ đồng) có mức chênh lệch khá lớn như vậy có thể do vận dụng pháp luật không chuẩn, không bảo đảm. Tôi cho rằng tòa án với trách nhiệm cơ quan làm oan sai phải có trách nhiệm rà soát lại thật kỹ, vận dụng tối đa để bồi thường thỏa đáng nhất”, ông Cảnh nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận