Phạm Công Danh và các đồng phạm |
Theo cáo trạng của Viện KSND Tối cao, ông Danh đã chỉ đạo cấp dưới lập và duyệt hồ sơ cho 14 công ty, trong đó có 12 công ty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh. Được biết, hầu hết số công ty mà ông Danh lập ra đều không có hoạt động thực chất mà chỉ được thành lập để vay tiền của VNCB cho ông Danh.
Dù biết Ngân hàng Đại Tín bị thua lỗ trầm trọng nhưng Phạm Công Danh vẫn mua 85% cổ phần với số tiền 4.619 tỷ đồng, cộng thêm trách nhiệm trả lãi, lãi phạt, phí đối với các khoản nợ phát sinh.
Biết ngân hàng lỗ nặng vẫn mua
Ngân hàng Đại Tín (Trust Bank) có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, trong đó bà Hứa Thị Phấn làm đại diện cho nhóm cổ đông sở hữu tới 85% cổ phần. Tháng 7/2012, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kết luận Ngân hàng Đại Tín lỗ 6.000 tỷ đồng, không những không còn vốn điều lệ mà còn bị âm 2.854 tỷ đồng. Tại thời điểm này, Ngân hàng Đại Tín đang nằm trong diện bị kiểm soát đặc biệt, mọi giao dịch lớn đều phải báo cáo với Tổ giám sát của NHNN. Kết luận điều tra và cáo trạng vụ án cũng khẳng định Ngân hàng Đại Tín bị thua lỗ trầm trọng trước khi được bán cho Tập đoàn Thiên Thanh do ông Phạm Công Danh là Chủ tịch HĐTV, kiêm Tổng giám đốc.
Mặc dù vậy, ông Danh vẫn đồng ý mua bán toàn bộ 85% cổ phần của bà Phấn để nắm quyền kiểm soát. Tổng số tiền mà bà Phấn bán cho ông Danh là 4.619 tỷ đồng. Ngoài số tiền này, hợp đồng và phụ lục hợp đồng ngày 23/1/2013 giữa bà Phấn và ông Danh ghi rõ: Ông Danh phải có trách nhiệm trả lãi, lãi phạt, phí đối với các khoản nợ phát sinh đến thời điểm phải thanh toán.
Nghĩa là trong danh mục đầu tư cổ phần của bà Phấn có nhiều khoản vay, khoản đầu tư đang phải chịu lãi, thậm chí lỗ… và ông Danh sẽ phải thanh toán tất cả. Ngay sau khi các bên ký kết hợp đồng này, ông Danh sẽ chuyển khoản tiền đầu tiên có giá trị ít nhất là 300 tỷ đồng vào tài khoản cho bà Phấn. Sau đó, ông Danh sẽ được quyền tham gia điều hành.
Như vậy, với vai trò nắm giữ nhóm cổ đông lớn, ông chủ Tập đoàn Thiên Thanh sẽ tham gia tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín với vai trò Chủ tịch HĐQT. Sau đó không lâu, Ngân hàng Đại Tín được đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng VN (VNCB) và dưới sự lãnh đạo của ông Danh, ngân hàng này được “thổi” vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 7.500 tỷ đồng.
Nợ chồng nợ, lãi chồng lãi
Phạm Công Danh và 35 đồng phạm đã gây thiệt hại cho VNCB 9.000 tỷ đồng |
Không chỉ phải trả cho bà Phấn 4.619 tỷ đồng mua cổ phần, ông Phạm Công Danh còn phải chi trả toàn bộ các khoản tiền lãi, lãi phạt, phí của khoản nợ phát sinh đến thời kỳ thanh toán. Để có đủ số tiền khổng lồ này, không có cách nào khác, ông Danh đã lấy tiền từ các phi vụ mang tên nâng cấp hệ thống CoreBanking, tạo dựng hồ sơ khống để rút ruột Ngân hàng VNCB. Đồng thời, ông Danh cũng lại dùng chính số tiền này chi trả lãi suất ngoài cho các khách hàng gửi tiền vào ngân hàng, vượt trần lãi suất quy định của NHNN, hay ủy thác đầu tư với số tiền lên tới 900 tỷ đồng nhưng thực chất là "núp bóng" cho vay không có tài sản thế chấp.
Theo cáo trạng của Viện KSND Tối cao, ông Danh đã chỉ đạo cấp dưới lập và duyệt hồ sơ cho 14 công ty, trong đó có 12 công ty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh. Được biết, hầu hết số công ty mà ông Danh lập ra đều không có hoạt động thực chất mà chỉ được thành lập để vay tiền của VNCB cho ông Danh. Các công ty này đã lập khống hồ sơ mua bán nguyên vật liệu, nâng giá trị bất động sản của Tập đoàn Thiên Thanh… làm tài sản đảm bảo để vay VNCB với số tiền là 4.700 tỷ đồng. Sau khi có tiền, ông Danh đem lên thị trường liên ngân hàng gửi và lại cầm cố số tiền gửi hàng nghìn tỷ này để vay lấy tiền mặt ra trả nợ.
Nợ chồng nợ, lãi chồng lãi, số tiền chạy lòng vòng từ tài khoản này sang tài khoản khác để đáo hạn, trả nợ… Để duy trì thanh khoản, ông Danh đã tìm đối tác là Công ty Tân Hiệp Phát là khách hàng đang có tiền gửi tại VNCB với tổng số tiền 6.178 tỷ đồng. Sau đó, ông Danh và các đồng phạm dùng chính các sổ tiết kiệm này cầm cố cũng để vay lại chính số tiền đã gửi tại VNCB là 5.490 tỷ đồng.
Chi nghìn tỷ “chăm sóc khách hàng”
Theo kết luận điều tra bổ sung, việc nâng cấp hệ thống Corebanking trong đó được ông Danh sử dụng để chi cho việc chăm sóc khách hàng là 13,9 tỷ đồng và một số khoản chi khác không giải trình được.
Trong việc thuê trụ sở tại 268 Tô Hiến Thành (Q 10) được ông Danh sử dụng để trả nợ lãi tại Sacombank là 36,4 tỷ đồng, trả nợ cho Công ty cổ phần ĐT phát triển Hải Tiến 154,9 tỷ đồng, chi chăm sóc khách hàng là 10,3 tỷ đồng; Thuê trụ sở tại 816 Sư Vạn Hạnh được ba nhân viên của Tập đoàn Thiên Thanh rút tiền mặt để tập đoàn sử dụng, nhưng không biết dùng vào khoản gì.
Trước khi phiên xét xử diễn ra, luật sư tham gia vụ án đã gửi văn bản cho các cơ quan tố tụng nêu nhiều dấu hiệu sai phạm của nhóm bà Hứa Thị Phấn trong quá trình chuyển nhượng cổ phần cho nhóm Phạm Công Danh, đồng thời kiến nghị điều tra về việc nhóm bà Hứa Thị Phấn phải chịu trách nhiệm về các khoản thua lỗ của Ngân hàng Đại Tín trước khi bán cho Tập đoàn Thiên Thanh. |
Với số tiền vay trực tiếp tại VNCB lên tới 5.000 tỷ, ông Danh đã chỉ đạo sử dụng 2.600 tỷ đồng để trả một phần món vay 4.700 tỷ tại BIDV và 500 tỷ trả cho nhóm Dr Thanh (Tập đoàn Tân Hiệp Phát), 135 tỷ đồng trả cho bà Hứa Thị Phấn và số còn lại 1.465 tỷ đồng chi cho chăm sóc khách hàng nhưng không giải trình cụ thể được.
Cơ quan điều tra cũng làm rõ việc gửi tiền sang Sacombank để rút tiền ra 1.854 tỷ đồng, trong đó để trả nợ món vay tại BIDV từ năm 2012 là 1.176 tỷ đồng, sử dụng cho Tập đoàn Thiên Thanh 166,3 tỷ đồng nhưng Phạm Công Danh không giải trình được sử dụng cụ thể vào việc gì; Gửi tiền vào TPbank để rút tiền ra 1.706 tỷ đồng trả nợ món vay cho bà Hứa Thị Phấn là 600 tỷ đồng, trả nợ nhóm Dr Thanh và dùng để tăng vốn điều lệ của VNCB và số còn lại dùng chung cho Tập đoàn Thiên Thanh và chăm sóc khách hàng...
(Còn tiếp)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận