Sáng 4/11, ông Lê Trung Duy, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư QL1 Tiền Giang cho biết, đơn vị đang phối hợp Ban ATGT tỉnh Tiền Giang, Phòng CSGT - Công an tỉnh và chính quyền địa phương phân luồng giao thông để thi công trạm thu phí tuyến tránh Cai Lậy.
Theo đó, vị trí trạm thu phí trên truyến tránh Cai Lậy được xác định tại khu vực ấp Mỹ Phú, xã Long Khanh, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Thời gian thi công và phân luồng giao thông từ ngày 5/11 đến ngày 31/1/2021 hoàn thành và dự kiến đến hết tháng Giêng âm lịch sẽ thu phí trở lại.
Trong quá trình thi công, để đảm bảo ATGT, các phương tiên lưu thông một chiều qua tuyến tránh. Trong đó, sẽ ưu tiên hướng lưu thông từ TP.HCM đi các tỉnh miền Tây (từ 14h ngày thứ Sáu đến 0h ngày Chủ Nhật) và chiều ngược lại (từ 0h ngày Chủ Nhật đến 14h ngày thứ Sáu).
Cũng theo ông Duy, phương án xây thêm trạm thu phí trên tuyến tránh Cai Lậy, thu phí song song với trạm cũ đặt trên QL1 đã được Bộ GTVT thống nhất. Với phương án này, trạm thu phí hiện hữu sẽ thu hoàn vốn cho phần tăng cường mặt đường QL1 (đoạn qua tỉnh Tiền Giang), còn trạm thu phí mới sẽ hoàn vốn cho dự án xây tuyến tránh. Trạm thu phí nào hoàn vốn xong sẽ dỡ bỏ.
Theo ông Đỗ Văn Chung, Giám đốc Công ty CP Vận tải ô tô Tiền Giang, doanh nghiệp sẵn sàng chia sẻ khó khăn của doanh nghiệp BOT Cai Lậy khi phải tạm dừng thu phí thời gian qua. Đơn vị cũng đồng tình với phương án thu phí cả 2 trạm (trên QL1 và tuyến tránh) để hoàn vốn cho từng phần của dự án.
Dự án đầu tư xây dựng QL1 qua thị xã Cai Lậy có chiều dài 38,5km, tổng mức đầu tư ban đầu hơn 1.398 tỷ đồng, gồm hai hợp phần. Trong đó, hợp phần 1 gồm: cải tạo, tăng cường mặt đường QL1 dài 26,4km, sửa chữa 14 cầu và lắp đặt hệ thống thoát nước trên tuyến.
Hợp phần 2 gồm: xây dựng tuyến tránh thị xã Cai Lậy dài 12,1km và xây dựng 7 cầu trên tuyến. Vị trí trạm thu phí hoàn vốn trên QL1 đặt tại khoảng Km1999+900, QL1 nằm trong phạm vi dự án.
Tuy nhiên, từ khi trạm đi vào hoạt động ngày 1/8/2017, nhiều tài xế đã sử dụng tiền lẻ mua vé, tụ tập đông người gây ùn tắc, mất an ninh trật tự khiến chủ đầu tư phải liên tục xả trạm. Đến ngày 14/8/2017, nhà đầu tư đã tạm dừng thu phí.
Sau đó, Bộ GTVT đã làm việc với UBND tỉnh Tiền Giang thống nhất phương án xử lý miễn giảm phí (giảm 30% toàn bộ phương tiện và miễn 50-100% cho 4 xã lân cận). Ngày 30/11/2017, trạm BOT Cai Lậy hoạt động trở lại, tuy nhiên tình hình tiếp tục diễn biến phức tạp do sự phản ứng của nhiều tài xế. Từ ngày 4/12/ 2017, dự án BOT Cai Lậy đã phải tạm dừng thu phí đến nay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận