Clip trích xuất từ camera cho thấy người bảo mẫu - nghi giúp việc liên tục giật, lắc thô bạo gây nguy hiểm cho cháu bé chỉ vài tháng tuổi
Ngày 22/3 vừa qua, tài khoản Facebook của anh Lê Thanh Quyết đăng tải lên mạng đoạn video ghi lại cảnh đứa trẻ chỉ vài tháng tuổi bị người bảo mẫu - nghi là giúp việc gia đình hành hạ, đối xử thô bạo khiến cộng đồng mạng vô cùng phẫn nộ và không khỏi xót xa.
Được ghi vào khoảng 9 giờ 57 phút ngày 22.3.2018, trong clip, người phụ nữ được cho là bảo mẫu - giúp việc đang nằm bên cạnh vỗ nhẹ đứa trẻ. Nhưng khi thấy đứa trẻ liên tục kêu khóc, người phụ nữ này lập tức giật mạnh tay đứa trẻ rồi bật dậy, lật tấm chăn, bế xốc bé lên đầy thô bạo.
Sau đó, người phụ nữ này liên tục giật, lắc bé từ trước ra sau. Không dừng ở đó, bà này còn tung bé lên cao và gập mạnh lưng nhiều lần.
Video đăng tải đã khiến hàng ngàn người phẫn nộ vì hành vi hành hạ thô bạo, gây nguy hiểm đến sức khoẻ, thậm chí tính mạng của cháu bé. Tài khoản FB Lại Văn Sâm chia sẻ đoạn video clip với trạng thái vô cùng bức xúc: “Đây là giúp việc trông trẻ hay kẻ ác nhân?”.
Theo như tài khoản chia sẻ clip, vụ việc được cho là xảy ra ở Chương Mỹ, Hà Nội. Tuy nhiên trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện phía cơ quan chức năng huyện Chương Mỹ cho biết đến nay, các cơ quan chức năng chưa nhận được trình báo nào trên địa bàn về vụ việc. "Tuy nhiên, cũng chưa khẳng định vụ việc không xảy ra trên địa bàn. Chúng tôi sẽ kiểm tra, rà soát và sẽ thông tin khi có kết quả", vị đại diện (không muốn nêu tên) nói.
Nhưng dù vụ việc có xảy ra ở đâu, việc làm của người bảo mẫu này vẫn cần được điều tra, xử lý nghiêm.
"Con tôi cũng tầm này mà hơi lắc mạnh đầu bé đã xót lắm rồi. Não em bé chưa ổn định mà đánh vào đầu hay xốc mạnh như vậy rất dễ ảnh hưởng tới não bộ”, tài khoản FB tên Phạm Hương bình luận.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Phúc, Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội, hành vi rung lắc trẻ, ngay cả khi được bố mẹ thực hiện để nựng, ru con cũng bị khuyến cáo phải dừng lại, vì có thể nguy hiểm cho não, để lại những di chứng nặng nề, thậm chí tử vong...
Theo lý giải của bác sỹ Phúc, trong đầu trẻ, nhất là bé dưới 2 tuổi có những khoảng trống giữa não và xương sọ cho phép não tiếp tục lớn và phát triển. Não của trẻ khá mềm với màng não mỏng. Khối cơ của cổ lại quá yếu không đủ sức nâng đỡ đầu, nên khi bị rung lắc sẽ có khuynh hướng gập tới gập lui hay xoay qua xoay lại một cách không kiểm soát được.
Khi bị rung lắc, xương sọ mềm và dẻo của trẻ không chịu được những lực này, sẽ chuyển lực tới não, khi não không có sự di chuyển đồng bộ và gây ra sự va đập trở lại tới xương sọ, làm dập não, tăng áp lực, phù và chảy máu trong não. Các tĩnh mạch lớn dọc theo phía ngoài não cũng mỏng manh và dễ rách, gây chảy máu, máu tụ dưới màng cứng, ngoài màng cứng, dưới màng nhện, tăng áp lực nội sọ.
Hậu quả có thể còn nặng nề hơn nếu đầu trẻ va chạm mạnh vào một bề mặt nào đó như tường, sàn nhà hay giường. Khi đó, trẻ bị dừng lại đột ngột bởi một va chạm mạnh, hậu quả là não sẽ bị xoắn vặn trong hộp sọ dẫn đến tình trạng các mạch máu và thần kinh của não bị vỡ, các mô não bị xé ra gây xuất huyết não, phù não, tăng áp lực nội sọ.
"Các nghiên cứu cho thấy, những tổn thương có thể xảy ra chỉ với 5 giây rung lắc. Rung lắc mạnh có thể gây ra những tổn thương não vĩnh viễn. Trường hợp rất nặng có thể dẫn đến tử vong", bác sỹ Phúc nói.
Tội "Hành hạ người khác" được quy định tại điều 110 – Bộ luật Hình sự ban hành năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 như sau: Người nào đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm: Đối với người già, trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người tàn tật; Đối với nhiều người. |
Báo Giao thông sẽ tiếp tục thông tin sự việc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận