Đời sống

Phản tác dụng khi cố đi 10 nghìn bước mỗi ngày

25/03/2021, 06:50

Đi bộ hay chạy bộ phải đúng cách và phải phù hợp cơ địa của từng người mới phát huy tác dụng.

img

Đi bộ không đúng cách có thể gây phản tác dụng đối với sức khỏe, nhất là với người cao tuổi. Ảnh minh họa: Tạ Hải

Theo các chuyên gia y tế, việc di chuyển 10.000 bước mỗi ngày mang lại rất nhiều hiệu quả tích cực cho cơ thể, tuy nhiên sẽ là “lợi bất cập hại” nếu thực hiện chưa đúng cách.

Lợi chưa thấy chỉ thấy “phản chủ”

Ở tuổi 40, công việc kế toán khiến chị Hoàng Kim Hạnh (quận Ba Đình, Hà Nội) gần như chỉ ngồi một chỗ cả ngày.

“Cân tăng vù vù, vượt trên 60kg mà chẳng có thời gian đi tập thể dục. Ba tháng nay, nhóm chị em chung cư rủ nhau tối tối đi bộ, lúc thì lên xuống 10 vòng cầu thang 17 tầng, khi lại đi bộ quanh khu ở, vừa để giảm cân, vừa đủ 10.000 bước tốt cho tim mạch. Trọng lượng cơ thể có giảm nhưng khoảng 1 tuần nay phải dừng việc đi bộ vì nhức gối, nhất là khi lên xuống cầu thang bộ”, chị Hạnh chia sẻ.

Vốn mắc bệnh khớp nhưng ngày nào sau bữa tối, nghỉ ngơi một chút bà Nguyễn Minh Hoàn (52 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) lại xỏ giày đi bộ. “Mọi người vẫn bảo nếu càng lười đi càng cứng khớp nên tôi chọn đi bộ quanh hồ gần nhà. Tuy nhiên, thấy cũng không khá hơn, vẫn đau nhức lắm”, bà Hoàn cho hay.

TS. Tăng Hà Nam Anh, chuyên gia về cơ xương khớp tại TP HCM cho biết: “Vận động luôn tốt cho cơ thể nhưng tùy từng người để có mức vận động khác nhau, có người vận động chạy rất tốt nhưng có người lại không. Tôi từng khám cho rất nhiều người bị tổn thương khớp gối nặng chỉ vì tham gia thể thao theo phong trào. Đã có bệnh nhân đến khám vì tràn dịch khớp gối, viêm gân, đau xương bánh chè do cố đi bộ, cố chạy để đạt 10.000 bước chân mỗi ngày. Việc hoạt động với cường độ cao đột ngột, thời gian luyện tập dài đã “phản chủ” khiến cho tình trạng xương khớp vốn có nặng nề hơn”.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, PGS. TS. BS. Nguyễn Mai Hồng, nguyên Trưởng khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Bạch Mai nói: “Nhiều bệnh nhân thoái hóa khớp ở giai đoạn có viêm khớp gây đau nhức, cứ nghĩ đi bộ sẽ giúp cải thiện bệnh mà không biết rằng đây là một sai lầm nghiêm trọng khiến bệnh nặng thêm. Bởi khi đi bộ, trọng lượng cơ thể sẽ tạo một sức đè ép lên các mặt sụn khớp đã bị thoái hóa. Lớp sụn đó có tác dụng hấp thụ lực đè ép nhưng nay tác dụng này giảm đi hoặc không còn nên sẽ tạo những sang chấn trên hai đầu xương, gây ra hiện tượng viêm khớp, đau nhiều hơn. Nếu bệnh nhân càng đi nhiều sẽ càng làm khớp mòn thêm”.

Ai không nên đi bộ, chạy bộ?

Trong những năm gần đây, đi bộ “10.000 bước” trở thành một khuyến nghị nhằm thúc đẩy hoạt động thể chất thường xuyên, nhất là trong bối cảnh nhiều bệnh lý nảy sinh từ ít vận động.

Với những người thoái hóa khớp có kèm theo béo phì, đi bộ nhiều càng làm mòn sụn khớp gây thoái hóa khớp sớm. Chính vì vậy, khi điều trị thoái hóa khớp ở những người béo thì giảm cân là chỉ định đầu tiên để điều trị.
PGS. TS. BS. Nguyễn Mai Hồng, Nguyên Trưởng khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Bạch Mai


Nhiều chuyên gia y tế cho rằng, đi bộ thường xuyên và đủ số lượng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như: Giảm nguy cơ trầm cảm, hỗ trợ kiểm soát cân nặng, cải thiện sức khỏe não bộ, tim mạch, xương khớp… Tuy nhiên, đi bộ hay chạy bộ phải đúng cách và phải phù hợp cơ địa của từng người mới phát huy tác dụng.

Theo BS. Hồng, dù đi bộ hay chạy bộ được đánh giá mang lại nhiều hiệu quả nhưng không phải ai cũng được khuyến cáo tham gia mà cần thiết lựa chọn hoạt động thể thao khác thay thế.

Ví như với ai vốn có tiền sử thoái hóa khớp ở giai đoạn viêm nên thay vì đi bộ có thể chuyển sang đạp xe, bơi để giãn cơ, tránh hiện tượng đau do co thắt dây chằng quanh khớp. Hay những người vốn có bệnh lý tim mạch nhưng chưa phát hiện ra cũng có thể gây nguy hại cho tính mạng khi gắng sức chạy bộ.

Bên cạnh đó, cần lưu ý nhóm người trên 50 tuổi, bởi ở tuổi này, khớp gối và hệ cơ xương khớp nói chung đã suy yếu. Vì vậy, cần đi bộ với tốc độ vừa phải, vừa sức, không nên đi quá nhanh. Tốt nhất là đi trên đường bằng phẳng, không nên đi bằng cách cố leo lên, xuống cầu thang hay đi trên đường gập ghềnh.

“Những người mắc các bệnh lý như: Tiểu đường, tim mạch, tiền sử chấn thương khớp gối, thoát vị đĩa đệm, người cao tuổi… nên trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn lựa chọn môn thể thao và cách tập phù hợp, chế độ dinh dưỡng hợp lý, đủ chất để tập luyện mới đạt được sức khỏe tốt nhất; không nên tham gia thể thao theo phong trào, nhằm tránh những tổn thương đáng tiếc”, BS. Hồng chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.