Về lâu dài, văn bản trái pháp luật không được xử lý kịp thời sẽ làm người dân mất niềm tin (Ảnh minh họa) |
Bộ Tư pháp vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, đánh giá hậu quả, tác hại của việc ban hành văn bản trái pháp luật. Theo thống kê, từ kết quả kiểm tra văn bản theo thẩm quyền của các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương đã phát hiện 5.639 văn bản trái pháp luật.
Tác động tiêu cực đa chiều
Theo đó, có 1.236 văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật về thẩm quyền ban hành và nội dung; 3.829 văn bản quy phạm pháp luật sai sót về căn cứ pháp lý, thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản; 574 văn bản không phải là văn bản quy phạm pháp luật nhưng có chứa quy phạm pháp luật. Số lượng văn bản trái pháp luật được phát hiện ở các lĩnh vực khác nhau khá lớn, gây ra những thiệt hại, tác động tiêu cực đến các quan hệ xã hội trong đời sống kinh tế - xã hội.
Đáng chú ý, chỉ trong năm 2017, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp đã kiểm tra, phát hiện và kết luận 157 văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền, gồm 26 văn bản của Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ và 131 văn bản của HĐND và UBND cấp tỉnh. Trong đó, đa số văn bản trái pháp luật thuộc lĩnh vực kinh tế, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình phát triển kinh tế, môi trường đầu tư kinh doanh.
Theo Bộ Tư pháp, văn bản trái pháp luật thường có tác động tiêu cực đa chiều, vừa làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, vừa ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Chẳng hạn, với văn bản quy định về thủ tục hành chính không đúng thẩm quyền sẽ làm phát sinh chi phí về hồ sơ, giấy tờ, thời gian để thực hiện; Đồng thời, có thể phát sinh thủ tục phiền hà, phức tạp trong quá trình cơ quan, tổ chức, cá nhân đến cơ quan Nhà nước để thực hiện thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, còn có một số văn bản có nội dung trái pháp luật đưa vào thực thi đã gây thiệt hại về kinh tế, thời gian, công sức của người dân, doanh nghiệp, phát sinh khiếu nại, khiếu kiện; một số văn bản có nội dung tăng tổ chức, biên chế ở cấp phòng, các đơn vị sự nghiệp thuộc các sở, ngành của UBND cấp tỉnh; Hạn chế quyền của cán bộ, công chức, viên chức trong việc được cử đi học, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm qua các quy định phân biệt bằng cấp, loại hình đào tạo, giới hạn tuổi, điều kiện về tuổi…
Hậu quả khó lường, lâu dài
Những tác động này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến trật tự, an toàn xã hội. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, pháp luật chưa có quy định về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong trường hợp ban hành và thi hành văn bản trái pháp luật gây thiệt hại. Đặc biệt, quá trình áp dụng văn bản trái pháp luật có thể làm phát sinh các khiếu nại, khiếu kiện kéo dài, có thể ảnh hưỏng tiêu cực đến trật tự an toàn xã hội, đồng thời, có thể tạo kẽ hở cho các thế lực thù địch lợi dụng để kích động, chia rẽ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.
“Về lâu dài, văn bản trái pháp luật không được xử lý kịp thời sẽ làm người dân mất niềm tin vào sự công bằng, nghiêm minh của pháp luật, giảm ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật, có thể dẫn đến những hậu quả khó lường”, Bộ Tư pháp nhìn nhận.
Đáng lưu ý, Bộ này cũng cho rằng, việc ban hành và thi hành văn bản trái pháp luật gây tốn kém thời gian, công sức của cơ quan Nhà nước và nguồn kinh phí ngân sách Nhà nước; ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Trước thực trạng trên, Bộ Tư pháp kiến nghị nâng cao hơn nữa trách nhiệm của Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, HĐND, UBND các cấp trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật; Thực hiện nghiêm các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong xây dựng, ban hành văn bản qưy phạm pháp luật; Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong xây dựng, ban hành văn bản.
Bộ Tư pháp cũng đề nghị Thủ tướng xem xét, chỉ đạo các cơ quan liên quan sớm trình Quốc hội dự thảo Luật sửa đổi bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó, hoàn thiện cơ chế xử lý văn bản trái pháp luật nhanh chóng, triệt để. Nghiên cứu, đề xuất cơ chế trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong việc ban hành và thi hành văn bản trái pháp luật.
Phải có người chịu trách nhiệm
Tiến sĩ luật Lưu Bình Nhưỡng, Thường trực Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, nguyên Phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp T.Ư đã phải thốt lên như vậy trước thực trạng hàng nghìn văn bản trái luật được ban hành.
Chỉ tính riêng trong năm 2017, các cơ quan có thẩm quyền trong phạm vi cả nước đã kiểm tra, phát hiện 1.236 văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền cần phải xử lý bằng hình thức ban hành văn bản bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần nội dung trái pháp luật của văn bản. Ngoài ra, còn phát hiện 3.829 văn bản quy phạm pháp luật có sai sót về căn cứ, thể thức, kỹ thuật trình bày, cần ban hành văn bản đính chính theo quy định. Theo Bộ Tư pháp, một số văn bản có nội dung trái luật đưa vào thực thi gây thiệt hại về kinh tế, thời gian, công sức của người dân, doanh nghiệp, phát sinh khiếu nại, khiếu kiện. Trong đó có các quy định như: Không cho phép học sinh, sinh viên tham gia biểu diễn nghệ thuật tại vũ trường, quán karaoke; quy định trong văn bản chưa sát thực tế, mang tính cấm đoán, có biểu hiện “ngăn sông cấm chợ” đối với cá nhân tham gia giết mổ, vận chuyển, chế biến, buôn bán gia súc gia cầm... Văn bản trái pháp luật của một số địa phương thường đặt thêm nghĩa vụ hoặc hạn chế quyền khi tổ chức việc cưới, việc tang; phát sinh nghĩa vụ nộp thuế... |
Dẫn chứng Nghị định 31 hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh người có công vừa qua không chuẩn, hướng dẫn sai đối tượng, gây khó khăn trong quá trình xử lý chính sách với người có công, ông Nhưỡng cho biết, trong quá trình giám sát, Uỷ ban các vấn đề xã hội đã có ý kiến nhưng chưa sửa được. Hay như việc Hà Nội thí điểm cấm người dân đi vào đường BRT, trong khi chưa được nghiên cứu kỹ, sau đó khi có phản ứng thì mới nghiên cứu lại.
Theo ông Nhưỡng, hàng nghìn văn bản ban hành trái luật làm méo mó chính sách pháp luật, biểu lộ việc xâm phạm quyền lợi, lợi ích của cá nhân, doanh nghiệp, có thể làm tăng thủ tục, chi phí, bắt người dân, doanh nghiệp phải làm những việc pháp luật không bắt buộc phải làm, thậm chí dẫn đến xử lý sai. Ví dụ, như nhà 8B Lê Trực, dù đã có quy hoạch 1/500, Chủ tịch UBND TP Hà Nội có quyết định cho xây 69m, Bộ Quốc phòng cho xây không quá 70m, nhưng Sở Xây dựng Hà Nội lại ra văn bản chỉ cho xây 53m, dẫn đến hậu quả phải cắt ngọn, ảnh hưởng tiền đầu tư của xã hội và nhà đầu tư, khách mua nhà cũng không có nhà để ở.
Vấn đề mấu chốt, theo ông Nhưỡng là lâu nay chúng ta đã không xem xét trách nhiệm của người ra văn băn trái luật dựa trên hậu quả của hành vi ấy. “Rất tiếc Luật ban hành Văn bản quy phạm pháp luật không có chương điều nào quy định về trách nhiệm, chế tài với cơ quan, cá nhân liên quan. Ngay từ kỳ họp Quốc hội đầu tiên khóa XIV, tôi đã đề nghị việc này rồi, phải sửa Luật, phải quy định rõ ràng là vi phạm gì thì xử lý cái đó, gây thiệt hại đến đâu thì bồi thường đến đó”, ông Nhưỡng nêu quan điểm. Theo ông Nhưỡng, phải có người chịu trách nhiệm, không thể cứ ban hành gây thiệt hại cho Nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nhưng những người soạn thảo, ban hành lại không chịu bất cứ trách nhiệm gì, ban hành tùy tiện rồi sai thì sửa, bị phản ứng thì thu hồi...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận