Xã hội

Phát hiện thừa hơn... 57.000 biên chế năm 2017

12/04/2018, 10:21

Năm 2017, Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán và phát hiện 57.175 thừa biên chế trong khu vực Nhà nước.

tvqh

Phiên họp thứ 23 của Uỷ ban TVQH

Sáng 12/4, Uỷ ban TVQH cho ý kiến Báo cáo của Chính phủ về Kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017.

Thay mặt Chính phủ báo cáo trước Uỷ ban TVQH, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Đinh Tiến Dũng đã nêu rõ những ưu điểm, hạn chế của việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong từng lĩnh vực.

Giải ngân vốn chậm, vốn đầu tư cho hạ tầng không đáp ứng nhu cầu

Cụ thể, trong quản lý Ngân sách Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã linh hoạt, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính – NSNN; siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, tiết kiệm triệt để từ khâu lập, phân bổ dự toán và trong quá trình thực hiện; kiểm soát chặt chẽ nợ công.

Tuy nhiên, công tác quản lý thu NSNN ở một số địa bàn, lĩnh vực chưa quyết liệt, chưa theo sát tình hình thực tiễn; nợ đọng thuế, nhất là những khoản không có khả năng thu còn lớn. Quản lý, sử dụng sai nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương; sử dụng vốn đầu tư ở nhiều bộ, địa phương còn dàn trải, lãng phí. Qua công tác thanh tra, kiểm tra phát hiện tình trạng chi NSNN sai tiêu chuẩn, định mức, chế độ còn xảy ra tại nhiều đơn vị.

Bên cạnh đó, dù đã tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập, gắn với lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ công nhưng công tác đổi mới hệ thống tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập chưa theo kịp yêu cầu. Hệ thống tổ chức các đơn vị sự nghiệp còn cồng kềnh, manh mún, phân tán, chồng chéo; quản trị nội bộ yếu kém, chất lượng, hiệu quả dịch vụ thấp. Chi NSNN cho các đơn vị sự nghiệp công lập còn quá lớn. Một số địa phương giao chỉ tiêu biên chế sự nghiệp vượt định mức, tiếp nhận vượt chỉ tiêu.

Trong đầu tư xây dựng, quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ, công trình phúc lợi công cộng,Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện tốt Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020; ưu tiên các dự án, công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, nhất là giao thông, thủy lợi, năng lượng, y tế

Nhưng thực tế, vốn cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng đủ nhu cầu, trong khi giải ngân vốn đầu tư công chậm. Vẫn còn tình trạng phân bổ vốn đầu tư chưa đúng quy định, thủ tục đầu tư chưa đầy đủ; bố trí vốn dàn trải, kéo dài thời gian. Đặc biệt, có tình trạng phê duyệt dự án vượt quá khả năng cân đối vốn của ngành, địa phương; huy động vốn đầu tư vượt quá quy định của Luật NSNN…

Thừa hàng chục nghìn biên chế trong khu vực Nhà nước

Trong tổ chức bộ máy, quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động trong khu vực Nhà nước, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, Chính phủ đãtập trung kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính nhà nước theo Nghị quyết T.Ư 6; đẩy mạnh tinh giản biên chế, xử lý nghiêm sai phạm của cán bộ…

Nhưng bên cạnh đó tổ chức bộ máy một số cơ quan nhà nước chưa tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa cao. Một số bộ, ngành, địa phương thực hiện tinh giản biên chế chưa theo đúng trình tự quy định; kỷ luật, kỷ cương hành chính một số nơi còn lỏng lẻo. Công tác đề bạt, bổ nhiệm, quản lý, sử dụng, luân chuyển cán bộ, công chức ở một số nơi chưa đúng quy định, gây bức xúc trong dư luận.

Đặc biệt, theo số liệu về công tác thanh tra, kiểm toán, năm 2017 toàn ngành Thanh tra đã triển khai 7.539 cuộc thanh tra hành chính, 237.284 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm về kinh tế 67.754 tỷ đồng, 17.586 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 2.093 tập thể, cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 114 vụ việc, 192 đối tượng.

Cùng với đó, kiểm toán Nhà nước đã triển khai 257 cuộc kiểm toán, phát hiện, kiến nghị xử lý về tài chính 43.660  tỷ đồng; phát hiện thừa biên chế trong khu vực Nhà nước 57.175 người; kiến nghị sửa đổi, hủy bỏ 96 văn bản pháp luật; chuyển một số vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra và cung cấp hồ sơ cho các cơ quan có thẩm quyền để phục vụ công tác giám sát, kiểm tra, tố tụng..

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay, theo đánh giá chung, năm 2017 đã thực hiện nhiều giải pháp tiết kiệm, chống lãng phí có hiệu qủa trên các lĩnh vực, nhưng vẫn còn tồn tại, hạn chế.

Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế có nguyên nhân khách quan như thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp,…, tác động tiêu cực đối với sản xuất kinh doanh, đời sống của nhân dân và chủ quan do hệ thống chính sách, pháp luật, tiêu chuẩn, định mức, chế độ vẫn còn bất cập; ý thức, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương chưa tốt.

Để đạt hiệu quả cao trong năm 2018, Chính phủ kiến nghị tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, phối hợp đồng bộ với chính sách tiền tệ và các chính sách khác. Siết chặt kỷ luật tài chính - NSNN. Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay; từng bước thu hẹp phạm vi sử dụng nợ công. Tiết kiệm triệt để  kinh phí chi thường xuyên của NSNN đối với các khoản kinh phí chi hội nghị, hội thảo, tọa đàm, họp, chi tiếp khách, khánh tiết tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.