"Chỉ bàn làm, không bàn lùi"
Kiểm tra nút giao QL46B, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết tại kỳ họp thứ 10 Ban chỉ đạo các dự án trọng điểm quốc gia, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo hai dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt và Cam lâm - Vĩnh Hảo (2 dự án cao tốc cuối cùng của giai đoạn 1) sẽ thông xe và khánh thành vào dịp 30/4 - 1/5.
Cụ thể, 30km đầu tuyến Diễn Châu - Bãi Vọt về đến Vinh thông xe dịp 30/4. 19km còn lại phải đảm bảo hoàn thành trong tháng 6/2024.
Dự án cao tốc Bắc Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt dài 49,3km. Dự án được thực hiện theo hình thức đối tác công tư PPP, có tổng mức đầu tư 11.157 tỷ đồng. Dự án được khởi công ngày 22/5/2021.
Các nhà thầu thi công gồm: Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, Tập đoàn Cienco 4, Công ty TNHH Hòa Hiệp, Công ty Cổ phần Thái Sơn, Công ty Cổ phần 456, Công ty Cổ phần Thái Yên, Công ty Nam Hải và Công ty Cổ phần VINA2.
"Tất cả phải phát huy tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi, đề xuất giải pháp đưa dự án vào khai thác phục vụ người dân", Bộ trưởng chỉ đạo.
Báo cáo tiến độ thi công, ông Nguyễn Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Phúc Thành Hưng, cho biết: Đến nay, các nhà thầu đã thi công đạt giá trị sản lượng hơn 7.000 tỷ đồng, đạt 81,7% hợp đồng.
Trong đó, đoạn từ Diễn Châu đến nút giao QL46B đạt 92%. Khối lượng công việc còn lại gồm: 1,5km cấp phối đá dăm gia cố xi măng CTB, gần 10km bê tông nhựa 3 lớp. Dự kiến từ 25/4, sẽ hoàn thành phần thảm và ngày 27/4 sẽ xong hệ thống hộ lan và an toàn giao thông.
Phần hầm Thần Vũ còn hơn 200m bê tông nền đường, dự kiến 24/4 sẽ hoàn thành. Song song với quá trình này, nhà đầu tư đang thực hiện các thủ tục để nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy ở phạm vi hầm, xây dựng phương án bảo trì đường, phương án tổ chức giao thông và đảm bảo ATGT, trước khi mời Hội đồng nghiệm thu nhà nước vào đánh giá.
Với đoạn còn lại, từ QL46B đi Bãi Vọt (Hà Tĩnh), ông Việt khẳng định sẽ thực hiện xong theo thời gian của hợp đồng. Tuy nhiên, có 7 điểm với tổng chiều dài là 2km gặp địa chất phức tạp, nền đất yếu cần có thêm thời gian đắp đất gia tải.
Tiến độ phụ thuộc vào kết quả quan trắc hiện trường, tư vấn đã tính toán phải đến tháng 7 mới có thể dỡ tải nên đơn vị xin lùi một thời gian để đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Ngoài ra, dự án chưa có công địa thi công ở đoạn 300m nút giao QL46B, đang chờ địa phương hỗ trợ giải quyết.
Ông Việt cũng kiến nghị Bộ GTVT sớm có văn bản đề nghị Bộ Tài chính hoàn tất thủ tục, hướng dẫn kê khai hoàn thuế giá trị gia tăng theo công điện số 57/TTg-CĐ ngày 19/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Việc chậm hoàn thuế có thể dẫn đến chậm tiến độ do các ngân hàng tạm ngừng giải ngân.
Tương trợ, cùng nhau vượt khó
Là đại diện cơ quan quản lý nhà nước ở dự án, ông Thái Anh Tuấn, Phó Giám đốc Ban QLDA 6 đánh giá: Các nhà thầu đã rất nỗ lực, nhưng khối lượng công việc vẫn còn rất nhiều, tập trung ở 2 điểm găng là hầm Thần Vũ và nút giao QL46B.
Phần việc tồn đọng chính ở 3 nhà thầu: Hòa Hiệp, Nam Hải Group và Vina 2.
Ban QLDA 6 đã yêu cầu nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án rà soát, có giải pháp phù hợp để rút ngắn tiến độ thi công. Giai đoạn nước rút đề nghị lãnh đạo nhà thầu thường xuyên có mặt ở hiện trường để giải quyết vướng mắc, chỉ huy thi công.
“Ban QLDA đã bổ sung thêm nhân lực, làm ngày làm đêm để xét duyệt hồ sơ, tăng kỳ thanh toán từ 4 tuần/lần lên 2 tuần/lần để tạo nguồn tiền cho nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công”, ông Tuấn báo cáo.
Lý giải về việc tồn đọng khối lượng thi công lớn, Phạm Đình Hạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Hòa Hiệp cho biết: Dự án này, Hòa Hiệp tham gia với tư cách nhà đầu tư, cũng là nhà thầu liên doanh.
"Ban đầu, Hòa Hiệp chỉ đảm nhiệm một phần dự án. Tuy nhiên, do Vina 2 không giới thiệu được nhà thầu nên sau 2 năm, Hòa Hiệp phải đứng ra đảm nhận nhận toàn bộ phần việc của đơn vị này (giá trị 1.000 tỷ).
Đến khoảng tháng 10/2023, khi Vina 2, Nam Hải, Thái Sơn bị chậm tiến độ, chúng tôi lại một lần nữa đứng ra làm thay. Nhận về nhiều thì khối lượng lại tăng lên, mà không nhận thì dự án không về đích đúng tiến độ được. Vì vậy, đơn vị mong muốn được Bộ và các nhà đầu tư cùng chia sẻ", ông Hạnh nói.
“Giai đoạn này, đề nghị Tổng công ty xây dựng Trường Sơn, Cienco 4 đưa máy, đưa nhân công, vật liệu sang hỗ trợ cho Nam Hải và Vina 2. Về phần Hòa Hiệp, chúng tôi sẽ làm bằng mọi giá để dự án về đích đúng hẹn. Đó là lời hứa của chúng tôi với Thủ tướng, với Bộ trưởng và nhân dân Nghệ An, Hà Tĩnh”, ông Hạnh nói.
Nhấn mạnh việc nhà thầu hỗ trợ, tương trợ lẫn nhau ở các giai đoạn quyết định đã trở thành truyền thống của ngành GTVT, minh chứng qua nhiều dự án, trong đó có cả các dự án cao tốc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chỉ rõ: "Ở dự án này, càng phải phát huy tinh thần đó. Thậm chí, đối với một số hạng mục cá biệt, chúng ta có thể nhờ địa phương, nhờ Bộ điều động những đơn vị có năng lực vào giúp đỡ".
Sẵn sàng điều thiết bị, nhân lực hỗ trợ
Ngay sau khi Bộ trưởng đặt yêu cầu, Đại tá Nguyễn Tuấn Anh, Phó Tư lệnh Binh đoàn 12, kiêm Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn đã xung phong nhận việc. Đại tá Tuấn Anh cho biết: Đến ngày 23/4 chắc chắn Trường Sơn sẽ hoàn thành toàn bộ phần việc của mình.
Nếu có nhà thầu cần hỗ trợ, ngay chiều nay, Trường Sơn sẽ ứng cứu bằng việc đưa trạm trộn sang hỗ trợ. Nếu cần dây chuyền thảm thì sau ngày 19/4, Trường Sơn sẽ điều động 2 dây chuyền kèm theo đầy đủ nhân lực, tinh nhuệ nhất.
Tuy nhiên, để làm được điều này, bản thân nhà thầu phải có kế hoạch chi tiết, nêu cụ thể hạng mục cần thiết, phương thức phối hợp giữa 2 bên.
Chia sẻ với các nhà thầu, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn nhấn mạnh: Để thông xe được đúng dịp 30/4, các nhà thầu phải tập trung, phối hợp và hỗ trợ nhau tốt hơn. Các bên cùng ngồi lại, tập trung rà soát từng hạng mục, phân vai, phân việc, tính toán thời gian theo khối lượng công việc để đảm bảo tiến độ thi công.
Sau khi đi kiểm tra dọc tuyến, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chỉ đạo: “Nhà đầu tư, nhà thầu đã nỗ lực rồi, giờ càng phải nỗ lực hơn nữa. Tập trung máy móc, nguồn lực, con người làm 3 ca 4 kíp. Triển khai đồng loạt tất cả các hạng mục. Trường hợp cần thiết thuê thêm nhà thầu có năng lực, nhà thầu địa phương để đảm bảo mục tiêu đã định. Lãnh đạo chủ đầu tư, quản lý dự án, nhà thầu phải thường trực tại công trình đến khi hoàn thành công việc.
Doanh nghiệp dự án cùng họp với các nhà thầu, Ban QLDA 6 để xác định kế hoạch chi tiết, phương thức, nguyên tắc hỗ trợ. Song song với thi công, doanh nghiệp dự án phải hoàn thiện nhanh các thủ tục pháp lý để cơ quan liên quan nghiệm thu, đánh giá đảm bảo đúng, đầy đủ theo các quy định của pháp luật trước khi thông xe", Bộ trưởng chỉ đạo.
Hiện nay thiết kế cống chui của cao tốc đoạn này quá nhỏ, nếu thay đổi thiết kế sẽ làm kéo dài thời gian thi công, làm phát sinh chi phí lớn.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đồng tình và giao cho Ban QLDA 6 và nhà đầu tư xây dựng phương án để thực hiện.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận