Phát huy vai trò người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số

29/09/2021, 23:43

ĐBQH Leo Thị Lịch cho rằng, cần quan tâm đến những người uy tín đồng bào DTTS để họ phát huy tối đa vai trò của mình tại địa phương.

Người có uy tín - "sợi dây" kết nối quan trọng

Thôn 2, xã Bằng Cả, TP Hạ Long có 212 hộ dân, với hơn trên 700 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Dao. Nằm trong thung lũng nhỏ, điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhưng những năm gần đây, thôn 2 ở Bằng Cả có sự "chuỷen mình".

Những đổi thay ở thôn 2, xã Bằng Cả có vai trò góp sức của ông Đặng Đức Tiến, Trưởng thôn - người có uy tín trong cộng đồng.

img

Ông Đặng Văn Tiến bên tuyến đường bê tông mới mở từ trung tâm xã Bằng Cả về thôn 2

Gần đây nhất, để vận động người dân hiến đất làm đường thôn, ông Tiến không quản đêm tối "đi từng ngõ, gõ từng nhà", tiên phong cùng con cháu trong dòng họ hiến đất, dịch tường rào, dỡ công trình phần đất tổ tiên để lại. Từ đó, chỉ trong một thời gian ngắn, thôn 2 đã có hơn 30 hộ tự nguyện hiến trên 1.000m2 đất ở để con đường bê tông từ trung tâm xã vào trong thôn được nhanh chóng hoàn thiện, tiết kiệm được kinh phí giải phóng mặt bằng.

Xóm La Đùm cách trung tâm xã Văn Hán huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên khoảng 4 km. Xóm có 180 hộ, trên 700 nhân khẩu với 70% số dân là đồng bào dân tộc Nùng, còn lại là đồng bào dân tộc Dao, Cao Lan, Sán Chí, Kinh.

Những năm trước kia, đời sống đồng bào gặp rất nhiều khó khăn do tập quán sản xuất lạc hậu, tỷ lệ hộ nghèo cao. Là cán bộ xóm, người có uy tín trong thôn, ông Chu Văn Ngoan đã vận động gia đình tiên phong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bỏ công sức cải tạo 3ha đồi của gia đình và thuê thêm 7ha đất để trồng keo; chuyển đổi hơn 5 sào chè trung du sang trồng chè lai; đưa các giống lúa cho năng suất cao vào gieo cấy trên 1 mẫu ruộng...

Từ thành công của gia đình, ông Ngoan sẵn sàng chia sẻ với bà con kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất, qua đó đã góp phần thay đổi thói quen sản xuất lạc hậu của người dân trong xóm.

Ông Ngoan còn cùng ban công tác mặt trận xóm tích cực tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt việc đối ứng và giải phóng mặt bằng trong xây dựng nông thôn mới, vệ sinh đường làng, ngõ xóm xanh, sạch, đẹp… Từ năm 2015 đến nay, người dân trong xóm đã hiến hàng trăm nghìn m2 đất để đổ bê tông được gần 7km đường trục chính của xóm.

Là điểm tựa cho mọi điểm tựa khác

Ông Ngoan, ông Tiến là hai trong số 30.247 người có uy tín trong cộng đồng được các thôn bản, buôn làng bình chọn, suy tôn tại 52 tỉnh, thành phố theo các tiêu chí trong Quyết định số 12 12/2018/QĐ-TTg ngày 6/3/2018 về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, người uy tín.

Xuyên suốt trong quá trình lịch sử, Đảng và Nhà nước ta luôn đề cao và phát huy vai trò của người uy tín đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Từ đó, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách quan tâm và phát huy vai trò của những người uy tín đồng bào dân tộc thiểu số.

img

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, người có uy tín tiêu biểu

Theo Quyết định số 12, định kỳ hoặc đột xuất, người có uy tín được phổ biến, cung cấp thông tin mới về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; được cấp (không thu tiền) một số tờ báo của Trung ương và địa phương. Ngoài ra, được thăm hỏi, tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán, Tết của các DTTS; được thăm hỏi, hỗ trợ khi ốm đau; khi gia đình gặp khó khăn (thiên tai, hỏa hoạn) được hỗ trợ kịp thời.

Ngày 21/12/2018, tại Phủ Chủ tịch, trong buổi tiếp các già làng, trưởng bản, người có uy tín tiêu biểu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (khi đó còn giữ chức danh Chủ tịch nước) đã khẳng định: "Các già làng, trưởng bản, người có uy tín là những người tiêu biểu, gương mẫu, "là điểm tựa cho mọi điểm tựa khác".

Điều đó tiếp tục chứng minh Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, coi trọng lực lượng quần chúng đặc biệt này.

Đặc biệt, một chính sách mà nhiều người có uy tín rất tâm đắc trong thời gian qua đó là việc được đi tham quan, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm để thấy được sự đổi thay cũng như những kinh nghiệm, cách làm hay của các vùng, miền trên cả nước để khi trở về, họ có thể vận dụng trong công việc, truyền đạt lại trong cộng đồng dân cư.

Theo Uỷ ban Dân tộc, người có uy tín là những người luôn gương mẫu, được đồng bào tin tưởng, thường xuyên gần gũi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, hiểu phong tục tập quán địa phương nên có nhiều thuận lợi trong công tác tuyên truyền, vận động, thực sự trở thành cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền và người dân.

Nhờ có đội ngũ này mà những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến được với đồng bào hiệu quả hơn, góp phần tích cực củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Cần có thêm giải pháp để phát huy vai trò người có uy tín

Trao đổi với Báo Giao thông, Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Leo Thị Lịch cho rằng, dù chúng ta đã ban hành nhiều chính sách đối với người có uy tín, và đã thực hiện khá đồng bộ ở nhiều địa phương, nhưng thời gian qua, việc triển khai thực hiện chính sách đối với người có uy tín vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.

Cụ thể, một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa quan tâm chỉ đạo, phân công quản lý, phân cấp vận động người có uy tín; Chưa chú trọng công tác bồi dưỡng, cung cấp thông tin cho đội ngũ người có uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động cộng đồng; Mặc dù khối lượng công việc khá lớn nhưng người có uy tín không được hưởng lương, phụ cấp mà mỗi năm chỉ được thăm hỏi, tặng quà...

img

Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Leo Thị Lịch

"Cần bồi dưỡng và phát huy vai trò, ảnh hưởng của người có uy tín trong cộng đồng DTTS theo các tiêu chí, tiêu chuẩn, năng lực sở trường. Quy trình lựa chọn, thành phần cơ cấu dân tộc, theo lĩnh vực, phạm vi và mức độ ảnh hưởng “Đồng thời phân định cấp độ quản lý, mức độ, phạm vi ảnh hưởng của người có uy tín để có cơ chế phát huy vai trò của họ một cách phù hợp, hiệu quả", đại biểu Lịch đề xuất.

Theo bà Lịch, cần xây dựng cơ chế, chính sách đối với người có uy tín trong cộng đồng các DTTS, cụ thể như, cơ chế quản lý, chính sách chăm lo, thăm hỏi, động viên khen thưởng, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc xây dựng và phát huy vai trò ảnh hưởng của người có uy tín trong cộng đồng các DTTS.

Đồng thời, cần tiếp tục xây dựng, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ những người có uy tín thông qua việc cung cấp thông tin về tình hình thời sự chính trị, kinh tế - xã hội ở địa phương, về âm mưu, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch và các phần tử lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo chống phá cách mạng để họ hiểu và tuyên truyền, giải thích cho quần chúng.

Bà Lịch cũng cho rằng, cần thường xuyên nêu các gương điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực của các vị già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín trong các dân tộc để tạo phong trào thi đua rộng khắp trong toàn tỉnh và chọn cử người có uy tín tham gia cơ quan dân cử, Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội.

"Cần phải tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện chính sách nhằm đảm bảo người có uy tín được trang cấp phương tiện nghe, nhìn để tiếp cận thông tin; định kỳ được bồi dưỡng, cung cấp thông tin; quan tâm động viên cả vật chất và tinh thần đối với người có uy tín thông qua hoạt động thăm hỏi, tuyên dương, khen thưởng, khám chữa bệnh, tham quan học tập”, bà Lịch nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.