Sẽ xây mới 13 nhà máy nhiệt điện khí LNG
Hiện nay, tổng công suất nguồn nhiệt điện khí là 7.160 MW - chiếm tỷ trọng 9,2% tổng công suất nguồn điện toàn hệ thống (77.800 MW).
Quy hoạch điện VIII đã xác định đến 2030, nguồn nhiệt điện khí chiếm tỷ trọng khoảng trên 24%, trong đó nguồn điện khí thiên nhiên hoá lỏng (LNG) chiếm 14,9% tổng công suất toàn hệ thống điện. Nguồn điện LNG là nguồn hoàn toàn mới.
Cụ thể, đến năm 2030 sẽ xây mới 13 nhà máy nhiệt điện khí LNG có tổng công suất 22.400 MW, đến năm 2035 có thêm 2 nhà máy với công suất 3.000 MW. Việc xác định địa điểm xây dựng các nhà máy này căn cứ theo nhu cầu, cân đối nội vùng ở khu vực phía Bắc, Bắc Trung Bộ và khu vực phía Nam.
Đến năm 2030 sẽ xây mới 13 nhà máy nhiệt điện khí LNG có tổng công suất 22.400 MW
Trong bối cảnh nguồn cung khí nội địa suy giảm, các mỏ khí mới được đưa vào vẫn chưa đủ bù đắp lượng khí thiếu hụt. Do đó, việc nhập khẩu LNG để bổ sung nguồn, đáp ứng nhu cầu trong nước là xu hướng tất yếu và cấp thiết.
TS. Mai Duy Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam nhận định, LNG đã trở thành lựa chọn hàng đầu để giải quyết bài toán năng lượng và môi trường.
“Nếu so với các nhiên liệu truyền thống như than và dầu mỏ, khí LNG gây ra ít ô nhiễm môi trường hơn. Việc sử dụng khí LNG không chỉ giảm thiểu khí thải CO2 mà còn giảm thiểu các chất gây ô nhiễm như SOX (oxit lưu huỳnh) và NOX (oxit nitơ). Đồng nghĩa với việc giảm tác động tiêu cực lên chất lượng không khí và môi trường sống.
Ngoài ra, quá trình sản xuất và vận chuyển khí LNG cũng được thực hiện theo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về an toàn và môi trường. Công nghệ tiên tiến được áp dụng để tối ưu hóa quy trình, giảm thiểu lãng phí và tác động đến môi trường”, ông Thiện nói.
Thiếu chính sách cho đầu tư cơ sở hạ tầng
Tuy nhiên, ông cho rằng, để phát triển nguồn điện này sẽ cần giải quyết một số vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng và cơ chế, chính sách.
Đó là, cần xây dựng hạ tầng kho, cảng LNG mới, hiện đại, theo tiêu chuẩn quốc tế, tại các vị trí chiến lược, có đủ khả năng tiếp nhận tàu chở LNG kích thước lớn.
Đồng thời, xây dựng hệ thống tồn trữ và phân phối LNG tại các khu vực tiêu thụ (bao gồm: xây dựng kho chứa LNG quy mô nhỏ, đội tàu, xe chuyên dụng cho vận chuyển LNG, trạm phân phối và hệ thống tái hóa khí) để cung cấp khí LNG cho các khách hàng điện, khu công nghiệp, cũng như hộ tiêu thụ.
Cơ cấu nguồn điện Việt Nam đến hết năm 2022
Thực tế hiện nay, chưa có chính sách, cơ chế để khuyến khích đầu tư các cụm, trung tâm năng lượng, kho, cảng LNG trung tâm (LNG Hub)… dẫn đến việc các nhà đầu tư nhà máy điện khí LNG sẽ đầu tư kho cảng nhập LNG riêng lẻ, phân tán theo cấu hình: “1 nhà máy điện + 1 kho, cảng nhập LNG và tái hóa khí”.
Tức là, có bao nhiêu nhà máy điện thì sẽ xuất hiện bấy nhiêu kho cảng nhập LNG và tái hóa khí xuất hiện phủ kín dọc theo suốt chiều dài bờ biển Việt Nam. Điều này khiến chi phí đầu tư tăng, tác nhân khiến giá thành điện cao hơn do phải “gánh” chi phí đầu tư hạ tầng LNG.
Phát triển mô hình kho LNG trung tâm
Trước thực tế trên, đại diện Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) đề xuất, Việt Nam cần phát triển theo mô hình kho LNG trung tâm (LNG Hub).
“Nghĩa là các kho LNG trung tâm công suất lớn cung cấp khí LNG cho các nhà máy nhiệt điện khí, kết nối đồng bộ với hệ thống đường ống trục vận chuyển khí tái hóa/hệ thống vận chuyển và phân phối LNG đường biển (đường biển/sông, đường bộ, đường sắt) đến các hộ tiêu thụ. Các nhà máy điện khí LNG sẽ đấu nối đường ống để nhận khí từ đường ống trục.
Với mô hình này, đại diện PV GAS cho biết, dự kiến chỉ cần 3 kho cảng LNG Hub công suất từ 3-6 triệu tấn/năm/kho (có khả năng nâng công suất lên 10 triệu tấn/năm để dự phòng mở rộng), đặt tại 3 khu vực chính là: khu vực Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), khu vực Sơn Mỹ (tỉnh Bình Thuận) và khu vực phía Bắc (Bắc Trung bộ).
Thực tế, việc phát triển hệ thống hạ tầng LNG Hub như đề xuất nêu trên đã, đang được các nước trong khu vực, cũng như trên thế giới triển khai thành công như Thái Lan, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận