Chiều 28/10, BHXH Việt Nam và Tổng công ty Bưu điện Việt nam đã tổ chức Hội nghị trực tuyến “Công tác tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) qua dịch vụ bưu chính công ích của ngành BHXH giai đoạn 2014-2019”.
"Cánh tay nối dài" của BHXH
Đại diện Vụ Pháp chế (BHXH Việt Nam) cho biết, qua 5 năm (2014-2019), công tác tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích của ngành BHXH đã dần đi vào ổn định, triển khai rộng khắp tại 63 tỉnh, thành phố và bước đầu đáp ứng các mục tiêu như: Giảm số lượt đơn vị SDLĐ trực tiếp đến cơ quan BHXH để thực hiện giao dịch, góp phần tiết kiệm thời gian, giảm chi phí đi lại, chờ đợi cho người dân và DN khi thực hiện giao dịch với cơ quan BHXH; đóng góp vào kết quả cải cách TTHC của Ngành. Qua đó, giúp giảm hồ sơ tồn đọng tại cơ quan BHXH, theo dõi được số lượng và thành phần hồ sơ trả cho đơn vị theo từng ngày; giảm số lượt đơn vị trực tiếp đến cơ quan BHXH để thực hiện giao dịch, phòng ngừa, hạn chế các hành vi tiêu cực do DN không phải tiếp xúc trực tiếp với cán bộ giải quyết hồ sơ.
Theo thống kê, tính đến tháng 9/2019, đã có 26.478.766 hồ sơ tiếp nhận qua dịch vụ bưu chính; 61.150.025 hồ sơ được giải quyết và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính. Bên cạnh đó, BHXH các tỉnh, thành phố đã chủ động phối hợp với Bưu điện tổ chức tập huấn, đào tạo kỹ năng, kiến thức cho 32.587 lượt nhân viên Bưu điện trong việc thực hiện các quy định về biểu mẫu, thủ tục, hồ sơ BHXH, BHYT. Hiện nay, 100% Bưu điện tỉnh, thành phố đã ký kết hợp đồng với BHXH địa phương triển khai thực hiện dịch vụ tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC. Sau 5 năm, toàn hệ thống Bưu điện đã tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả TTHC về BHXH, BHYT từ cơ quan BHXH đến các đơn vị tham gia BHXH và ngược lại, với tổng số 21.037.911 bưu gửi.
Việc tiếp nhận hồ sơ từ các đơn vị SDLĐ đã dần chuyển từ hình thức chuyển phát nguyên niêm phong sang chuyển phát có kiểm đếm, đối chiếu. Hiện nay, khoảng 62% Bưu điện tỉnh, thành phố thực hiện kiểm đếm, đối chiếu hồ sơ- mặc dù mới chủ yếu kiểm đếm, đối chiếu theo danh mục do đơn vị SDLĐ lập sẵn chứ chưa đối chiếu theo quy định về hồ sơ của TTHC. Đồng thời, việc phối hợp giữa cơ quan BHXH và Bưu điện cùng cấp được chú trọng, để kịp thời đánh giá việc thực hiện thỏa thuận hợp tác, từ đó từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để nâng cao chất lượng phục vụ người dân và đơn vị SDLĐ.
Đẩy mạnh hiệu quả
Theo bà Nguyễn Thị Mỹ Dung- Phó Giám đốc BHXH TP.HCM, trong 9 tháng đầu năm nay, số lượng hồ sơ BHXH TP.HCM tiếp nhận qua Bưu điện đạt tỉ lệ 97,74% và tỉ lệ trả kết quả TTHC qua Bưu điện đạt 98,82%. BHXH TP.HCM cũng triển khai tiếp nhận hồ sơ qua nhiều “kênh” khác như: Trang web tiếp nhận hồ sơ BHXH, qua số tổng đài của Bưu điện, hoặc đơn vị SDLĐ điện thoại trực tiếp đến các Bưu cục và Bưu điện Thành phố. Ngoài ra, BHXH TP.HCM còn có thêm một “kênh” riêng để tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả TTHC qua Bưu điện.
Tuy nhiên, theo bà Dung, việc tiếp nhận hồ sơ, giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích còn gặp một số khó khăn như: Địa bàn rộng nên một số Bưu cục còn chậm trong việc giao nhận hồ sơ, việc tìm kiếm, kiểm soát hồ sơ theo phần mềm chưa tốt… Vì vậy, trong thời gian tới, BHXH TP.HCM sẽ tiếp tục phối hợp với Bưu điện để tuyên truyền, phổ biến các dịch vụ đến các đơn vị SDLĐ, có văn bản giải đáp khiếu nại về giao nhận hồ sơ, đăng tải thông tin thông báo trên trang web của BHXH Thành phố, chấn chỉnh những Bưu cục chưa thực hiện đúng thời gian giao nhận hồ sơ.
Chia sẻ về kinh nghiệm xử lý hồ sơ thất lạc, hư hỏng, đại diện BHXH tỉnh Đắk Lắk cho biết, BHXH tỉnh đã chủ động phối hợp với Bưu điện làm việc trực tiếp với đơn vị SDLĐ về vấn đề này; đồng thời giao trách nhiệm cho các bộ phận liên quan xử lý, khôi phục hồ sơ bị thất lạc…
Theo ông Chu Quang Hào, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, Bưu điện Việt Nam sẽ nỗ lực thực hiện vai trò “cánh tay nối dài” của các cơ quan hành chính, trong đó có BHXH Việt Nam để cung cấp dịch vụ hành chính công tốt nhất, thuận tiện nhất, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, tổ chức và DN. Theo đó sẽ tiếp tục mở rộng ứng dụng phần mềm chuyển phát hồ sơ BHXH đảm bảo liên thông, hoàn thiện các phần mềm nghiệp vụ, huấn kỹ năng tiếp nhận hồ sơ BHXH cho đội ngũ nhân viên Bưu điện…
Ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cũng nhận định: “Trong thời gian tới, hai bên cần tiếp tục chủ động nâng cao chất lượng thực hiện công tác này, nhất là thực hiện tốt việc chuyển phát, kiểm tra, đối chiếu hồ sơ; nâng cao chất lượng tiếp nhận hồ sơ, giảm tỉ lệ hồ sơ thất lạc, hư hỏng. Đồng thời, đề nghị các đơn vị của BHXH Việt Nam ngay trong quý IV/2019 phải hoàn thiện về mặt kỹ thuật để kết nối phần mềm tiếp nhận và trả hồ sơ TTHC. Trên cơ sở đó, dự kiến trong quý I/2020 triển khai tới tất cả các tỉnh, thành phố, nhằm giúp người dân và DN tra cứu, theo dõi được đường đi của hồ sơ”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận