Khẩn trương rà soát phương án đầu tư
Cập nhật tình hình chuẩn bị đầu tư hai dự án đường bộ cao tốc: Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương, Bộ GTVT cho biết, hiện tại, tỉnh Lâm Đồng đang chỉ đạo nhà đầu tư hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Tân Phú - Bảo Lộc.
Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Bảo Lộc - Liên Khương đang được địa phương tổ chức thẩm định.
Căn cứ tiến độ thực tế, Bộ GTVT đề nghị tỉnh Lâm Đồng khẩn trương rà soát phương án đầu tư, phấn đấu phê duyệt dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương trong tháng 10/2024.
Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc có chiều dài khoảng 66km, đi qua địa bàn hai tỉnh: Lâm Đồng (55km) và Đồng Nai (11km).
Theo chủ trương đầu tư được phê duyệt, tuyến cao tốc có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m. Tổng mức đầu tư dự kiến là 17.200 tỷ đồng.
Cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương có chiều dài khoảng 74km, được đầu tư quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m. Tổng mức đầu tư dự kiến hơn 19.500 tỷ đồng
Liên quan đến tiến độ triển khai hai dự án, mới đây, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về tình hình triển khai thực hiện các dự án đường bộ cao tốc Tân Phú (Đồng Nai) - Bảo Lộc (Lâm Đồng) và Bảo Lộc - Liên Khương theo phương thức PPP.
Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Lâm Đồng khẩn trương gửi văn bản giải trình, hoàn thiện hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án gửi Hội đồng thẩm định liên ngành trước ngày 23/9/2024 để tổ chức thẩm định.
Hội đồng thẩm định liên ngành khẩn trương hoàn thành thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án theo quy định của Luật PPP trước ngày 30/9/2024.
UBND tỉnh Lâm Đồng cũng được giao xem xét báo cáo Thủ tướng về những khó khăn, vướng mắc đối với quy định về vốn chủ sở hữu tối thiểu của nhà đầu tư theo quy định tại Nghị định số 78/2023/NĐ-CP ngày 7/11/2023 của Chính phủ về tín dụng đầu tư của Nhà nước, kiến nghị Thủ tướng, Chính phủ xem xét sửa đổi, điều chỉnh tỷ lệ vốn chủ sở hữu tham gia trong quá trình thực hiện dự án thống nhất với quy định pháp luật về PPP.
Đối với tuyến đường cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương, Phó thủ tướng lưu ý cơ quan liên quan cần nghiên cứu xem xét cơ chế chính sách tương đồng giữa dự án Bảo Lộc - Liên Khương và dự án Tân Phú - Bảo Lộc để nâng cao hiệu quả, tính khả thi.
Vẫn nhiều khó khăn
Tìm hiểu của PV, dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc được liên danh nhà đầu tư gồm: Tập đoàn Đèo Cả, Tập đoàn Hưng Thịnh và Tập đoàn Nam Miền Trung đề xuất thực hiện dự án theo phương thức đối tác công tư (PPP) vào tháng 8/2020 - thời điểm thị trường bất động sản đang khá sôi động.
Theo dự kiến, tuyến cao tốc này sẽ được khởi công vào năm 2023 và hoàn thành 2 năm sau đó (năm 2025). Song, cho đến nay, kế hoạch này chưa thể thực hiện.
Theo phương án huy động vốn được các bên cam kết trong bước báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, nguồn vốn tham gia thực hiện dự án sẽ do các thành viên liên danh nhà đầu tư đề xuất, các ngân hàng tài trợ và góp vốn.
Tuy nhiên, đến nay, Tập đoàn Hưng Thịnh, Tập đoàn Nam Miền Trung và Ngân hàng Nam Á đã không thể tiếp tục tham gia đầu tư, tài trợ vốn do các doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính. Hơn 4 năm qua, chỉ còn Tập đoàn Đèo Cả theo đuổi, tài trợ kinh phí lập đề xuất dự án và triển khai hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi.
Đối với cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương, lãnh đạo một doanh nghiệp quan tâm đến dự án cho biết, điều lấn cấn nhất hiện nay của doanh nghiệp là lưu lượng phương tiện.
Theo khảo sát, khu vực tuyến đường đi qua nằm ở vùng du lịch, lưu lượng phương tiện dự báo chỉ cao điểm theo mùa và chủ yếu là xe con. Song song với tuyến cao tốc là quốc lộ 20 đã được đầu tư với chất lượng khá tốt, thu hút xe tải lưu thông.
Với kịch bản lạc quan được tính toán 9.000 xe/ngày đêm, thời gian thu phí hoàn vốn cũng lên tới khoảng 23 năm. Tổng vốn đầu tư lớn (hơn 17.000 tỷ đồng), thời gian thu phí kéo dài, việc thương thảo để ngân hàng cho vay không hề dễ dàng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận