Điện ảnh

Phim tài liệu lịch sử “Những cánh én đầu tiên” trầy trật ra rạp

13/08/2019, 07:00

Làm phim tài liệu ra rạp bán vé vốn đã là điều khó khăn, phim tài liệu về lịch sử lại càng khó hơn. “Những cánh én đầu tiên” là ví dụ điển hình.

img
“Những cánh én đầu tiên” là bộ phim tài liệu lịch sử hiếm hoi được chiếu rạp thương mại

Nhìn lịch sử bằng con mắt trực diện

Đầu năm 2019, khi trailer của “Những cánh én đầu tiên” được ra mắt trên fanpage của Xưởng phim Én Bạc - hãng phim hoạt hình 3D thuộc trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) đã khiến cộng đồng mạng “dậy sóng”. Đoạn trailer thu hút gần 800.000 lượt xem đã thể hiện một trích đoạn trong bộ phim tài liệu lịch sử tái hiện trận chiến Hàm Rồng ngày 4/4/1965 giữa lực lượng Không quân Nhân dân Việt Nam với lực lượng Không quân - Hải quân Mỹ.

Phim ra rạp chỉ để mọi người đều có thể xem được, chúng tôi không nghĩ tới việc thắng phòng vé và cũng không quan tâm nhiều tới lợi nhuận. Bởi chắc chắn, lợi nhuận thu về sẽ không bù lại được 1/5 chi phí thực hiện bộ phim.
Nhà sản xuất Nguyễn Văn Trường Sơn

Nằm trong series phim “Không chiến Việt Nam”, “Những cánh én đầu tiên” tái hiện cuộc chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa) của các phi công Việt Nam trên những chiếc máy bay tiêm kích MiG17, đối đầu với không quân Mỹ có khí tài và vũ khí quân sự vô cùng hiện đại là những máy bay cường kích F-105, F-100D. Bốn phi công của biệt đội tiêm kích thuộc Đoàn không quân Sao đỏ tham gia trận đánh lịch sử này gồm Trần Hanh (Biên đội trưởng), Phạm Giấy, Lê Minh Huân và Trần Nguyên Năm, đã bắn rơi máy bay F-105 của địch. Tuy nhiên, chỉ còn duy nhất Trần Hanh sống sót trở về sau trận chiến khốc liệt.

Điểm đáng chú ý của bộ phim này là kết hợp giữa phim tài liệu (qua lời kể của phi công Trần Hanh cùng các nhà chuyên môn nghiên cứu lịch sử, quân sự) và tái hiện trận chiến bằng đồ họa, kỹ xảo điện ảnh 3D. Đích thân đạo diễn Lê Nguyên Bảo - Hiệu trưởng trường Đại học Duy Tân đã cất công sang Mỹ để tìm biên kịch hợp tác làm phim, cũng như nghiên cứu về quân sự thời đó của Mỹ. Quá trình thực hiện phim ngốn thời gian 5 năm để Lê Nguyên Bảo đi từ ý tưởng, tìm cộng sự làm phim, nghiên cứu tư liệu lịch sử để chắt lọc dữ kiện cho chính xác và phỏng vấn những phi công tiêm kích quan trọng nhất của Việt Nam thời kỳ đó.

Theo đạo diễn Lê Nguyên Bảo, trong thời đại 4.0, anh muốn khán giả có thể tiếp cận với lịch sử ở một góc nhìn mới sinh động hơn. Sự kết hợp giữa yếu tố lịch sử và điện ảnh một cách linh động sẽ khơi gợi hứng thú và lôi cuốn giới trẻ tìm hiểu lịch sử nước nhà. Có lẽ vì thế, phim mang tới góc tiếp cận mới mẻ cho khán giả ngày nay. Bản thân Trung tướng Trần Hanh - Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng sau khi theo dõi bộ phim đã khen ngợi màn tái hiện những khoảnh khắc khốc liệt và cảm xúc của trận chiến lịch sử. “Tôi tin qua bộ phim, khán giả sẽ hiểu được chiến tranh thực tế ác liệt như thế nào và thêm trân trọng hòa bình hôm nay”, ông bày tỏ.

Trầy trật mới ra được rạp

img
Một cảnh trong phim "Những cánh én đầu tiên"

Thời điểm này, “Những cánh én đầu tiên” mới chính thức có mặt tại các hệ thống rạp chiếu thương mại trên toàn quốc nhưng thực tế, phim từng có kế hoạch ra mắt vào ngày 22/12/2018 (Ngày truyền thống Quân đội nhân dân). Theo nhà sản xuất Nguyễn Văn Trường Sơn, vì ê-kíp làm phim là những tay ngang trong điện ảnh nên đã gặp vướng mắc trong các khâu giấy tờ, bản quyền thủ tục xin cấp phép cho phim. Phải tới tháng 3/2019, ê-kíp mới chính thức có đầy đủ giấy tờ để bộ phim được công chiếu trên toàn quốc. Sau khâu kiểm duyệt của Cục Điện ảnh, phim cũng đã phải chỉnh sửa một số chi tiết để đúng với lịch sử nhất. Thế nhưng, đầy đủ giấy tờ cấp phép không đồng nghĩa với việc phim có thể dễ dàng xuất hiện ở rạp chiếu thương mại.

Đại diện đoàn làm phim cho biết, ban đầu ê-kíp thực hiện chỉ định làm phim ngắn khoảng 20 phút. Trong quá trình thực hiện, anh nhận thấy tiềm năng phát triển của kịch bản nên ê-kíp đã kéo dài dự án lên 48 phút - thời lượng đủ điều kiện để phim có thể xuất hiện ngoài rạp. Nhưng khi “gõ cửa” một số nhà phát hành và không được chấp nhận, ê-kíp đành phải thuê rạp để tự tổ chức công chiếu, tự phân phối và bán vé với mức giá 80.000 đồng/vé trong khi nhân lực chỉ có 10 người. May mắn thay, mức giá tưởng chừng đắt đỏ cho một bộ phim tài liệu ấy lại “cháy vé”. Tháng 4 đã có 6 suất chiếu ở Đà Nẵng và 5 suất ở Hà Nội đều kín rạp và đa số là khán giả trẻ có hứng thú với bộ phim sau khi xem trên mạng. Đoàn phim đã ghi lại những phản ứng từ khán giả rồi quay lại đặt vấn đề với nhà phát hành Galaxy mới nhận được cái gật đầu đồng ý.

Được biết, dự án được thực hiện với mục đích phi lợi nhuận nhưng sau đó vẫn được công chiếu dưới hình thức bán vé. Giải thích về điều này, nhà sản xuất Trường Sơn cho hay, việc phi thương mại gây khó khăn trong việc phân phối tại các rạp chiếu, buộc lòng ê-kíp phải chiếu thương mại. Dẫu vậy, giá vé đã được thương lượng để bán với giá thấp. Xuất chiếu đầu tiên tại rạp thương mại toàn quốc ngày 9/8. Theo ghi nhận của PV, tại rạp BHD Star (Cầu Giấy), giá vé xem “Những cánh én đầu tiên” chỉ ở mức 50.000 đồng/vé. Mức giá này cũng tương tự ở các rạp chiếu của Galaxy.

Giữ bí mật về kinh phí làm phim nhưng đại diện của đoàn phim cho hay, chi phí sản xuất phim khá thấp, khâu gây tốn kém là quá trình xây dựng đội ngũ thực hiện trong suốt 5 năm. Biên tập quay phim Thái Bảo Long còn bật mí, có lúc đoàn làm phim phải dùng thùng carton ghép thành buồng phi công để tạo cảm giác thật cho diễn viên. Nhiều cảnh quay được thực hiện ngoài trời dưới thời tiết nắng gắt để tạo hiệu ứng chân thật nhất, đồng thời tiết kiệm chi phí.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.