Điện ảnh

Phim tốt thì không cần… “giải cứu”!

28/12/2019, 07:35

“Mắt biếc” và “Chị chị em em” là hai bộ phim “thống trị” số suất chiếu kín đặc và “Mắt biếc” thậm chí vẫn lên tới hơn 30 suất/ngày.

img
Cảnh trong phim "Chị chị em em"

Sau một năm thị trường điện ảnh nhiều biến động, lần đầu tiên, toàn bộ các rạp chiếu đều ưu tiên suất chiếu cho hai bộ phim Việt là “Mắt biếc” và “Chị chị em em”. Ở ngoài rạp, hai bộ phim “thống trị” số suất chiếu kín đặc và “Mắt biếc” thậm chí vẫn lên tới hơn 30 suất/ngày dù đã công chiếu được 1 tuần. Bộ phim vừa đạt mốc 1 triệu vé bán ra sau 5 ngày công chiếu và theo thống kê của Box Office Vietnam, doanh thu “Mắt biếc” đã cán mốc gần 80 tỷ đồng, bỏ xa đối thủ là “Chị chị em em” với doanh số đạt hơn 40 tỷ đồng.

Thế nhưng, cuộc “đối đầu” giữa hai bộ phim Việt này còn thú vị hơn khi đây cũng là lần hiếm hoi các rạp chiếu phải dời lịch phim bom tấn Hollywood để tránh cạnh tranh. Bộ phim “Cats” dời ngày chiếu 20/12 - cũng là ngày công chiếu chính thức trên toàn thế giới - sang ngày 24/12, trong khi bom tấn “Star Wars 9” cũng phải dời lịch sang ngày 3/1.

Năm qua, cuộc kêu gọi “giải cứu phim Việt” rơi vào tình cảnh khiến nhiều khán giả ngán ngẩm. Ngày càng có thêm những nhà làm phim phải cầu cứu nhà phát hành điều chỉnh suất chiếu hoặc kêu gọi khán giả “cứu” phim của mình với lý do phim Việt bị chèn ép bởi phim ngoại. Rất nhiều vấn đề đã được đặt ra để cứu phim nội trước tình trạng phim ngoại lấn át ngoài rạp chiếu.

Thế nhưng, hiện tượng “Mắt biếc” và “Chị chị em em” lại cho thấy một góc nhìn khác hẳn. Chính nhà phát hành cũng tự điều chỉnh lịch phim khi họ nhận thấy hai phim trên đều xứng đáng được ghi nhận tại thị trường điện ảnh nước nhà. Dĩ nhiên, một bộ phim thành công ngoài rạp chiếu cần nhiều yếu tố, không chỉ là ê-kíp chuyên nghiệp, chất lượng mà còn cần các yếu tố như truyền thông, diễn viên tên tuổi. Không ít khán giả Việt cho biết từ lâu, họ đã mất niềm tin với phim Việt bởi chất lượng yếu kém, phim “mỳ ăn liền” ngập tràn. Thế nên, khán giả tìm tới phim ngoại vốn không hoàn toàn phải lỗi của họ. Các rạp chiếu phim là những đơn vị kinh doanh, không thể hoàn toàn trách họ khi chiếu phim ngoại để phục vụ nhu cầu của khán giả. Quan trọng là những nhà làm phim cần nhìn nhận lại mình, thì nhà phát hành cũng như khán giả mộ điệu sẽ không phải quay lưng, không cần phải giải cứu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.