Theo ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, bà thấy tiếc cho bà Châu Thị Thu Nga |
Sáng 2/6, Quốc hội đã nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND, sau đó dành thời gian thảo luận tại hội trường về nội dung này.
Bên lề cuộc họp, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm - Phó Bí thư thành ủy; Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh chia sẻ một số nội dung được quan tâm liên quan đến Luật này.
Tiêu chí lựa chọn các ĐBQH và đại biểu HĐND luôn là vấn đề được mọi người quan tâm. Theo bà, làm thế nào để chọn được những người đại biểu ưu tú theo cơ cấu, thành phần như quy định?
Trước hết phải khẳng định ở mỗi một thành phần, một cơ cấu đều có những ĐB rất ưu tú, vấn đề là ta phải có cách lựa chọn như thế nào.
Để chọn lựa được những ĐB thực sự ưu tú như thế, theo tôi tốt nhất là phải phát huy dân chủ, đặc biệt là dân chủ trực tiếp của người dân bởi dân là người hiểu rất nhiều về ĐB của mình trong quá trình hoạt động.
Với đại biểu ứng cử mới thì phải tạo điều kiện để họ tiếp xúc với cử tri của mình nhiều hơn để thông qua những buổi tiếp xúc đó, cử tri sẽ biết, sẽ hiểu và từ đó họ có thể lựa chọn.
Bên cạnh đó, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức xã hội, các cơ quan cơ cấu có trách nhiệm giới thiệu cũng cần lựa chọn đại biểu ưu tú, đủ điều kiện để đưa lên cân nhắc.
Ngoài các tiêu chuẩn đặt ra thì người đại biểu dân cử phải có điều kiện tham gia vào các hoạt động. Trong thực tế có những đại biểu ưu tú, năng lực tốt nhưng hoạt động thì không có nhiều. Chính vì thế cũng hạn chế hoạt động của cơ quan dân cử.
Đưa đại biểu vừa ưu tú, đạt tiêu chuẩn và có điều kiện vào ứng cử thì cử tri sẽ lựa chọn được những đại biểu đại diện cho mình.
Nhưng nếu quá chú trọng vào những điều này thì nhiều người lo ngại sẽ khó chọn được đại biểu đủ năng lực gánh vác trọng trách dân cử?
Cơ cấu, thành phần là điều cần thiết trong bất cứ một tổ chức nào. Tuy nhiên với cơ cấu, thành phần đó mà ta chọn được những người ưu tú nhất để tạo cơ cấu hợp lý mới là điều khó.
Bầu cử cũng là một hình thức thể hiện tính dân chủ của dân |
Tới đây, Quốc hội sẽ xem xét bãi miễn tư cách ĐBQH của bà Châu Thị Thu Nga. Cũng là nữ đại biểu, bà có suy nghĩ gì về việc này khi trước đó chúng ta cũng từng có 1 ĐB nữ bị bãi miễn là bà Đặng Thị Hoàng Yến?
Cũng là đại biểu nữ, tôi thực sự thấy tiếc cho hai đại biểu này đã không đi trọn được con đường mà người dân tin tưởng, gửi gắm.
Nếu nói về trách nhiệm thì trước hết phải là trách nhiệm cá nhân, do mình không giữ gìn, không đáp ứng được lòng tin của cử tri. Còn cơ quan giới thiệu có trách nhiệm hay không còn tùy thuộc vào tính chất từng vụ việc của cá nhân những đại biểu này.
Nhưng dù gì đi chăng nữa thì cơ quan hiệp thương và giới thiệu cũng có trách nhiệm một phần. Bởi vì không chỉ có trách nhiệm giới thiệu xong là thôi mà phải theo dõi, giám sát đại biểu đó trong suốt quá trình hoạt động.
Nếu sự việc xảy ra trước khi bầu cử mà cơ quan không nắm được thì trách nhiệm nặng hơn, còn nếu là phát sinh trong quá trình hoạt động thì công tác giám sát, theo dõi của cơ quan không được liên tục.
Mặc dù không mong muốn nhưng điều đó đã xảy ra thì cũng là kinh nghiệm cho nhiệm kỳ tới đối với tất cả các cơ quan có trách nhiệm đưa người ra ứng cử, cơ quan hiệp thương.
Sự việc trên cũng cảnh báo với các đại biểu rằng, khi mình đã gieo được niềm tin đối với cử tri thì cần phải phấn đấu, giữ gìn một cách liên tục từng ngày, từng giờ để đáp lại lòng tin của cử tri, nếu không sẽ làm tổn thương lòng tin đó.
Để đảm bảo thành phần và để cử tri chọn lựa được người mình mong muốn thì ngay việc lập danh sách đại biểu ứng cử cũng tránh tạo cảm giác “quân xanh- quân đỏ”. Quan điểm của bà thế nào về ý kiến này?
Tôi nghĩ từ “quân xanh- quân đỏ” người ta dùng cũng rất nôm na. Nhưng trong thực tiễn có xảy ra điều đó.
Trên danh sách của một đơn vị bầu cử, qua nhiệm vụ, đơn vị công tác và nhiều yếu tố khác, người dân đưa ra một so sánh.
Đó là quyền của cử tri, nhìn vào danh sách đó người ta đánh giá có lệch hay không, có “quân xanh- quân đỏ” hay không. Cách đánh giá của cử tri cũng rất tế nhị và tinh tế chứ không đơn giản đâu!
Để khắc phục tình trạng đó thì cần phải lắng nghe, tính toán để đưa ra danh sách ứng cử hợp lý, để nếu cử tri tín nhiệm đại biểu nào thì đại biểu đó cũng có đủ tiêu chuẩn, điều kiện để thực hiện nhiệm vụ của mình.
Các cấp ủy Đảng, cơ quan cần phải quan tâm. Khi cử tri, người dân đưa ra nhận định đó thì đồng thời người ta cũng cảnh báo với mình trách nhiệm trong việc giới thiệu người ứng cử để đảm bảo quyền lựa chọn của cử tri.
Xin cảm ơn bà.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận