ĐB Nguyễn Đình Quyền phát biểu trong phiên thảo luận tại Hội trường sáng 26/5 |
Sáng 26/5, Quốc hội đã nghe báo cáo về dự thảo Luật Kiểm toán Nhà nước. Trong phiên thảo luận, nhiều BĐBQH cũng cho ý kiến về những điều còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật này.
Đóng góp ý kiến tại Hội trường Quốc hội trong phiên thảo luận, ĐB Nguyễn Đình Quyền (Đoàn Hà Nội) – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nêu quan điểm, trong trường hợp đơn vị kiểm toán có dấu hiệu tội phạm, Kiểm toán phải có nhiệm vụ chuyển giao tài liệu cho cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát, điều này làm tăng trách nhiệm của cơ quan kiểm toán, nếu biết đơn vị có dấu hiệu tội phạm hoặc khi được pháp luật yêu cầu, cơ quan kiểm toán phải chuyển giao được toàn bộ chứng cứ.
“Là tổ chức có thẩm quyền lớn nhưng không được quy định quyền hạn và nhiệm vụ rõ ràng đã khiến cơ quan này trở thành con “ngáo ộp”. Cứ khi cơ quan này “rung” lên là doanh nghiệp lại phải chạy đến, điều này rất dễ phát sinh tiêu cực. Suốt thời gian qua ai cũng biết điều này nhưng không ai làm gì, do vậy, cần có quy định pháp luật rõ ràng hơn về quyền hạn của kiểm toán” – ông Quyền nêu quan điểm.
Theo ông Quyền, cơ quan kiểm toán phải có trách nhiệm đối với sai phạm của doanh nghiệp khi đã được cơ quan này công bố kết luận kiểm toán, tức là nếu Doanh nghiệp làm sai nhưng kiểm toán kết luận đúng thì khi doanh nghiệp vi phạm pháp luật, kiểm toán cũng phải chịu trách nhiệm.
“Trước đây đã từng có trên 10 đoàn kiểm toán vào vào Vinalines, Vinashins nhưng không hề phát hiện sai phạm gì, nhưng khi cơ quan điều tra vào điều tra lại phát hiện vi phạm. Vậy trách nhiệm của kiểm toán trong trường hợp này như thế nào? Dự luật chưa quy định rõ”, đại biểu Quyền đặt vấn đề.
Phải quy định tương xứng trách nhiệm của kiểm toán
Cũng cho ý kiến về Luật kiểm toán, Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng) nhận định, việc sửa Luật Kiểm toán lần này đã tăng thêm trách nhiệm, quyền hạn của tổ chức kiểm toán, tuy nhiên việc quy định trách nhiệm và quyền hạn chưa rõ, chưa tương xứng.
Ông Thuyền lấy dẫn chứng: Có chuyện một đơn vị mới được kiểm toán xong, một thời gian sau bị cơ quan điều tra kết luận vi phạm pháp luật nhưng cơ quan kiểm toán không phải chịu trách nhiệm gì.
“Doanh nghiệp làm sai nhưng kiểm toán bảo đúng, khi doanh nghiệp vi phạm pháp luật thì kiểm toán phải là đồng phạm”, vị đại biểu tỉnh Lâm Đồng nêu quan điểm.
Theo ông Thuyền, với một cơ quan có nhiệm vụ và quyền hạn lớn như kiểm toán, đi đến đâu cũng khiến các đơn vị e sợ thì cần thiết phải gắn trách nhiệm cho đơn vị này.
Trong khi đó, đại biểu Lê Nam (Đoàn Thanh Hóa) đề xuất Quốc hội nên nghiên cứu thêm quan hệ kiểm toán với đại biểu Quốc hội khi thực hiện quyền giám sát theo Luật giám sát. Kết luận kiểm toán phải có giá trị pháp lý bắt buộc, tuy nhiên cũng cần làm rõ trách nhiệm của kiểm toán. Dự thảo Luật quy định khi có đề nghị lên Tổng Kiểm toán chỉ quy định chung chung, chưa quy định cụ thể bao nhiêu ngày trả lời, do đó Luật phải thỏa mãn điều này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận