Liên quan vụ việc cán bộ xã đấu giá trúng 23 lô đất, trưa 10/7, PV Báo Giao thông đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Nguyễn Văn Quý, Phó chủ tịch huyện Quỳnh Lưu (anh trai của người trúng đấu giá).
Toàn cảnh buổi đấu giá ở xã Quỳnh Hưng
Ông Quý cho biết: Tình hình đấu giá đất ở huyện Quỳnh Lưu trong 6 tháng vừa qua đạt kết quả rất thấp, chỉ đạt trên 280 tỷ đồng. Trong đó có nhiều xã như: Quỳnh Giang, Quỳnh Lâm, Sơn Hải… đấu giá đất nhưng không có kết quả.
Riêng đấu giá đất ở xã Quỳnh Hưng vừa rồi đạt kết quả tương đối tốt, tăng 47% so với giá khởi điểm (từ hơn 50 tỷ đồng lên đến hơn 80 tỷ đồng).
Kết quả cuộc đấu giá được đơn vị giám sát nhận định diễn ra khách quan, sòng phẳng, không có chuyện thông đồng, móc nối với nhau. Có thể khẳng định, mục đích ban đầu của cuộc đấu giá là đạt kết quả tốt.
Trước thông tin ông Nguyễn Văn Trọng là em trai ông, thuộc đối tượng không được tham gia đấu giá nhưng lại đấu trúng 23 lô đất, ông Quý cho biết: Quy trình làm giá khởi điểm để đấu giá là của cả 1 tập thể.
Cụ thể, huyện thuê 1 đơn vị tư vấn độc lập, có chức năng thẩm định giá. Sau khi đơn vị này gửi chứng thư ra, hội đồng thẩm định giá của huyện họp bàn, sau đó Phòng Tài chính tham mưu cho UBND huyện quyết định. Bản thân ông chỉ là thay mặt chủ tịch, thay mặt UBND huyện ký các quyết định, chứ không phải là người trực tiếp quyết định.
Cũng theo ông Quý, quá trình đầu giá diễn ra công khai, dưới sự giám sát của rất nhiều người dân. Ngoài ra, trong đấu giá gián tiếp, theo phương án trả giá từ dưới lên như bây giờ, với cách xác định giá khởi điểm thì hai bên không thể nhờ nhau được cái gì. Tại buổi đấu giá, trên cơ sở giá khởi điểm, ai trả giá cao hơn thì người đó thắng.
Theo ông Quý: Giá ông Trọng đưa ra cao hơn giá người khác, điều này mang lại lợi ích cho địa phương, cho ngân sách.
Quá trình tham gia đấu giá, mặc dù là anh em, nhưng ông Trọng không nói hay hỏi ý kiến nên ông không biết để có những hướng dẫn, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
“Một người con trai của ông Trọng đang làm việc ở Hà Nội có nhờ bố mua để dự định xây dựng siêu thị, trung tâm mua sắm ở quê nhà”, ông Quý nói và cho biết thêm:
Quy trình đấu giá đang nằm ở công đoạn thuộc trách nhiệm của công ty đấu giá thì huyện phát hiện vi phạm nói trên. Lập tức, huyện đã yêu cầu dừng lại và ra quyết định không công nhận kết quả đấu giá của anh Trọng, đồng thời yêu cầu đấu giá lại.
Ngoài anh Trọng, con trai anh này cũng đấu giá trúng 20 lô đất
Như Báo Giao thông đã đưa tin, vừa qua tại xã Quỳnh Hưng, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) diễn ra buổi đấu giá 56 lô đất thuộc khu vực Đồng Quan, xóm 5 với tổng số tiền khởi điểm là hơn 59 tỷ đồng.
Buổi đấu giá hoàn thành với 56 lô đất đều có "chủ nhân" và mang lại tổng giá trị tài sản cho nhà nước hơn 85 tỷ đồng.
Kết quả khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng khi ông Nguyễn Văn Trọng (trú tại xã Quỳnh Hưng, kế toán xã Quỳnh Bá) đã trúng liền 23/56 lô đất với tổng giá trị lên đến hơn 30 tỷ đồng. Đặc biệt, ông Nguyễn Văn Trọng là em trai ruột của ông Nguyễn Văn Quý, Phó chủ tịch huyện Quỳnh Lưu, là người trực tiếp phê duyệt giá đất, giám định, định giá khởi điểm của 56 lô đất nêu trên.
Việc ông Trọng tham gia đấu giá đã vi phạm quy định tại điểm b, khoản 4, điều 38, Luật Đấu giá tài sản năm 2016 quy định những trường hợp không được tham gia đấu giá tài sản: "Người làm việc trong tổ chức đấu giá tài sản thực hiện cuộc đấu giá; cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột của đấu giá viên điều hành cuộc đấu giá; người trực tiếp giám định, định giá tài sản; cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột của người trực tiếp giám định, định giá tài sản".
Ngoài ra, con trai anh Trọng là anh Nguyễn Văn Từ cũng trúng đấu giá 20 lô đất khác.
Được biết, anh Nguyễn Văn Trọng (SN 1971) đang là công chức, làm kế toán tại UBND xã này được khoảng 10 năm.
Hàng năm, thông qua việc xác nhận kê khai tài sản của cán bộ công chức tại địa phương gửi Phòng Nội vụ UBND huyện Quỳnh Lưu, ông Trọng không có vấn đề gì bất thường.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận