Tăng tuổi nghỉ hưu và tăng giờ làm thêm là hai nội dung nhận được nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận tại tổ về Bộ luật Lao động (sửa đổi) chiều 29/5.
Tuổi thọ tăng nhưng bệnh tật cũng nhiều
Theo đại biểu Lê Quân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, đang có nhiều luồng ý kiến trái chiều, nhất là từ các nhóm ngành nghề lao động khác nhau về đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu của lao động nam lên 62 tuổi, lao động nữ lên 60 tuổi.
“Đây là xây dựng chính sách, có tác động lâu dài nên cơ quan soạn thảo mong muốn các ý kiến đóng góp nhìn nhận theo hướng hướng tới tương lai”, ông Quân nhấn mạnh.
Tương tự, đối với quy định mở rộng khung giờ làm thêm, tăng thêm tối đa 100 giờ làm thêm/năm so với quy định hiện hành (từ tối đa 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm), Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, mức tăng giờ làm thêm này chỉ áp dụng đối với một số ngành nghề nhất định, và Bộ luật cũng quy định việc thỏa thuận theo nguyên tắc tự nguyện chứ không bắt buộc.
Đi vào phân tích thực tiễn thực tiễn, đại biểu Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam thông tin, hầu hết các quốc gia tăng tuổi nghỉ hưu là những quốc gia thiếu lao động.
“Cần lưu ý là nước ta tăng tuổi hưu lúc này đúng vào thời kỳ đang quyết liệt tinh giản biên chế. Hơn nữa, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động cũng còn khó khăn, mỗi năm cả nước vẫn có tới hơn 1 triệu lao động thất nghiệp, trong đó có vài trăm nghìn cử nhân. Thế nên đây cũng là yếu tố cần tính toán, bởi người trẻ mà thiếu việc thì làm hậu quả xã hội rất lớn”, ông Hiểu nói.
Trước lý do tăng tuổi nghỉ hưu vì tuổi thọ bình quân của người Việt Nam đang tăng lên, ông Hiểu dẫn ra thực trạng số năm mắc bệnh tật trong đời của người lao động lớn, trong đó nhiều người mắc nhiều bệnh, tức tuổi thọ cao nhưng không khỏe mạnh.
“Ở nước ta, đặc thù ngành nghề lao động phần lớn vẫn là lao động nặng nhọc, cơ bắp, không phù hợp với lao động khi tuổi đã lớn. Thực tế các chủ lao động cũng không mong muốn sử dụng người lao động lớn tuổi vào lao động trực tiếp, bản thân người lao động cũng không mong muốn, nên năng suất lao động không cao”, ông Hiểu cho biết.
Không cho tăng ca, người lao động sẽ phản ứng
Đồng tình với quy định định về mở rộng khung giờ làm thêm lên 400 giờ/năm (tăng thêm 100 giờ/ năm so với hiện hành), song ông Hiểu chia sẻ: “Mặc dù đồng ý với chủ trương này, là những người làm công tác công đoàn, chúng tôi hết sức buồn và cũng nghẹn ngào, vì tổ chức công đoàn hiếm nơi trên thế giới đồng ý tăng giờ làm thêm. Song vì người lao động của chúng ta lương rất thấp, không tăng giờ làm thêm thì không đảm bảo cuộc sống tối thiểu. Và thực tế nhiều nơi cũng đang lách luật, có nơi người lao động đã làm thêm tới 500 giờ/ năm, nên chúng tôi chia sẻ”, ông Hiểu nói.
Cùng với quy định tăng giờ làm thêm, ông Hiểu kiến nghị phải nghiên cứu để xây dựng phương án trả lương lũy tiến để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, chẳng hạn giờ làm thêm thứ nhất 5 USD thì làm thêm giờ thứ 2 phải được trả 6-7 USD. Lý do, ngoài việc chi phí để người lao động đầu tư tái sản xuất sức lao động thì thực tiễn đã cho thấy, càng làm thêm nhiều giờ thì nguy cơ tai nạn lao động càng cao.
Tương tự, đại biểu Trương Thị Bích Hạnh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương nhận định, nhu cầu làm thêm giờ là có thực từ người lao động và DN song mục đích của cả hai phía không giống nhau: “DN muốn người lao động làm thêm giờ nhiều để giải quyết đơn hàng lĩnh vực gia công, hàng xuất khẩu; giảm bớt tuyển dụng lao động, và thu được lợi nhuận. Còn với người lao động mục đích đầu tiên và cũng là cuối cùng là tăng thu nhập để đảm bảo đời sống”, bà Hạnh phân tích và chia sẻ: “Rất đau lòng khi phải chấp nhận việc tăng giờ làm. Nhưng thực tế ở Bình Dương, nếu không cho tăng ca thì người lao động sẽ phản ứng, vì tiền lương không đủ sống”.
Theo bà Hạnh, quy định tăng giờ làm thêm phải được cân nhắc trên nhiều yếu tố như: mối quan hệ giữa làm thêm giờ và tiền lương, giữa làm thêm và nghỉ ngơi tái tạo sức lao động, dành thời gian cho gia đình con cái và các mối quan hệ khác.
Do đó, bà Hạnh kiến nghị xem xét giảm thời gian chính thức từ 48 giờ/tuần xuống còn 44 giờ/tuần cho người lao động như quy định nhiều nước trên thế giới. Ngoài ra, nếu Luật tăng lên 400 giờ/năm thì phải tính tiền lương tăng lũy tiến. “Tiền điện tính lũy tiến từ bậc 2 thì không lý do gì lại không tăng lương lên được”, bà Hạnh nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận