Khách du lịch rất thích đi bộ mua sắm và ngắm cảnh xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội - Ảnh: Thùy Sinh |
Để Thủ đô phát triển du lịch, thu hút du khách, người đứng đầu chính quyền Hà Nội mới đây đưa ra một loạt các chủ trương như bỏ “giờ giới nghiêm”, tổ chức phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm, mở phố sách, triển khai wifi miễn phí, xây dựng 1.000 nhà vệ sinh đạt chuẩn... Người hưởng ứng cũng nhiều mà kẻ nghi ngại cũng không ít.
Phố đi bộ không phải là cái gì quá mới đối với nhiều thành phố trên thế giới. Tại Việt Nam, TP Hồ Chí Minh và Hội An cũng đã tổ chức phố đi bộ. Càng hoan nghênh chủ trương của Hà Nội hơn khi phố đi bộ được tổ chức tại khu vực hồ Hoàn Kiếm, một biểu trưng văn hóa lịch sử, nơi hàng triệu triệu du khách trong và ngoài nước muốn một lần đặt chân đến.
Nhưng những nghi ngại cũng không phải không có cơ sở. Thực tế, từ năm 2004 khi Hà Nội tổ chức phố đi bộ Hàng Ngang - Hàng Đào và mới đây, năm 2014 thêm các tuyến mở rộng như: Đào Duy Từ, Lương Ngọc Quyến, Tạ Hiện... nhiều vấn đề bất cập cho đến nay vẫn chưa được giải quyết. Đơn cử như những bất tiện cho người dân khi có nhà trên phố đi bộ mà không thể đi xe vào hoặc phải mướt mồ hôi “đấu tranh” với dân phòng, công an chốt ở đầu các con phố.
Và vấn đề được nhiều người băn khoăn nhất là muốn vào phố đi bộ, phải gửi xe ở đâu? Bởi thực tế lâu nay, những dịp lễ, Tết, khi ngành chức năng cấm phương tiện lưu thông khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm, người dân phải mướt mồ hôi mới gửi được chiếc xe máy ở cách đó cả con phố với giá vé “cắt cổ”.
Những ý tưởng về xây dựng các bãi gửi xe cho người dân, sử dụng xe buýt cũng không mấy khả thi vì không gian chật hẹp của khu vực phố cổ rất khó để quy hoạch những bãi gửi xe cho người dân...
Cho rằng chủ trương của Hà Nội là “sự dũng cảm”, cần được hoan nghênh, song KTS Trần Huy Ánh (Hội Kiến trúc sư Việt Nam) cũng đặt nghi ngại về vấn đề tổ chức giao thông. Ông nêu một dẫn chứng: “Tuyến phố Đinh Tiên Hoàng - Lê Thái Tổ - Hàng Khay chạy quanh Hồ Gươm được người Pháp quy hoạch theo loại hình boulevard, nghĩa là đường trục trung tâm có trồng cây. Trục giao thông này giữ vai trò quan trọng như một tuyến đường xuyên tâm Bắc - Nam của Hà Nội. Nếu cấm xe, việc đảm bảo không tắc nghẽn tại các tuyến phố nhỏ chạy song song với trục đường này cần được tính rất kĩ”.
Đến phố đi bộ để tìm cảm giác thư thái, vui vẻ. Chỉ khi chính quyền Thủ đô giải quyết hợp lý các vấn đề về tổ chức giao thông, sắp xếp hàng quán, chỗ gửi xe..., người dân mới yên tâm cảm nhận những giá trị đích thực của một phố đi bộ.
>>>Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận