Xã hội

35 năm sự kiện Gạc Ma: Phở Gạc Ma và khúc tráng ca bất tử

14/03/2023, 07:00

Đến TP Quy Nhơn (Bình Định), nhiều du khách thường tìm đến một quán phở có tên rất đặc biệt: Phở Gạc Ma - Trường Sa trên đường Tăng Bạt Hổ.

Ông chủ quán là cựu binh Lê Minh Thoa, nhân chứng sống trong trận hải chiến Gạc Ma năm 1988.

Quyết tử cắm cờ trên đảo Gạc Ma

img

Cựu binh Lê Minh Thoa nhớ rõ từng người đồng đội tại hải chiến Gạc Ma năm 1988

Cứ đến những ngày tháng 3 này, quán phở Gạc Ma tại số 5D Tăng Bạt Hổ, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định lại đón thêm những người khách lạ.

Có những người đến ăn phở, cũng có những người đến chỉ để ngồi nghe ông Thoa kể về những ngày tháng cam khổ, mất mát bi thương nhưng đầy tự hào thuở ấy.

35 năm đã trôi qua nhưng với những cựu binh như ông Thoa, trận đánh ấy như mới vừa xảy ra hôm qua, từng hồi ức lại hiện về nguyên vẹn.

Ông Lê Minh Thoa sinh năm 1968 trong một gia đình nông dân tại huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Khi lớn lên, cũng như bao trai tráng trong làng, ông xung phong đi bộ đội và trở thành thủy thủ trên tàu HQ 604 thuộc Lữ đoàn 125 (Bộ Tư lệnh Hải quân).

Ngày 11/3/1988, tàu HQ 604 ra đảo Gạc Ma (thuộc cụm đảo Sinh Tồn - quần đảo Trường Sa) với nhiệm vụ xây dựng nhà dàn trên đảo chìm này.

Sau 2 ngày 3 đêm lênh đênh trên biển, đến 16h chiều 13/3/1988, tàu thả neo cách đảo Gạc Ma chừng 500m, chờ thủy triều rút để vận chuyển vật liệu lên thi công nhà giàn.

Khi tàu vừa đến đảo Gạc Ma chưa lâu, một tàu hộ vệ của hải quân Trung Quốc đi vòng quanh đảo, phát loa phóng thanh, đại ý rằng đảo Gạc Ma thuộc lãnh thổ của Trung Quốc, yêu cầu những người lính Việt Nam phải rời đảo ngay.

Với tinh thần giữ vững chủ quyền, các chiến sĩ của ta đã lên đảo để cắm lá cờ đỏ sao vàng. Lá cờ bay phấp phới giữa trập trùng biển khơi.

“Đêm ấy, các chiến sĩ bắt cá, nấu ăn, cùng vui vẻ hát hò giữa biển, kể nhau nghe những câu chuyện làng xóm, quê hương. Ai cũng mong muốn sớm xây dựng xong nhà giàn. Nhưng rồi, với nhiều người, đó là đêm cuối”, ông Thoa xúc động nhớ lại.

Sáng sớm hôm sau (ngày 14/3/1988), lính Trung Quốc tràn lên đảo, giật lá cờ mà chiến sĩ ta vừa cắm. Lúc đó, liệt sĩ Nguyễn Văn Phương (quê Thái Bình) lao tới giành lại và tiếp tục cắm cờ Việt Nam lên.

Các chiến sĩ khác của ta ken chặt nhau, tạo thành một vòng tròn vây quanh, bảo vệ lá cờ .

Biết không thể làm lung lay ý chí của ta, lính Trung Quốc bắt đầu nã đạn vào các chiến sĩ Việt Nam. Một bên vũ khí hiện đại, trong khi đó phía ta chỉ có vài khẩu AK, còn lại là cuốc xẻng, xà beng, bởi nhiệm vụ khi ra đảo không phải gây chiến tranh. Các chiến sĩ của ta lần lượt nằm xuống trước họng súng quân thù.

Ba chiếc tàu chiến của Trung Quốc từ 3 phía chĩa súng vào tàu của ta và liên tục bắn xối xả. Chẳng mấy chốc tàu HQ 604 bốc cháy và chìm.

Trong làn mưa đạn đó, 64 chiến sĩ của ta đã nằm xuống dưới lá Quốc kỳ, máu của họ hòa chung với biển, loang đỏ một vùng.

Lập bàn thờ người sống

img

Lê Minh Thoa (hàng ngồi thứ 2 từ trái qua) thời điểm vừa được trao trả về Việt Nam

Tàu HQ 604 vỡ rồi chìm, lúc ấy ông Thoa đang ở hầm máy nhưng kịp ngoi lên thoát được ra bên ngoài. Ông bị thương ở chân, bỏng ở lưng nhưng may mắn vớ được 2 quả bí, là lương thực trên tàu làm phao, rồi cứ thế lênh đênh trên mặt biển.

Đến 5h chiều cùng ngày, tàu Trung Quốc quay lại. Lúc này, 1 tên lái, 2 tên cầm súng phát hiện và ra dấu cho cho ông Thoa đầu hàng nhưng ông quyết không chịu.

“Lúc đó, tôi xác định đi đâu cũng chết rồi. Có bị địch bắt lên tàu cũng chết nên tôi không đầu hàng. Tôi thà chết trên đất nước của mình, chết cùng đồng đội chứ không có chuyện đầu hàng”, ông Thoa chia sẻ.

Lúc đó, ngoài ông ra còn một số chiến sĩ khác bị thương nhưng còn sống, cố bám vào các thùng đựng nước để nổi lên. Tuy nhiên, tàu địch cứ thấy ai ngoi lên là chúng bắn, khung cảnh rất đau thương.

“Nhìn đồng đội bị bắn trước mắt nhưng không làm gì được, thật là xót xa. Riêng tôi, khi thấy tôi ôm 2 quả bí, lính Trung Quốc không dám đến gần vì tưởng là thuốc nổ. Một lúc sau, bọn chúng dùng cây sào móc kéo tôi lên xuồng, bịt mắt, trói tay chở đến tàu. Lúc tỉnh dậy, tôi đã thấy bên cạnh là 8 đồng đội bị trói chặt tay, nằm xếp hàng, trên người bê bết máu bởi những mảnh đạn thấu xương”, ông Thoa kể.

Các chiến sĩ của ta bị bắt lên tàu, tiếp tục lênh đênh trên biển, sau 3 ngày đêm, tàu này cập đảo Hải Nam. Tại đây, các anh được mổ để gắp những mảnh đạn trong người ra. Sau đó, tiếp tục chuyển tàu chở về nhà tù Lôi Châu, Quảng Đông.

Ở nhà tù Lôi Châu, các chiến sĩ ta bị biệt giam, mỗi tuần chỉ được ăn hai bữa cơm đạm bạc, còn lại là cháo trắng, trong khi bị bắt làm những việc nặng như vác đá, trộn bê tông.

Một ngày của năm 1989, Hội Chữ thập đỏ Quốc tế tiếp cận được những người lính Việt Nam bị Trung Quốc bắt nhốt ở đây. Khi họ vào cuộc thì công việc lao động hàng ngày và chế độ ăn uống của ông Thoa và đồng đội mới được cải thiện hơn.

Ðến tháng 11/1991, Chính phủ Việt Nam sang đàm phán, lúc đó, ông Thoa cùng các đồng đội được đưa về nước. Đến khi này, họ mới tin là mình còn sống.

“Khi tôi về đến nhà, cả gia đình ai cũng sửng sốt. Trên bàn thờ nghi ngút khói hương còn có tấm hình của tôi. Thời ấy thông tin liên lạc còn yếu, cả gia đình ai cũng nghĩ tôi chết rồi nên lập bàn thờ. Đến cả tôi còn không nghĩ mình sống sót thì ai dám nghĩ tôi còn”, ông Thoa kể lại.

Quán phở của tình đồng đội

img

Cựu binh Lê Minh Thoa nhớ rõ từng người đồng đội tại hải chiến Gạc Ma năm 1988

Khi về đến Việt Nam, ông Thoa tiếp tục phục vụ trong quân ngũ cho đến năm 1997 rồi xuất ngũ. Trở về cuộc sống đời thường, ông vào TP.HCM, rồi Nha Trang làm đủ việc như chạy xe ôm, làm xây dựng để sống. Mãi đến năm 2005, ông mới trở về quê là TP Quy Nhơn.

Năm 2011, ông Thoa mở quán phở để nuôi gia đình, vợ con. Ông lấy tên Gạc Ma, kèm với đó là dòng khẩu hiệu: “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”.

“Rất nhiều người thấy cái tên lạ, thường ăn phở xong thì sẽ hỏi tôi. Nhiều người khác thì tò mò rồi tìm kiếm trên mạng. Đấy là cách tôi làm cho nhiều người biết đến một trong những trận chiến ác liệt để bảo vệ Tổ quốc. Cũng là cách tôi tri ân những đồng đội đã nằm xuống”, ông Thoa chia sẻ.

Không chỉ người dân ở TP Quy Nhơn, nhiều bạn trẻ đọc trên báo chí, mạng xã hội cũng tìm đến đây, không chỉ là để ăn tô phở mà còn để bắt chuyện, chụp hình lưu niệm với chủ quán. Dù phở được nhiều khen là thơm, ngon nhưng suốt mấy năm qua chưa bao giờ ông Thoa tăng giá, chỉ bán 20.000 đồng/tô.

Đều đặn mỗi năm, ông Thoa dành vài ngày, chạy xe máy từ Quy Nhơn vào Khánh Hòa viếng đài tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh ở Gạc Ma, sau đó quay về. Nỗi nhớ thương đồng đội chưa bao giờ vơi đi trong ông.

Cách đây đúng 35 năm, vào rạng sáng ngày 14/3/1988, hải quân Trung Quốc bất ngờ mở cuộc tiến công đánh chiếm các đảo, bãi đá Len Đao, Cô Lin, Gạc Ma trong cụm đảo Sinh Tồn thuộc chủ quyền của Việt Nam.

6 chiếc tàu chiến được trang bị tên lửa và pháo 100mm vô cớ tiến công các tàu vận tải của Hải quân nhân dân Việt Nam đang thực thi nhiệm vụ tại đây.

Bị tiến công bất ngờ trong tương quan lực lượng quá chênh lệch, các chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã ngoan cường và dũng cảm chiến đấu để bảo vệ đảo, giữ vững chủ quyền.

Mặc dù vậy, do chiếm ưu thế hơn hẳn về hỏa lực và trang bị phương tiện nên cuộc tiến công của hải quân Trung Quốc đã làm cho 3 tàu vận tải của Hải quân nhân dân Việt Nam bị cháy, bị chìm; 64 cán bộ, chiến sĩ anh dũng hy sinh, 9 người bị tàu hải quân Trung Quốc bắt đưa đi và nhiều người bị thương.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.