Bất động sản

Phó thống đốc NHNN cảnh báo rủi ro khi tín dụng chảy vào bất động sản

07/06/2022, 18:01

Theo Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú, việc dùng nguồn vốn cho vay ngắn hạn để cho vay bất động sản khiến các ngân hàng đứng trước rủi ro lớn.

Ngày 7/6, tọa đàm “Khơi thông nguồn vốn cho thị trường bất động sản” đã diễn ra tại TP.HCM với sự tham dự của đại diện nhiều ngân hàng, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Tọa đàm do Báo Thanh niên cùng Viện Kinh tế Xanh tổ chức.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM cho rằng, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay đó là tiếp cận nguồn vốn. Doanh nghiệp bất động sản hiện nay đang thiếu thanh khoản do các dự án không đưa ra được sản phẩm để bán.

img

Trong khi các doanh nghiệp bất động sản đang gặp khó về nguồn vốn thì người mua nhà ở thuộc dự án nhà xã hội cũng gặp khó về vấn đề vay vốn. Trong ảnh: Một dự án nhà ở tại huyện Nhà Bè (TP.HCM).

Dưới góc độ doanh nghiệp bất động sản, ông Nguyễn Minh Nhật, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn bất động sản Vạn Xuân cho biết, các kênh huy động vốn từ khách hàng, cổ phiếu, trái phiếu và từ các quỹ đầu tư, vốn từ ngân hàng… hiện nay đều đang vướng.

"Mỗi năm, chúng tôi tung ra thị trường khoảng 2.000 sản phẩm nhưng huy động vốn không hề đơn giản.

Các ngân hàng bảo cho vay bình thường nhưng doanh nghiệp chúng tôi thấy không bình thường. Để được vay, dự án, sản phẩm phải đủ điều kiện bán hàng, phải hoàn thiện xong phần móng, các hồ sơ pháp lý… Vậy, trong thời gian đó thì vốn ở đâu ra nếu không được vay?”, ông Nhật đặt vấn đề.

Ông Nguyễn Đình Vinh, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương VN- Vietinbank thông tin, Vietinbank không siết chặt hay thắt chặt cho vay bất động sản. Hiện nợ xấu cho vay bất động sản tại ngân hàng này chỉ chiếm 0,3% so với cho vay các nhóm khác.

Ông Vinh đề xuất giải pháp để khởi thông nguồn vốn bất động sản thì thị trường bất động sản cần minh bạch, tránh tình trạng các sàn giao dịch cấu kết làm giá, thổi sóng, đầu cơ…

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hương, Giám đốc Khối bán lẻ, Ngân hàng TMCP Phương Đông chia sẻ giải pháp khơi thông nguồn vốn bất động sản thông qua việc xác lập từng nhóm khách hàng có nhu cầu thật sự, từ đó xây dựng nhóm sản phẩm phù hợp.

“Chúng tôi xác định nhóm khách hàng chiến lược là nhóm khách hàng trẻ, mới lập gia đình, ra trường có việc làm… muốn mua nhà để ổn định”, ông Hương cho biết.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng VN đề nghị các doanh nghiệp bất động sản cần xác định nguồn vốn cần khơi thông ở đây là nguồn vốn nào, vốn vay từ ngân hàng, cổ phiếu, trái phiếu, vốn huy động từ khách hàng…

“Doanh nghiệp đầu tư dài hạn phải quan tâm vào thị trường vốn, chứ không phải lúc nào cũng vay ngân hàng. Chúng tôi kêu gọi các ngân hàng không nên cho vay đối với các dự án vừa vay vốn vừa làm thi công đường, điện, hạ tầng…”, ông Hùng đề nghị.

Trước thông tin về việc ngân hàng siết cho vay bất động sản, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định, Ngân hàng Nhà nước không kiểm soát các rủi ro của các doanh nghiệp bất động sản, chỉ kiểm soát rủi ro ở lĩnh vực ngân hàng.

Các ngân hàng thương mại được quyền quyết định chuyện cho vay bất động sản ở tất cả các dự án lớn, nhỏ. Ngân hàng Nhà nước chỉ quản lý, giới hạn mức cho vay đối với các dự án quá lớn để tránh tình trạng rót vốn quá nhiều vào một dự án, có thể xảy ra nợ xấu.

“Đầu tư bất động sản là đầu tư dài hạn nhưng lâu nay ngân hàng dùng nguồn vốn cho vay ngắn hạn để cho vay bất động sản. Chính điều đó đã làm cho các ngân hàng đứng trước nhiều rủi ro lớn.

Bong bóng bất động sản đã lên thì rất to nhưng khi xẹp xuống, phần còn lại chính là nợ xấu ngân hàng”, ông Tú nêu ý kiến.

Tại báo cáo phục vụ chất vấn vừa gửi Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện khoảng 94% dư nợ tín dụng bất động sản là cho vay trung, dài hạn (10-25 năm), trong khi nguồn huy động của ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn.

"Chênh lệch kỳ hạn và lãi suất giữa vốn, cho vay lĩnh vực này rủi ro rất lớn với các ngân hàng", báo cáo của Ngân hàng Nhà nước nêu.

Ngân hàng Nhà nước đánh giá đầu tư kinh doanh bất động sản là một trong các lĩnh vực rủi ro với hoạt động ngân hàng, cần có các giải pháp kiểm soát.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 4, tổng dư nợ bất động sản của các tổ chức tín dụng là hơn 2,28 triệu tỷ đồng, tăng 10,19% so với cuối năm 2021.

Mức này chiếm khoảng 20,44% tổng dư nợ với nền kinh tế, và tỷ lệ nợ xấu của lĩnh vực này khoảng 1,62%.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.