Chính trị

Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn: Đối ngoại sẽ kiến tạo động lực cho đất nước vươn mình

29/12/2024, 13:27

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, các hoạt động đối ngoại được triển khai chủ động, tích cực, đạt nhiều kết quả thực chất, đã tạo nên tầm vóc đối ngoại mới, tạo đà thuận lợi cho đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình.

Tầm vóc đối ngoại mới

Trả lời phỏng vấn báo chí, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đánh giá, năm 2024, trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, Việt Nam vẫn giữ vững cục diện đất nước hòa bình, ổn định và phát triển. Hơn nữa, Việt Nam được dư luận quốc tế coi là một trong những điểm sáng của khu vực.

"Các hoạt động đối ngoại được triển khai một cách chủ động, tích cực, đạt nhiều kết quả thực chất, tạo nên tầm vóc đối ngoại mới, tạo đà thuận lợi cho đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc", ông Sơn khẳng định.

Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn: Đối ngoại sẽ kiến tạo động lực cho đất nước vươn mình- Ảnh 1.

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chia sẻ tại cuộc phỏng vấn.

Nêu các thành tựu cụ thể, Phó thủ tướng cho biết, trong năm 2024, Việt Nam đã tiến hành tổng cộng 59 hoạt động đối ngoại, trong đó có 21 chuyến thăm tới các nước và tham dự các hội nghị đa phương; đón 25 đoàn lãnh đạo các nước thăm Việt Nam, ký kết mới hơn 170 thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực có nhu cầu và lợi ích.

Trong năm nay, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện với các đối tác lớn như Australia, Pháp, Malaysia, nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược với Brazil, thiết lập quan hệ đối tác toàn diện với Mông Cổ và UAE.

Bên cạnh đó, với việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Malawi, Việt Nam đã chính thức có quan hệ ngoại giao với tất cả các nước châu Phi, nâng các nước có quan hệ ngoại giao lên 194 nước

Kiều hối dự báo đạt 16 tỷ USD

Theo Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, một điểm sáng khác là ngoại giao kinh tế tiếp tục đóng góp tích cực vào những thành tựu kinh tế chung của đất nước dù kinh tế thế giới còn trong giai đoạn khó khăn.

Trong năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu dự kiến cán mốc kỷ lục mới hơn 800 tỷ USD; Việt Nam tiếp tục là một trong những nước tiếp nhận FDI lớn nhất thế giới; đón hơn 15,8 triệu lượt khách du lịch quốc tế trong 11 tháng đầu năm, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2023.

Ngoại giao kinh tế đã trở thành một nhiệm vụ cơ bản, trung tâm của ngoại giao và nội dung kinh tế đã trở thành một trọng tâm trong các hoạt động đối ngoại các cấp trong đó có đối ngoại cấp cao, các ngành với phương châm lấy người dân, doanh nghiệp và địa phương làm trung tâm phục vụ.

Gần 6 triệu người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại hơn 130 quốc gia là bộ phận không thể tách rời của dân tộc.

Nguồn đầu tư, kiều hối, tri thức của kiều bào thực sự là những nguồn lực quan trọng cho phát triển đất nước với 421 dự án FDI và tổng vốn đăng ký 1,72 tỷ USD tại 42/63 tỉnh, thành; nguồn kiều hối dự báo đạt 16 tỉ USD năm 2024.

Các hoạt động ngoại giao kinh tế và kinh tế đối ngoại đã thực sự tạo động lực cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn sau Covid-19 đến nay.

"Nếu nhìn lại bài học của các nước đi trước, của các "con rồng, con hổ" châu Á thì trong kỷ nguyên vươn mình, trọng tâm của ngoại giao kinh tế là làm thế nào đưa đất nước vào vị thế tối ưu trong các xu hướng, trào lưu phát triển chính của thế giới, qua đó mở rộng không gian phát triển và kiến tạo những cơ hội mới cho các đột phá chiến lược của đất nước", ông chia sẻ.

Thế giới đang đứng trước nhiều diễn biến phức tạp, khó lường và khó dự báo, nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội cho các quốc gia tận dụng các động lực tăng trưởng mới như kinh tế xanh, kinh tế số, khoa học công nghệ… để bứt phá.

Trong nước, với thế và lực mới sau gần 40 năm đổi mới và trước những yêu cầu cấp bách của thời đại, có thể nói đây là thời điểm hội tụ để đưa đất nước bước sang kỷ nguyên mới như Tổng Bí thư Tô Lâm đã phát biểu gần đây.

Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao, để tận dụng tốt những thời cơ này, chúng ta cần nhận thức sâu sắc rằng để đi vào kỷ nguyên mới, công tác ngoại giao kinh tế cần tiếp tục phát huy vai trò phục vụ doanh nghiệp, người dân và địa phương trên tinh thần hiệu quả hơn, sâu sắc hơn, thực chất hơn, tư duy nhạy bén, sáng tạo hơn.

Nhiệm vụ của đối ngoại, ngoại giao trong kỷ nguyên vươn mình

Chia sẻ về đối ngoại, ngoại giao Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn lời Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, đất nước ta đang đứng trước khởi điểm lịch sử mới.

"Việc đưa đất nước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình là phù hợp với xu thế của thời đại và thực tiễn, kinh nghiệm của các nước đi trước. Lịch sử phát triển của nhân loại đã chứng minh để một quốc gia vươn lên trong nền chính trị, kinh tế và văn minh thế giới đòi hỏi có sự bứt phá mạnh mẽ, tạo sự thay đổi căn bản về chất", Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nói.

Trong thế giới phụ thuộc lẫn nhau như ngày nay, sự ổn định và phát triển của các quốc gia đều không thể tách rời môi trường khu vực và quốc tế bên ngoài. Yếu tố bảo đảm cho sự vươn lên của dân tộc là môi trường chiến lược hòa bình, hữu nghị, hợp tác thuận lợi cho phát triển.

Do đó nhiệm vụ của đối ngoại là làm thế nào củng cố, giữ vững cục diện này vững vàng trước các biến động, tạo điều kiện cho đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới.

Bên cạnh đó, theo Phó thủ tướng, đối ngoại có thể đóng vai trò kiến tạo, động lực, mở ra các cơ hội mới cho đất nước vươn mình. Trong đó, đối ngoại đóng vai trò kết nối nội lực với ngoại lực, nội lực là cơ bản, lâu dài, ngoại lực là quan trọng, đột phá như nguồn lực về thương mại, đầu tư, ODA, là các xu thế phát triển và liên kết kinh tế...

Không chỉ vậy, Việt Nam có khả năng, điều kiện tham gia nhiều hơn nhưng cũng được kỳ vọng đóng góp nhiều hơn cho hoà bình, phát triển và giải quyết các vấn đề chung của nhân loại, góp phần xây dựng và bảo vệ trật tự quốc tế công bằng, bình đẳng dựa trên luật pháp quốc tế.

Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn chia sẻ thêm, tầm vóc lịch sử và văn hóa, vị thế chính trị và kinh tế của đất nước tạo điều kiện cho việc phát huy "sức mạnh mềm" của dân tộc.

Đồng thời, để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới đòi hỏi cần xây dựng nền đối ngoại, ngoại giao ngày càng toàn diện, hiện đại, chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu của giai đoạn mới.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.