Đường bộ

Truy rõ trách nhiệm nếu chậm triển khai thu phí không dừng

17/05/2022, 13:39

Tiến độ triển khai dự án thu phí tự động không dừng (ETC) hiện chưa đáp ứng yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ.

Đã hứa với dân thì phải làm

Sáng nay (17/5), Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã có buổi làm việc với Bộ GTVT và các đơn vị liên quan xử lý vướng mắc đối với việc triển khai hệ thống thu phí điện tử không dừng và các dự án BOT.

Đánh giá cao những nỗ lực của Bộ GTVT trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ của ngành, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định những công việc mà Bộ GTVT đang triển khai đạt được nhiều kết quả tích cực, nổi bật là dự án xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

img

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành

Về tiến độ dự án thu phí tự động không dừng, Phó Thủ tướng cho rằng, từ tháng 10/2021 đến nay, nhìn chung công tác triển khai đã có sự chuyển động tích cực.

Đơn cử như việc thúc đẩy dán thẻ ETC cho phương tiện, chỉ trong 7 tháng đã dán thêm được gần 2 triệu thẻ nâng tổng số xe dán thẻ đạt được lên trên 60%.

Nhấn mạnh đến mục tiêu đến ngày 30/6/2022 phải hoàn thành cơ bản hệ thống thu phí tự động không dừng, Phó Thủ tướng cho rằng chỉ rõ vẫn còn nhiều vướng mắc, nhất là đối với các dự án của Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc VN (VEC), tiến độ triển khai đang rất chậm so với yêu cầu.

"Thu phí không dừng là hình thức thu phí văn minh, hiệu quả, tiết kiệm nhân lực, tiết kiệm thời gian và đặc biệt tạo tính minh bạch, chống tiêu cực, ích nước lợi nhà và giúp người dân thuận tiện hơn khi tham gia giao thông. Do đó, Bộ GTVT và các cơ quan, đơn vị liên quan cần thực hiện nghiêm Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ, kết luận của Thủ tướng, Phó Thủ tướng, quyết tâm thực hiện, phải làm bằng được và không được chậm trễ", Phó Thủ tướng nói và nhấn mạnh: Tuyệt đối không thể đặt mục tiêu chung chung, đánh trống bỏ dùi. Nếu làm chậm phải thực hiện kiểm điểm trách nhiệm.

"Trong quá trình làm sẽ khó tránh có phát sinh khó khăn, bất cập nhưng khó ở đâu, phải gỡ ở đó. Phải tâm huyết, quyết tâm, nhận thức rõ việc này là vì lợi ích của người dân mà phấn đấu, cố gắng, nỗ lực thực hiện. Một mục tiêu cần phải đưa ra nhiều giải pháp và lãnh đạo phải thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo thực hiện”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.

“Đã hứa với nhân dân thì phải thực hiện, không thể làm nhân dân mất đi sự tin tưởng”, Phó Thủ tướng nói.

Đồng thời, để tăng lượng xe dán thẻ ETC, Phó Thủ tướng chỉ đạo phải tăng cường công tác tuyên truyền về thu phí không dừng đến người dân để nâng cao nhận thức của nhân dân về hình thức thu phí văn minh này.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, đối với thu phí không dừng, đến nay, Chính phủ đã có chỉ đạo quyết liệt và Bộ GTVT cũng đã chỉ đạo khẩn trương, yêu cầu các BOT phải thực hiện thu phí không dừng trước ngày 30/6/2022.

Đối với các dự án BOT và thu phí không dừng tại Việt Nam hiện có 3 nhóm: Nhóm đầu tiên do Bộ GTVT quản lý hiện đã được triển khai tương đối tốt. Nếu như trước đây, mỗi trạm bố trí ít nhất 2/4 làn thu phí ETC thì đến nay, Bộ GTVT đã chỉ đạo các nhà đầu tư lắp tất cả 3 trạm thu phí ETC và chỉ để 1 làn hỗn hợp.

Tuy nhiên, vẫn còn một vài trạm chưa lắp đủ số làn thu phí ETC như chỉ đạo do một số nguyên nhân liên quan đến ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến việc đặt hàng mua sắm các thiết bị bị kéo dài.

Nhóm thứ 2 do các địa phương quản lý, có 1 số trạm nằm trên các đường tỉnh, đô thị, quốc lộ, Chính phủ đã giao cho các nhà đầu tư ký trực tiếp với UBND tỉnh và thu phí trực tiếp, hiện nay hoạt động cũng khá hiệu quả.

Đối với những trạm chưa lắp đủ làn thu phí ETC theo chỉ đạo đến trước ngày 30/6/2022 sẽ dừng không cho thu phí, đến khi lắp xong mới cho thu phí trở lại.

Chỉ duy trì 1 cửa thu phí hỗn hợp tại mỗi chiều xe chạy

img

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu hoàn thành lắp đặt hệ thống thu phí ETC ở tất cả các làn vào tháng 6 năm nay - Ảnh minh họa

Trước đó, báo cáo Phó Thủ tướng về tiến độ triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng, ông Lê Kim Thành, Vụ trưởng Vụ đối tác công - tư (Bộ GTVT) cho hay, hiện nay, tất cả các trạm thu phí có lưu lượng giao thông lớn đều được lắp đặt toàn bộ thu phí không dừng (ETC) bảo đảm chỉ duy trì 1 làn hỗn hợp tại mỗi chiều xe chạy.

Tuy nhiên, còn 102 làn/23 trạm thu phí chưa đảm bảo yêu cầu này. Trong số đó có 38 làn/13 trạm do Bộ GTVT quản lý và 64 làn/10 trạm do địa phương quản lý.

Đối với các trạm do Bộ GTVT quản lý, nhà đầu tư BOT đã hoàn thành công tác chuẩn bị, tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 dẫn đến thời gian đặt hàng mua sắm thiết bị kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai.

Trong số 38 làn/13 trạm, có 24 làn/8 trạm nhà đầu tư cam kết hoàn thành trong tháng 6/2022, còn lại 14 làn/5 trạm có nguy cơ chậm tiến độ do thời gian nhập thiết bị kéo dài so với kế hoạch. Trong quá trình lắp đặt các làn thu phí còn lại, việc thu phí không dừng tại các trạm thu phí vẫn diễn ra bình thường do các trạm đã được lắp đặt số lượng lớn các làn thu phí ETC.

Đối với các trạm do địa phương quản lý, việc nhập thiết bị gặp nhiều khó khăn dẫn đến tiến độ triển khai bị kéo dài. Hiện các địa phương đều cam kết hoàn thành trước 30/6/2022, riêng 16 làn/2 trạm thu phí (Trạm An Sương An Lạc và Trạm Xa lộ Hà Nội) do UBND TP.HCM quản lý có khả năng sẽ bị chậm tiến độ.

"Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt các nhà đầu tư BOT lắp đặt các làn thu phí còn lại đảm bảo tại mỗi trạm thu phí chỉ tồn tại 1 cửa thu phí hỗn hợp tại mỗi chiều xe chạy. Đồng thời, có chế tài dừng thu phí hoặc yêu cầu đóng các làn thu phí chưa lắp đặt thu phí không dừng nếu chậm tiến độ", ông Thành nói.

Về tiến độ dán thẻ, ông Thành cho hay, số lượng phương tiện tham gia dán thẻ trong thời gian qua tăng rất khả quan, đến thời điểm này có khoảng gần 3 triệu phương tiện tham gia dịch vụ, chiếm hơn 65% tổng số phương tiên trên toàn quốc. Phấn đấu trong năm 2022, số lượng phương tiện dán thẻ đạt từ 80 - 90% là khả thi.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.