Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản 206, thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại buổi làm việc về báo cáo bổ sung làm rõ một số nội dung của Quy hoạch điện VIII theo công văn 3787của Bộ Công thương, diễn ra ngày 15/7/2022.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Công thương rà soát, báo cáo bổ sung Chính phủ các dự án điện than, khí đã có trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh đến nay không đưa vào dự thảo Quy hoạch điện VIII theo yêu cầu thực hiện các cam kết tại COP26 có đảm bảo tính pháp lý không.
Điện mặt trời phát triển bùng nổ vào năm 2020
Đối với việc xem xét đưa lại dự thảo Quy hoạch điện VIII 2.428,42 MW công suất điện mặt trời đã có trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh, Phó Thủ tướng yêu cầu cần chia ra các nhóm dự án là đã hoàn thành đầu tư xây dựng; Đã cấp đất và ký hợp đồng mua sắm thiết bị; Đã có chủ trương đầu tư và đã cấp đất; Đã có chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai thủ tục cấp đất.
“Cần xác định sơ bộ chi phí, thiệt hại của từng nhóm dự án nêu trên nếu không tiếp tục triển khai; Phân tích rõ sự phù hợp, không phù hợp của từng dự án theo các quy định của pháp luật”, văn bản nêu rõ.
Liên quan tới các dự án điện khí LNG nhập khẩu, trong dự thảo Quy hoạch điện VIII thì năng lực nhập khẩu khí LNG đến năm 2030 khoảng 14-18 tỷ m3 và tổng công suất nguồn điện quy hoạch đến năm 2030 là 146.000 MW.
Tuy nhiên, theo mục tiêu Nghị quyết số 55-NQ/TW có nêu “đủ năng lực nhập khẩu khí tự nhiên hoá lỏng LNG khoảng 8 tỷ m3 vào năm 2030 và 15 tỷ m3 vào năm 2045”, “tổng công suất của các nguồn điện đến năm 2030 đạt khoảng 125.000-130.000 MW”.
“Do vậy, Bộ Công thương cần có quan điểm về nội dung trên có cần báo cáo, xin ý kiến Bộ Chính trị hay không?”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Các vấn đề trên được Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương khẩn trương bổ sung, làm rõ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 21/7/2022.
Tại văn bản 3787, Bộ Công thương cho biết, việc đề xuất làm tiếp gần 2.430 MW điện mặt trời là để tránh tranh chấp pháp lý với chủ đầu tư.
Cụ thể, Bộ này kiến nghị, tiếp tục cho phép triển khai để đưa vào vận hành trong giai đoạn đến năm 2030, các dự án, hoặc phần dự án đã hoàn thành thi công với tổng công suất khoảng 452,62 MW và các dự án đã được quy hoạch, đã được chấp thuận nhà đầu tư với tổng công suất khoảng 1.975,8 MW nhưng chưa vận hành.
Trước đó, Bộ này tính toán, trong vòng 10 năm tới (từ 2021-2030) không đưa vào quy hoạch phát triển điện mặt trời và giãn tiến độ các dự án đã có trong quy hoạch giai đoạn trên (tổng công suất 6.200 MW) song chưa triển khai, sang giai đoạn sau 2030.
Còn về quy hoạch điện khí LNG nhập khẩu, Bộ Công thương kiến nghị, Thủ tướng Chính phủ cân nhắc sự cần thiết xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị hoặc hướng dẫn của Ban Kinh tế Trung ương về các chỉ tiêu nêu trên trước khi phê duyệt Quy hoạch điện VIII.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận