Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Chủ tịch Uỷ ban chỉ đạo quốc gia về cơ chế một cửa ASEAN, cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại (Uỷ ban 1899) đã nhấn mạnh như vậy khi chủ trì phiên họp lần thứ 4 nhằm kiểm điểm kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2018 và phương hướng triển khai công tác năm 2019, sáng 19/2.
Theo báo cáo, trong năm 2018, cả nước có 13 bộ, ngành mới hoàn thành 173 thủ tục hành chính kết nối với cơ chế một cửa quốc gia (đạt 97% so với mục tiêu của Nghị quyết số 19/2018/NQ-CP), giải quyết 1,9 triệu hồ sơ của khoảng 27.000 doanh nghiệp.
Bên cạnh triển khai liên thông các thủ tục hành chính tại cảng biển, thuỷ nội địa, các bộ, ngành cũng triển khai cơ chế một cửa quốc gia tại các cảng hàng không quốc tế trên cả nước.
Không ban hành văn bản “cắt giảm” nhưng lại “đẻ” ra thủ tục khác
Lãnh đạo cơ quan thường trực của Uỷ ban, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết trong năm 2018 nhìn chung các bộ, ngành đã có chuyển biến tích cực trong thực hiện, tạo ra đột phá khi trong 5 tháng cuối năm đã triển khai thêm 100 thủ tục mới, tiếp tục mang lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp.
“Bộ GTVT, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong việc triển khai các thủ tục hành chính trên Cơ chế một cửa quốc gia và đạt kết quả rất tốt. Đặc biệt, Bộ GTVT và Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thành 100% theo kế hoạch”, bà Mai đánh giá.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá các bộ, ngành đã đạt được mục tiêu đặt ra trong năm 2018 là có chuyển biến căn bản trong thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại.
Tuy vậy, Phó Thủ tướng cho rằng vẫn còn nhiều tồn, tại vướng mắc như số lượng thủ tục hành chính triển khai mới chưa đáp ứng được yêu cầu của Thủ tướng, cần phải tập trung khắc phục để góp phần đưa đất nước bứt phá, phát triển toàn diện trong năm 2019.
Theo đó, việc phối hợp giữa các đơn vị từ khâu thống nhất quy trình chỉ tiêu thông tin phát triển phần mềm và kết nối hệ thống thông tin giữa Một cửa quốc gia với các bộ, ngành còn hạn chế.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết: “Thường trực Chính phủ đã bàn và tính tới việc nếu để các bộ, ngành trực tiếp thực hiện Chính phủ điện tử, Chính phủ số và những dạng công nghệ thông tin thế này thì hiệu quả rất hạn chế. Nên chăng chuyển sang thuê dịch vụ về công nghệ thông tin để tư nhân làm với các yêu cầu bảo mật, an ninh, kỹ thuật kết nối”.
Bên cạnh đó, tiến độ phát triển nâng cấp hạ tầng mạng, thiết bị không theo kịp tốc độ triển khai dẫn đến một số thời điểm hệ thống quá tải, không đáp ứng kịp với giao dịch phát sinh.
Qua trực tiếp khảo sát ở một số địa phương, Phó Thủ tướng cho rằng số lượng hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành còn chiếm tỷ trọng lớn, việc cắt giảm danh mục hàng hóa quản lý và kiểm tra chuyên ngành còn nhiều hạn chế, chưa bảo đảm tốt hai mục tiêu tạo thuận lợi thương mại đi kèm với chống gian lận thương mại.
“Quan điểm không phải cắt giảm lấy được để báo cáo thành tích mà phải đạt được cả hai mục tiêu trên, tăng cường khả năng quản lý, phối hợp các bộ, cơ quan với nhau và với Tổng cục Hải quan. Có những điều kiện, thủ tục kinh doanh không phải và không đáng phải cắt giảm hoặc buộc phải giữ để bảo đảm quản lý nhà nước mà lại cắt giảm đi là phải rà soát lại. Ngược lại khi ban hành văn bản “cắt giảm” nhưng lại “đẻ” ra thủ tục, điều kiện khác, đây là điều phải lưu ý”, ông Huệ nêu quan điểm.
Đặc biệt với kiểm tra chuyên ngành, Phó Thủ tướng nhấn mạnh nguyên tắc: “Bộ nào không ban hành được trình tự, thủ tục, tiêu chuẩn, quy chuẩn kiểm tra thì không được phép kiểm tra chuyên ngành, phải chấm dứt và bãi bỏ chuyện này. Nếu không sẽ dẫn tới bộ nào cũng có quyền kiểm tra”.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý, không chuyển tất cả từ tiền kiểm sang hậu kiểm, có những hàng hóa bắt buộc phải tiền kiểm nhưng phải quy định rõ trình tự, thủ tục, thời hạn, nội dung, tiêu chí, cách thức kiểm tra.
Ngoài ra, trong năm 2019, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính và các bộ, ngành phải tính đến bài toán nhân sự, quy trình, thủ tục, công nghệ, hạ tầng, đáp ứng yêu cầu phát triển lâu dài, kết nối một cửa quốc gia với ASEAN và quốc tế, đồng thời phải có giải pháp để người dân và cộng đồng doanh nghiệp giám sát chặt chẽ lĩnh vực này.
Cắt giảm kiểm tra chuyên ngành nhưng phải tạo thuận lợi cho quản lý NN
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết nhiều mặt hàng bộ quản lý đã bãi bỏ kiểm tra hải quan chuyên ngành như mỹ phẩm,… tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, Bộ Y tế cho rằng thực hiện cắt giảm kiểm tra chuyên ngành vẫn còn bất cập, khó quản lý, xác định chất lượng hồ sơ ở “luồng xanh”.
“Như vụ VNPharma, trong 4 năm liền, họ làm giả hồ sơ nhập khẩu thuốc dùng thuốc kém chất lượng mà không ai biết, không quản lý được gây nguy hiểm cho xã hội. Chỉ khi xảy ra việc thì mới xác định được hồ sơ giả thì muộn”, ông Cường nói về thực tế đã qua và đề nghị phải xác định rõ các mặt hàng nào cần phải quản lý, không thể bỏ thủ tục kiểm tra chuyên ngành, nhất là liên quan tới thực phẩm.
Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cho rằng thực hiện cơ chế một cửa và cắt giảm kiểm tra chuyên ngành cần bảo đảm được nhiệm vụ của hải quan và cũng phải tạo thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước của các bộ ngành. Muốn vậy, ông Hưng yêu cầu phải kết nối tốt Hải quan với các bộ, ngành thật, giảm bớt việc gửi công văn qua đường bưu điện, rút ngắn thời gian xử lý.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận