Thời sự

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: “Chúng ta đã có của ăn của để”

04/02/2019, 06:21

Với tình hình như hiện nay, nếu đẩy mạnh giải ngân đầu tư công thì tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế sẽ tốt hơn.

img
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ

Nhân dịp đầu xuân mới Kỷ Hợi 2019, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ có cuộc trò chuyện với Báo Giao thông, nhìn lại tất cả những thành quả và cả những tồn tại của năm 2018, để phấn đấu tốt hơn, tạo không khí phấn khởi hơn trong năm 2019.

Có “của ăn của để”, tăng chi cho đầu tư phát triển

Năm 2018 được xem là một năm đất nước gặt hái nhiều thành công. Những con số nào thể hiện toàn diện sự thành công này, thưa Phó Thủ tướng?

Năm 2018 chúng ta đã thắng lợi toàn diện, hoàn thành 12/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, trong đó có 9 chỉ tiêu vượt, nhiều chỉ tiêu đạt mức kỷ lục trong vòng 5-10 năm trở lại đây. Điển hình như tăng trưởng GDP cao nhất trong 11 năm qua. Do tăng trưởng khá nên quy mô nền kinh tế tăng khá nhanh, năm 2016 là 4,6 triệu tỷ đồng thì nay là 5,5 triệu tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người suýt soát 2.600 USD/người, tăng gần 200 USD so với năm 2017.

Chỉ số CPI cũng được kiểm soát trong 3 năm liên tiếp dưới 4%. Cả năm nay, bình quân CPI là 3,54%. Điều thú vị là sau rất nhiều năm chúng ta mới có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao đúng gấp 2 lần tỷ lệ lạm phát. Vì thế tăng trưởng càng có ý nghĩa hơn...

Đến giờ phút này, ngân sách chúng ta vượt thu hơn 100 nghìn tỷ ở cả T.Ư và địa phương (T.Ư vượt khoảng trên 30 nghìn tỷ, địa phương vượt hơn 70 nghìn tỷ). Thu nội địa và thu xuất nhập khẩu đều tăng. Năm nay, chúng ta đã có “của ăn của để”, có thêm dư địa để tăng chi cho đầu tư phát triển, tích luỹ để cải cách tiền lương, thêm nguồn lực cho an sinh xã hội và quốc phòng, an ninh.

Ngoài ra, tỷ trọng chi thường xuyên lần đầu tiên xuống dưới 62% (lâu nay là trên 70%), tỷ trọng chi cho đầu tư phát triển tăng lên 27%. Do cân đối tốt về thu chi nên bội chi ngân sách 2018 thấp hơn chỉ tiêu Quốc hội giao, nợ công lần đầu tiên kéo xuống dưới 61%.

img
Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (thành phần cao tốc Bắc - Nam) - Ảnh: Đoàn Nguyên

“Gỡ vướng”, đẩy nhanh cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành

Việc lâu nay chúng ta không có quy định ràng buộc trách nhiệm trực tiếp của tổ chức, cá nhân với hiệu quả dự án đầu tư công, đặc biệt trong trường hợp đầu tư gây thất thoát, lãng phí… có phải là nguyên nhân dẫn đến những yếu kém trong đầu tư công kéo dài mà không được khắc phục, thưa Phó Thủ tướng?

Quan trọng là phải rõ ràng về luật pháp, quy định rõ khâu nào là hậu kiểm, khâu nào tiền kiểm, trách nhiệm của ai, thủ tục thế nào, cần chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Ngay cả ở khâu cần phải tiền kiểm cũng phải quy định rõ nội hàm của nó ai làm, bao giờ xong, không để cán bộ “ôm” hồ sơ, “ngâm” hồ sơ và chậm giải quyết các trình tự và thủ tục.

Tinh thần phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các bộ, ngành, địa phương. Đặc biệt, phải quy được trách nhiệm của người thực thi và người đứng đầu. Lần này, chính Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính đã đề nghị xem xét và bãi bỏ hoặc tích hợp các thủ tục về thẩm định nguồn vốn vào việc xem xét, quyết định cho chủ trương đầu tư.

Tất cả những việc này nếu được Quốc hội chấp thuận chắc chắn sẽ tạo chuyển biến trong giải ngân vốn đầu tư công.

Nghị quyết 01 Chính phủ vừa ban hành nhấn mạnh cần khẩn trương thực hiện những dự án giao thông trọng điểm như cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành. Nhưng thực tế lại đang vướng mắc do quy trình, thủ tục đầu tư công quá phức tạp, rườm rà khiến “có tiền không tiêu được”. Chính phủ sẽ tháo gỡ điểm nghẽn này thế nào, thưa Phó Thủ tướng?

Đồng thời với gỡ vướng mắc về thể chế bằng Nghị định của Chính phủ sửa đổi các Nghị định hướng dẫn liên quan đến đầu tư công, Chính phủ vừa rồi cũng trình Quốc hội sửa đổi một số luật theo tinh thần Luật Đầu tư công sửa đổi. Tất nhiên còn căn cứ vào tình hình thực tiễn và quyết định của Quốc hội, nhưng tôi cho rằng không quan trọng về hình thức mà quan trọng là chúng ta sẽ sửa đổi, bổ sung thế nào để đáp ứng yêu cầu, quản lý được đầu tư công, tăng cường tiến độ giải ngân, nâng cao hiệu quả, đó là mục đích cuối cùng.

Trong Nghị quyết 01 của Chính phủ cũng nói nhiều đến việc khơi thông các động lực tăng trưởng, một trong những việc cần làm là giải quyết các vướng mắc về thủ tục đầu tư, đẩy nhanh các công trình trọng điểm quốc gia như cao tốc Bắc - Nam phía Đông, sân bay quốc tế Long Thành và nhiều dự án hạ tầng khác ở cả cấp T.Ư và địa phương. Với tình hình như hiện nay, nếu đẩy mạnh giải ngân đầu tư công thì tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế sẽ tốt hơn. Nếu ta giải ngân được sớm vốn đầu tư năm ngoái kết hợp giao vốn, triển khai sớm vốn của quý I năm nay thì tình hình tăng trưởng năm 2019 ngay những tháng, quý đầu năm sẽ khả quan hơn.

Liên quan vấn đề về tổ chức thực hiện, Thủ tướng nói rất nhiều lần, tại sao cùng một mặt bằng pháp luật như nhau mà có bộ ngành giải ngân tốt nhưng có nơi lại làm kém hơn. Nghị quyết 01 lần này đã tăng áp lực với các bộ, ngành địa phương, đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu. Nghị quyết nêu rõ sẽ công khai tỷ lệ giải ngân hàng tháng của các bộ, ngành, địa phương và xử lý trách nhiệm của các đơn vị, nhất là người đứng đầu giải ngân chậm vốn đầu tư công.

Không còn biên chế suốt đời, xóa bỏ mọi chính sách đặc thù về tiền lương

Chúng ta đã trải qua rất nhiều đợt cải cách nhưng đến nay hầu như “lương vẫn chưa đủ sống”. Hội nghị T.Ư 7 đã ban hành Nghị quyết 27 về cải cách chính sách tiền lương, điều này sẽ mang lại những khác biệt gì căn bản, thưa Phó Thủ tướng?

Nghị quyết 27 của Hội nghị T.Ư 7 về cải cách chính sách tiền lương nhấn mạnh quan điểm: “Tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống của công chức, viên chức”. Và có xác định từ nay đến năm 2020, chúng ta tiếp tục tăng tiền lương cơ sở mỗi năm 7% theo Nghị quyết của Quốc hội, để đến năm 2021 bắt đầu cải cách căn bản chế độ tiền lương, theo nguyên tắc trả lương theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo.

Nghị quyết xác định phương châm hành động năm 2019 là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”. Nếu năm 2018 là năm “bản lề” thì năm 2019 phải “bứt phá” để về đích, để có thể hoàn thành nhiệm vụ phát triển KT-XH của cả giai đoạn 2016 - 2020. Vấn đề quan trọng nhất là cần phải có nỗ lực vượt bậc, ý chí quyết tâm, tinh thần “bứt phá”, nhất là trong tổ chức thực hiện ở mọi ngành mọi cấp, trong từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, phải tạo động lực và áp lực trách nhiệm lên từng cá nhân, nhất là người đứng đầu trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH, tài chính, ngân sách năm 2019.

Có mấy việc rất quan trọng cần làm ngay là muốn trả lương theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thì cần xây dựng, phê duyệt Đề án vị trí việc làm. Nghị quyết T.Ư cũng nhấn mạnh phải đảm bảo tinh giản biên chế. Trước đây có tình trạng một số cơ quan, đơn vị phê duyệt đề án vị trí việc làm nhưng sau khi phê duyệt, tổng số người làm việc trong cơ quan, đơn vị lại cao hơn hiện tại, như vậy là không đúng mục tiêu.

Đồng thời, phải thực hiện theo Nghị quyết 18 và 19-NQ/TƯ của Hội nghị T.Ư 6 khóa XII về tăng cường sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế và sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập, nâng cao hiệu quả hoạt động các đơn vị sự nghiệp công. Tinh giản biên chế mỗi năm bình quân là 2,5%. Trước đây cái này rất khó nhưng mấy năm gần đây ta làm rất quyết liệt.

Năm 2019, chúng ta sẽ giao chỉ tiêu chi ngân sách Nhà nước trên cơ sở chỉ tiêu biên chế mà Bộ Nội vụ công bố, tạo áp lực cho các địa phương phải nghiêm túc thực hiện tinh giản biên chế. Các địa phương đang tiếp tục sắp xếp rất mạnh mẽ các đơn vị tổ dân phố, rồi đơn vị cấp thôn, bản, rồi tới đây tiếp tục xem xét sắp xếp thận trọng, quyết liệt với đơn vị hành chính cấp xã và một số đơn vị hành chính cấp huyện, nếu không đủ điều kiện quy mô về dân số, diện tích. Làm như vậy, chúng ta sẽ tiết kiệm chi thường xuyên và tích luỹ được khá nhiều nguồn lực cho cải cách tiền lương.

Trong lĩnh vực đơn vị sự nghiệp công cũng vậy, những viên chức tuyển mới sẽ không thực hiện chế độ hợp đồng viên chức suốt đời mà thực hiện chế độ hợp đồng lao động. Đồng thời sẽ chấm dứt chế độ công chức, trừ ở các vị trí lãnh đạo đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ cho các cơ quan Đảng và cơ quan quản lý nhà nước.

Đối với nguồn lực tài chính, ngoài các nguồn lực trước đây, Nghị quyết T.Ư yêu cầu tăng phần vượt thu cho ngân sách địa phương và giữ ít nhất 40% tăng thu của ngân sách T.Ư để thực hiện cải cách tiền lương đến năm 2021.

Ngoài tiền lương và phụ cấp, Nghị quyết T.Ư cũng quy định thủ trưởng các cơ quan được sử dụng 10% quỹ lương để trả lương, phân phối cho cán bộ, công chức, viên chức theo kết quả phân loại xếp hạng, hiệu quả chất lượng công tác, tạo động lực cho cải cách hành chính, công chức, công vụ, làm cho bộ máy hoạt động hiệu quả, hiệu lực hơn.

Trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.