Năm 2021, Phó Thủ tướng yêu cầu đổi mới phương thức tuần tra, kiểm soát, tập trung vào các khung giờ thường xảy ra TNGT đặc biệt nghiêm trọng để kịp thời phát hiện vi phạm - Ảnh minh họa
Giảm TNGT từ 5 - 10% cả 3 tiêu chí
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình vừa ký ban hành kế hoạch Năm An toàn giao thông 2021.
Mục đích của Năm An toàn giao thông 2021 nhằm nâng cao hiệu lực và hiệu quả công tác quản lý nhà nước và hoạt động thực thi pháp luật trong đảm bảo ATGT. Bên cạnh đó nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng.
"Năm 2021, thực hiện mục tiêu giảm từ 5 - 10% số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông (TNGT) so với năm 2020; giảm TNGT đặc biệt nghiêm trọng; giảm TNGT liên quan đến xe kinh doanh vận tải. Đồng thời, từng bước khắc phục ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính, các đầu mối giao thông trọng điểm và tại các đô thị lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh", kế hoạch nêu rõ.
Để thực hiện được các mục tiêu trên, năm An toàn giao thông năm 2021 tập trung vào 9 nhiệm vụ trọng tâm như: hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách về đảm bảo ATGT, chống ùn tắc giao thông; lồng ghép mục tiêu ATGT, tránh ùn tắc giao thông trong các đề án, chiến lược, quy hoạch cấp quốc gia, cấp tỉnh, thành phố, các dự án đầu tư tạo ra nhu cầu giao thông vận tải lớn. Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự ATGT, trật tự đô thị.
Kế hoạch cũng tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước về GTVT, xây dựng, đất đai và du lịch có liên quan đến nhiệm vụ đảm bảo an toàn và chống ùn tắc giao thông; nâng cao năng lực, hiệu lực của lực lượng tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm ATGT.
Liên quan đến hạ tầng, kế hoạch năm An toàn giao thông năm 2021 yêu cầu đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng đầu tư xây dựng, nâng cấp hạ tầng giao thông, gắn với duy tu, đảm bảo ATGT và khai khác hiệu quả công tình hiện hữu; nâng cao hiệu quả bảo vệ hành lang ATGT.
Đối với vận tải, sẽ tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu dịch vụ vận tải, nâng cao chất lượng, năng lực và giảm giá để thu hút hành khách, hàng hóa sử dụng vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không; đẩy nhanh tiến độ đầu tư, phát triển và khuyến khích người dân đi lại bằng vận tải công cộng trong đô thị, vùng tỉnh và liên tỉnh.
Cũng trong năm 2021, Ủy ban ATGT Quốc gia yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đối với quản lý, điều hành, tổ chức, hướng dẫn giao thông cũng như hỗ trợ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm.
"Năm 2021, thực hiện đồng bộ các giải pháp hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân. Quản lý chặt hoạt động xây dựng đảm bảo việc đầu tư xây dựng mới hoặc điều chỉnh, sắp xếp các khu công nghiệp, đô thị, trung tâm thương mại... trong đô thị phù hợp với năng lực kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải công cộng. Bên cạnh đó là nâng cao năng lực và chất lượng dịch vụ cấp cứu, chữa trị và phục hồi sức khỏe cho nạn nhân TNGT", kế hoạch nêu rõ.
Đảm bảo an toàn hạ tầng, xử nghiêm vi phạm
Liên quan đến nhiệm vụ cụ thể của từng Bộ, ngành, Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban ATGT Quốc gia chủ động tham mưu chi Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp đảm bảo ATGT trong các dịp cao điểm, lễ, Tết và xử lý các vấn đề phát sinh; triển khai các chuyên đề về bảo vệ hành lang ATGT, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, đăng kiểm phương tiện, kiểm soát tải trọng phương tiện, an toàn trong lĩnh vực hàng không và vận tải pha sông biển.
Bộ GTVT đẩy nhanh tiến độ và siết chặt quản lý chất lượng các dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các dự án trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông; cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, Bến Lức - Long Thành, cầu Mỹ Thuận 2; Cảng hàng không quốc tế Long Thành; các dự án nâng cấp đường sắt quốc gia; các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
"Bộ GTVT thực hiện kế hoạch bảo trì kết cấu hạ tầng hiện hữu, xử lý dứt điểm, kịp thời các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT mới phát sinh; xây dựng đường gom, xoá lối đi tự mở; kịp thời xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT do ban ATGT các địa phương, lực lượng CSGT và người dân phát hiện và kiến nghị. Khẩn trương ứng dụng khoa học công nghệ để giám sát và tự động đánh giá, sát hạch cấp Giấy phép lái xe, trong đó tập trung hoàn thành thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học thực hành lái xe; nâng cao hiệu quả trong kiểm soát tải trọng bằng hệ thống cân tự động", Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an nâng cao hiệu lực, hiệu quả tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự ATGT, tập trung xử lý các hành vi có nguy cơ gây TNGT cao như: lái xe khi trong cơ thể có nồng độ cồn, ma tuý; vi phạm chở hàng hoá quá tải trọng phương tiện, quá số người quy định; không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy, xe đạp điện; không thắt dây an toàn khi ngồi trên xe ô tô và các hành vi khác là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông. Trong đó, riêng các chuyên đề kiểm soát vi phạm nồng độ cồn, ma túy cần phân tích kỹ nguyên nhân, bố trí lực lượng nắm địa bàn, đổi mới phương thức tuần tra, kiểm soát, tập trung vào các khung giờ thường xảy ra TNGT đặc biệt nghiêm trọng (từ 18 giờ đến 5 giờ sáng) để kịp thời phát hiện vi phạm.
"Bộ Công an điều tra, xử nghiêm các trường hợp sản xuất, mua bán, sử dụng các loại giấy tờ giả của phương tiện và giấy phép lái xe giả, giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa; các hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật trong quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về ATGT. Tiếp tục mở rộng lắp đặt camera hỗ trợ xử phạt vi phạm giao thông và kết nối với camera bảo đảm an ninh trật tự trên các tuyến quốc lộ, các tuyến đường chính trong đô thị, các địa điểm phức tạp về trật tự ATGT", Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận