Đường bộ

Phó Thủ tướng: Một dự án cao tốc về đích sớm, cả vạn dân được hưởng lợi

11/12/2021, 14:52

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chia sẻ tại hội nghị giao ban trực tuyến trên công trường dự án cao tốc Bắc - Nam...

Sáng nay (11/12), tại tỉnh Nghệ An diễn ra Hội nghị giao ban trực tuyến công trường triển khai dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì hội nghị.

Tham dự có Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, Thứ trưởng Lê Đình Thọ, lãnh đạo các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An và 10 điểm cầu khác.
img

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu chính ở tỉnh Nghệ An

Tiếp tục kiến nghị cơ chế đặc thù về vật liệu

Báo cáo Phó Thủ tướng, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, công tác GPMB các dự án thành phần bắt đầu thực hiện từ tháng 6/2019, đến nay đã cơ bản hoàn thành. Khối lượng hoàn thành, bàn giao 652,395km/652,86km mặt bằng; di dời 501 vị trí/737 vị trí đường điện, 25.259m/40.232m đường ống nước và 57.535m/91.828m cáp viễn thông.

Khối lượng còn lại không nhiều, hiện chỉ còn cục bộ một số vị trí với tổng chiều dài khoảng 0,465km (chiếm 0,07% chiều dài tuyến), một số khu TĐC và một số công trình hạ tầng kỹ thuật đang được các địa phương tích cực triển khai thực hiện. Lũy kế giá trị giải ngân cho GPMB đến nay đạt hơn 12.664 tỷ đồng /15.044,98 tỷ đồng chi phí GPMB, tương đương 84,2%.

img

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đặt ra các yêu cầu về đổi mới công nghệ, rút ngắn tiến độ đối với các nhà thầu.

"Để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án, Bộ GTVT đề nghị thời gian tới, các địa phương tiếp tục đầy nhanh tiến độ thực hiện để giải quyết dứt điểm và hoàn thiện thủ tục để giải ngân hết kế hoạch vốn cho công tác GPMB năm 2021; tiếp tục thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại Thông báo số 283, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 60 và Nghị quyết số 133 cấp phép, nâng công suất khai thác các mỏ đất đắp nền đường", Thứ trưởng Thọ nói.

Báo cáo Phó Thủ tướng, các Ban QLDA và các đơn vị thi công cho biết: Hiện nay đang là thời gian “vàng” để thi công, đặc biệt là giai đoạn làm nền, móng. Về mặt bằng đã cơ bản được giải quyết, khó khăn nhất vẫn là các mỏ vật liệu (mỏ đất).

img

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ báo cáo tình hình GPMB và triển khai thi công của dự án

“Tập đoàn Sơn Hải hiện đang thi công nhiều gói thầu trong tổng thể 11 dự án thành phần. Dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45 thi công hầm Tam Điệp đã thông, vượt tiến độ. Dự án Nghi Sơn - Diễn Châu thi công hầm Trường Lâm và 5km đường, cần tới 700.000 khối đất đắp.

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 60 và Nghị quyết 133, nhà thầu đã liên hệ với địa phương để được tạo điều kiện. Tuy nhiên, hiện tại vẫn đang thiếu khoảng 600.000 khối. Tương tự, gói thầu Nha Trang - Cam Lâm, các thủ tục về mỏ vật liệu vẫn chưa xong, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ”, ông Nguyễn Viết Hải, Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hải cho biết.

Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc - Tư lệnh Binh đoàn 12, cho biết thêm: "Hiện nay giá đất đắp theo hồ sơ là 90.000 đồng/m3, tuy nhiên trên thực tế mua tại công trường lên đến 140.000 đồng/m3. Thực trạng vừa thiếu, vừa đắt này ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công và tài chính của các nhà thầu".

img

Ông Nguyễn Viết Hải - Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hải cho biết: đơn vị đang thiếu rất nhiều đất đắp nền làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công.

"Chính phủ và các bộ ngành cần có cơ chế riêng về nguồn vật liệu đối với dự án cao tốc nói riêng và các công trình trọng điểm quốc gia sử dụng ngân sách nói chung. Thay vì thực hiện theo cơ chế thị trường, cần bố trí riêng các mỏ dành cho thi công cao tốc. Mỏ này chỉ thu thuế tài nguyên môi trường mà không cần thu các loại phí khác. Giải pháp này vừa giảm thời gian cấp thủ tục, vừa tiết kiệm ngân sách cho nhà nước. Đơn cử nếu áp dụng cho các công trình cao tốc Bắc Nam do Binh đoàn đang thực hiện sẽ có thể tiết kiệm được hơn 300 tỷ đồng", Đại tá Ngọc kiến nghị.

Áp dụng công nghệ, đẩy nhanh tiến độ

Chỉ đạo tại buổi giao ban, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhấn mạnh: "Đường cao tốc Bắc - Nam là dự án trọng điểm quốc gia mà Quốc hội, Chính phủ quyết tâm hoàn thành trong nhiệm kỳ này. Giai đoạn 1, đang được triển khai, còn giai đoạn 2 Chính phủ đã trình và đã được Thường vụ Quốc hội thông qua".

img

Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc - Tư lệnh Binh đoàn 12 đề nghị có cơ chế riêng để tính tiền đất đắp để vừa tiết kiệm, vừa dễ dàng trong thủ tục cấp phép.

Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, các tuyến quốc lộ hiện hữu đã quá tải, trong khi gần chục năm nay chúng ta mới có chưa đến 500km cao tốc. Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai 1 và giai đoạn 2 sẽ có thêm khoảng hơn 1.400km nữa. Thế nhưng, hiện nay khối lượng thi công vẫn được rất ít, trong khi thời gian thực hiện dự án chỉ còn 4 năm nữa.

"Thực tế chứng minh, cao tốc đi đến đâu, kinh tế xã hội địa phương đó phát triển; nhân dân phấn khởi; vị thế của địa phương được nâng lên... Chính vì sự quan trọng và cấp bách này mà Chính phủ mới thực hiện giao ban công trường với các địa phương, Ban QLDA và đơn vị thi công mỗi tháng một lần", Phó Thủ tướng nói.

Về khó khăn nguồn vật liệu, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng, chỉ trong thời gian ngắn Chính phủ đã có 2 Nghị quyết (Nghị quyết số 60/NQ-CP và Nghị quyết số 133/NQ-CP) để tháo gỡ 1 vấn đề cho các địa phương. Thế nhưng, đến nay các địa phương chỉ mới đạt được 50 triệu m3 đất, vẫn còn thiếu khoảng 15 triệu m3 đất nữa.

img

Vấn đề thiếu vật liệu, mỏ đất đắp nền vẫn xảy ra ở một số địa phương

“Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ rất rốt ráo, các địa phương, đơn vị để chậm là không được. Phải tìm mọi cách tháo gỡ hết, làm ngày làm đêm, “cơm nắm, muối vừng” mà làm. Chúng ta ngồi đó mà bấm tính, rồi thủ tục này, hồ sơ nọ thì 2 Nghị quyết của Chính phủ còn giá trị gì. Tôi đề nghị các địa phương chưa cấp đủ đất phải tìm mọi cách để rút ngắn thời gian, phải tìm hiểu tại sao các địa phương khác đã cấp đủ rồi mà mình còn chậm”, Phó Thủ tướng nói.

Hiện tại đang vào mùa khô, rất thuận lợi cho việc thi công, đặc biệt là giai đoạn đắp nền đường. Nếu không có đủ đất thì máy móc, công nhân đến đâu cũng sẽ bị chậm tiến độ vì còn phải có thời gian xử lý nền đất yếu, bù lún... để đảm bảo chất lượng.

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng cũng nhắc nhở các Ban QLDA, nhà thầu thi công phải xắn tay vào cùng với các địa phương để đẩy nhanh tiến độ trong các thủ tục cấp mỏ. Từ Chính phủ đến các địa phương đã rất nỗ lực thì Ban QLDA, nhà thầu không thể ngồi 1 chỗ. Đây cũng là bài học, cần rút kinh nghiệm để triển khai dự án trong giai đoạn 2.

Bên cạnh vấn đề mỏ đất, Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh đến chất lượng công trình. Làm phải đúng, chắc, đến đâu hoàn thành đến đó, không dàn trải để tránh trường hợp lãng phí. Để đạt kết quả này, phải tăng cường áp dụng công nghệ vào thi công.

img

Ông Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết: Hiện việc cấp phép mỏ ở Nghệ An đã vượt khối lượng đề ra, công tác GPMB cũng đang được gấp rút hoàn thiện.

“Ngay từ lập hồ sơ thầu cần phải tính toán sử dụng công nghệ xây dựng hiện đại để đẩy nhanh tiến độ. Hiện nay đã có đơn vị xây dựng làm 1 tầng nhà trong vòng 1-2 ngày thì sao chúng ta phải cần đến 28 ngày mới tháo dỡ cốt pha?. Tư vấn, địa phương, nhà thầu cần thay đổi tư duy để đẩy nhanh tiến độ, công trình được hoàn thành sớm chừng nào, sớm đưa vào sử dụng thì giá trị mang lại lớn chừng đó. Một công trình trên cao tốc hoàn thành, cả vạn dân được hưởng lợi”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh và đề nghị Bộ GTVT cần tổ chức cuộc họp với đơn vị tư vấn, các nhà thầu, địa phương để bàn kỹ về vấn đề này.

“Không thể trên nóng, dưới không làm”

Cảm ơn những chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ, cũng như sự đồng hành, chia sẻ của các bộ, ban, ngành và các địa phương, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, sau khi nắm được khó khăn, vướng mắc về mỏ đất, Chính phủ đã liên tiếp ban hành 2 Nghị quyết và các địa phương đã rất nỗ lực vào cuộc. Tuy nhiên, hiện tại cũng mới chỉ có khoảng 50/65 triệu khối đất để phục vụ dự án.

"Chúng ta cần nhìn nhận thẳng thắn, sòng phẳng với nhau. Bởi đây là vấn đề khó khăn, nan giải nhất và cũng là mấu chốt để đạt được tiến độ thi công hay không. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết, các bộ, ngành, địa phương cũng đã vào cuộc quyết liệt nhưng vẫn còn thiếu 15 triệu khối đất nữa. Tại sao không thể giải quyết 15 triệu khối này cùng lúc với 50 triệu khối trước đó?", Bộ trưởng nêu câu hỏi.

img

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh: "Không thể trên nóng, dưới không làm"

Bộ trưởng cũng cho rằng, từ thực tiễn của tỉnh Bình Thuận thấy rằng, vai trò, trách nhiệm của Ban QLDA là rất lớn, nhưng khâu kết nối, phối hợp lại chưa được tốt. "Tôi đề nghị các Ban QLDA, nhà thầu rút kinh nghiệm vì làm việc chưa tới nơi, tới chốn. Các đơn vị phải chủ động đồng hành cùng địa phương để làm song song các thủ tục… địa phương mới hỗ trợ tối đa được cho mình", Bộ trưởng yêu cầu.

Dự án Cao tốc Bắc - Nam là công trình trọng điểm của quốc gia. Chính phủ đã rất quan tâm và bỏ ra không biết bao nhiêu tiền bạc để triển khai. Không thể trên nóng, dưới không chịu làm. Vấn đề này, Bộ GTVT cũng xin rút kinh nghiệm và thứ 2 này sẽ họp để chấn chỉnh kể từ khâu lập hồ sơ, khảo sát… trong quá trình triển khai dự án giai đoạn 2 sắp tới.

Về chất lượng công trình, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh: “Chất lượng là hàng đầu, làm tới đâu chặt tới đó, làm đúng nhất, tốt nhất… Dự án sau 10 năm vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm nếu chúng ta vi phạm".

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.