ĐB Nguyễn Anh Trí chất vấn Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về đặc khu |
Chiều 6/6, chất vấn Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, ĐB Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) nêu câu hỏi: “Nếu Quốc hội thông qua Luật Đặc khu thì Chính phủ sẽ căn cứ tiêu chí tuyển chọn cán bộ, nhất là người đứng đầu như thế nào?”.
Trả lời đại biểu, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: "Đã là đặc khu thì cái gì cũng phải đặc biệt, cán bộ cũng phải đặc biệt. Trong dự thảo Luật đã đề xuất quy trình lựa chọn Chủ tịch đặc khu theo hướng Chủ tịch tỉnh giới thiệu, Bộ Nội vụ thẩm định, HĐND bầu và Thủ tướng phê chuẩn. Với quy trình chặt chẽ như thế, chắc chắn chúng ta sẽ chọn người đủ đức, đủ tài chèo lái đặc khu”.
Cũng liên quan tới vấn đề đặc khu, ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đặt câu hỏi: “Với tầm nhìn của một giáo sư kinh tế, một uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng đánh giá nếu lập 3 đặc khu kinh tế thì mức độ phát triển như thế nào đối với địa phương đó? Đề nghị Phó Thủ tướng phân tích giữa sự phát triển kinh tế của 3 đặc khu đó với sự ổn định về an ninh quốc phòng và sự vẹn toàn của lãnh thổ đất nước theo thời gian 10 năm, 100 năm và lâu hơn nữa”.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trả lời chất vấn chiều 6/6 |
Theo Phó Thủ tướng, trên thế giới, việc thành lập các đặc khu là để tạo ra các nơi để thử nghiệm thể chế, tạo sự tăng trưởng. “Dự luật hiện Quốc hội đang thảo luận, chúng ta tính toán lợi ích kinh tế, thu hút đầu tư, quốc phòng an ninh. Hà Nội và TP.HCM bao giờ cũng là đầu tàu và động lực của cả nước, rồi 7 vùng kinh tế trọng điểm tiếp tục cơ chế chính sách phát huy thế mạnh của vùng làm lan toả địa phương và vùng khác. Ra đời đặc khu không tác động gì về quan điểm, nguồn lực tập trung cho hai đầu tàu và 7 vùng kinh tế trọng điểm”, Phó Thủ tướng phân tích.
Chưa hài lòng với câu trả lời này, ĐB Nguyễn Anh Trí tiếp tục đứng lên tranh luận: "Bằng tất cả sự kính trọng, tôi không hài lòng với câu trả lời của Phó Thủ tướng. Vấn đề tôi muốn hỏi ở đây là rồi đây Bắc Vân Phong, Vân Đồn, Phú Quốc sẽ phát triển tới mức nào nếu chúng ta cho làm đặc khu? Tôi muốn Phó Thủ tướng thông tin cho dân biết? Thứ hai nữa là việc phát triển đặc khu như thế thì vấn đề an ninh toàn vẹn lãnh thổ sẽ được tính như thế nào?”.
Trước câu hỏi này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: "Dự thảo Luật Đặc khu đang được bàn thảo, muốn trả lời thì phải có thông tin đầy đủ, cặn kẽ, xin cho Phó Thủ tướng trả lời bằng văn bản”.
Bên ngoài hành lang Quốc hội, trao đổi với PV Báo Giao thông, ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) chia sẻ tới thời điểm này ông vẫn rất băn khoăn về việc xây đặc khu.
"Chúng tôi có cảm giác khi xây dựng các đặc khu này chúng ta mới nhìn mặt tích cực, thành công của các nước bạn chứ chưa xem thất bại từ các đặc khu đó nó như thế nào. Theo tôi, thành công và thất bại sẽ là 50 – 50, do đó chúng ta cần có sự thận trọng không thể mang ra thử nghiệm được, đặc biệt đó lại là 3 đặc khu có giá trị “bờ xôi, ruộng mật” được triển khai cùng một lúc. Một điều quan trọng nữa, đó là vấn đề liên quan đến an ninh quốc phòng khi cả 3 đặc khu trên đều liên quan trực tiếp tới Biển Đông, nó giống như một cái bình phong".
Theo Đại biểu Đồng Nai, nên tiến hành thử nghiệm một đặc khu sau đó mới tính mở rộng mô hình này ra hai địa phương còn lại.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận