Hỏi:
Cả tuần nay, Hà Nội nồm ẩm, gia đình tôi ai cũng húng hắng ho và chảy nước mũi. Mong bác sĩ cho lời khuyên để phòng bệnh hô hấp trong tiết trời như hiện nay?
Nguyễn Thị An (Hà Nội)
Ảnh minh họa
PGS. TS. BS. Chu Thị Hạn, Phó chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam trả lời:
Nồm ẩm làm cho đồ đạc, sàn nhà luôn trong trạng thái ẩm ướt, môi trường lý tưởng để các loại nấm mốc, virus, vi khuẩn sinh sôi mạnh, ảnh hưởng đến sức khỏe cả trẻ em và người lớn.
Vào mùa nồm, không khí trong nhà lưu thông kém hơn bình thường nên dễ tích tụ nhiều bào tử nấm mốc và vi sinh vật, gây kích ứng đường thở khi hít phải.
Thời tiết trong ngày thay đổi liên tục từ mưa sang hửng nắng, chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm lớn khiến cơ thể khó thích nghi kịp nên càng dễ nhiễm bệnh.
Phổ biến nhất là các bệnh hô hấp như viêm họng, viêm mũi dị ứng, viêm xoang, cơn hen cấp, đợt cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).
Trẻ em dưới 5 tuổi, người già, người có bệnh nền, có hệ miễn dịch yếu là những đối tượng dễ nhiễm bệnh.
Để khắc phục tình trạng nồm ẩm, bảo vệ đường thở các gia đình nên thực hiện như sau: Bật điều hòa ở chế độ khô hoặc dùng máy hút ẩm, duy trì độ ẩm không khí trong nhà ở mức 40-60%.
Ngoài ra, có thể đặt trong nhà các nguyên liệu tự nhiên có tính hút ẩm cao như: Than củi, baking soda…
Nếu đi ngoài trời mưa cần chú ý giữ ấm tay, chân, cổ, tránh để những bộ phận này nhiễm lạnh. Khi đã uống rượu, bia tuyệt đối không ra ngoài trời lạnh.
Đồ uống có cồn khiến cơ thể bị hạ thân nhiệt, nếu tiếp xúc với không khí lạnh rất dễ bị cảm, viêm phổi nặng, thậm chí đột quỵ, nguy hiểm tính mạng.
Khi có triệu chứng hô hấp như: Ho, sổ mũi, sốt, đau họng… người bệnh cần đi khám để chẩn đoán chính xác bệnh, không tự ý mua thuốc kháng sinh, thuốc hạ sốt để điều trị, không dùng lại đơn thuốc cũ. Những người có bệnh mãn tính cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ và các biện pháp kiểm soát bệnh tốt.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận