Toàn bộ nhân viên bệnh viện đều có kết quả âm tính
Sáng 30/3, GS.TS. Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc BV Bạch Mai khẳng định: "Nhân viên y tế BV Bạch Mai không phải là nguồn lây nhiễm Covid-19. Toàn bộ nhân viên bệnh viện đều có kết quả âm tính".
Tính đến nay, BV Bạch Mai phong tỏa được 2 ngày, ông Tuấn cho biết: "Thực tế hiện nay tại bệnh viện khá khó khăn. Chúng tôi đã nhờ Bộ Y tế, UBND TP Hà Nội và các ban ngành để có các giải pháp cùng hỗ trợ".
Theo đó, số lượng người có mặt tại BV khoảng gần 3.500 người. Trong đó có 800 bệnh nhân không thể xuất viện hoặc chuyển tuyến dưới, 552 bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối cần chạy thận, 4 kíp liên tục; còn lại là cán bộ nhân viên y tế và khoảng 100 người nhà bệnh.
Bệnh viện cấp mọi vật dụng cá nhân cho 3.500 người
Hiện 3.500 con người trong bệnh viện không thể đi ra ngoài mua sắm đồ dùng, vật dụng cá nhân. Mọi cái từ nhỏ nhất như bàn chải, kem đánh răng đều do bệnh viện cấp. Nhưng có một bất cập rất lớn là các chuyến hàng do BV đặt hay do nhân dân cả nước chuyển đến để hỗ trợ cho bệnh viện đều rất khó để có thể qua được chốt kiểm soát của công an. Dù rằng BV đã bố trí lực lượng tiếp nhận ngay tại cổng viện rồi mới dùng phương tiện trung chuyển đến các khoa.
Thứ hai là vấn đề dinh dưỡng cho người bệnh và các nhân viên y tế trong bệnh viện. Nhà ăn của bệnh viện chính là nguồn lây nhiễm, BV đã phong tỏa khu nhà ăn và cách ly toàn bộ người làm việc tại đây.
Để có các xuất ăn cho nhân viên tế và người bệnh, BV đã liên hệ một công ty chuyên cung cấp xuất ăn cho hàng không. Tuy vậy, vẫn còn nhiều hạn chế về dinh dưỡng để đảm bảo sức khỏe cho nhân viên y tế phải làm việc 24/7. Bên cạnh đó, còn các xuất ăn bệnh lý cho bệnh nhân tiểu đường, bệnh nhi, bệnh nhân ăn qua sonde…
Bác sỹ, nhân viên y tế sẽ không trụ được lâu
"Đáng buồn hơn nữa, chúng tôi cần các bác sĩ đang ở nhà vào bệnh viện hỗ trợ, nhưng tại nơi cư trú, họ bị địa phương ra quyết định cách ly tại nhà. Như vậy, tại mặt trận Bạch Mai này, chúng tôi đang thiếu đội ngũ bác sĩ, thiếu vật dụng sinh hoạt hàng ngày như điều kiện ăn uống, nghỉ ngủ.
Khi không được tái sản xuất sức lao động đầy đủ, đội ngũ nhân viên y tế trong bệnh viện sẽ không trụ được lâu. Các bác sĩ của chúng tôi nếu không được vào bệnh viện để điều trị, làm việc thì chúng tôi không đảm bảo chất lượng điều trị được như mong muốn. Đây là một vấn đề rất nóng, chúng tôi cần được sự hạ nhiệt từ lãnh đạo, từ các đồng nghiệp để ai trong chúng tôi cũng đủ sẵn sàng, minh mẫn điều trị, chăm sóc sức khỏe cho người bệnh", ông Tuấn chia sẻ.
Được biết, ngay tối 28/3, Bộ Quốc phòng đã cho nhiều xe chở 631 người nhà bệnh nhân đến vùng cách ly. Và lập ngay 2 khu bệnh viện dã chiến trong khuôn viên Bệnh viện Bạch Mai để ứng phó với tình huống xấu nhất có thể xảy ra.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận