Xã hội

Phóng viên và chuyện “cân não” mỗi khi cầm bút

20/06/2023, 10:08

Cách ứng xử và quyết định viết hay không viết, viết theo góc độ nào để không ảnh hưởng đến nhân vật của mình khiến nhiều phóng viên trăn trở.

Trên đường tác nghiệp, cách ứng xử và quyết định khi viết hay không viết về một vấn đề nào đó, nếu viết thì viết theo góc độ nào để không ảnh hưởng đến nhân vật của mình… khiến nhiều phóng viên trăn trở, thậm chí áp lực.

Đó là lúc phóng viên thực sự nghĩ về tính nhân văn khi làm báo.

Trăn trở từ điểm nóng

img

Phóng viên Phan Nhơn tác nghiệp trong đợt tiễn lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam đi làm nhiệm vụ ở Nam Sudan

Trong gần 15 năm làm báo, nhà báo Phạm Văn Hải (PV Đài Tiếng nói Việt Nam) từng tham dự và đưa tin rất nhiều sự kiện quan trọng ở khu vực ĐBSCL. Nhưng có lẽ, việc đưa tin vụ bé trai 10 tuổi lọt trụ bê tông có đường kính 25cm ở Đồng Tháp gần đây là điều khiến anh trăn trở nhiều nhất. Và cũng từ đó, anh rút ra được nhiều bài học trong nghề.

Sự việc xảy ra những ngày cuối cùng của năm 2022, cận kề Tết Nguyên đán càng được dư luận đặc biệt quan tâm. Nhận tin báo, anh chỉ dặn dò vội vợ con vài câu rồi nhảy lên chiếc xe máy, từ Cần Thơ lao đến điểm nóng ngay trong đêm.

“Trên đường đi, cơ quan liên tục gọi cập nhật tình hình. Tôi cũng sốt ruột lắm vì đánh giá được tính nghiêm trọng và sự quan tâm của dư luận về vấn đề này”, anh Hải nhớ lại.

Từ ban đầu là giải cứu bé trai 10 tuổi, sau đó chuyển sang dần làm thế nào để đưa thi thể bé lên. Gần một tuần, anh Hải và hàng chục phóng viên báo đài khác túc trực ở hiện trường đưa tin.

“Việc tường thuật một bản tin ở hiện trường không phải quá khó khăn. Nhưng đưa thế nào để có một bản tin hay, nhân văn trong câu chuyện này mới là vấn đề”, anh chia sẻ.

Thời điểm đó, thông tin bên lề vụ việc tràn lan trên mạng xã hội, cuộc sống, đời tư của gia đình nạn nhân, những mối quan hệ được mổ xẻ, những thông tin sặc mùi dị đoan cũng được lan truyền.

“Trong luồng cảm xúc của dư luận đó, có những ý kiến trách móc vai trò người làm cha, làm mẹ để con trai phải lang thang nhặt phế liệu, tung tin thất thiệt về cậu bé. Họ quên rằng, nỗi đau nhất lúc đó thuộc về cha mẹ nạn nhân. Trong khi đó, hàng trăm con người đang nỗ lực từng ngày để đưa cậu bé lên trên”, anh Hải kể.

Trước một rừng thông tin, anh phải tỉnh táo để truyền tải những thông điệp nhân văn của vụ việc, không tìm hiểu, xác minh những thông tin bên lề về gia đình nạn nhân.

Bởi làm vậy, chẳng khác nào xát muối lên vết đau của những người ở lại. Chạy theo dư luận lúc đó thật bất nhẫn.

Trách nhiệm với bạn đọc

img

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa động viên nhà báo Nguyễn Nhật Huy cùng các đồng nghiệp tại hiện trường vụ bé trai 10 tuổi lọt trụ bê tông. Ảnh: Nguyễn Việt

Cũng túc trực ở hiện trường vụ việc trên để đưa tin, nhà báo Nguyễn Nhật Huy (PV Báo Tiền phong) chia sẻ: “Chúng tôi phải có trách nhiệm với bạn đọc của mình nhưng cũng phải định hướng cho họ. Những thông tin bên lề như một miếng bánh hấp dẫn mà chúng tôi phải biết nó sẽ rất ngon nhưng không thể ăn”.

Theo anh Huy, dư luận luôn quan tâm những câu chuyện bên lề cũng như cách họ hào hứng với những scandal vậy. Nhưng những thông tin đó không làm bản chất sự việc thay đổi.

“Mặc dù để xuất bản một bản tin, chúng tôi phải qua nhiều quy trình, nhưng là phóng viên trực tiếp tại hiện trường, tôi có trách nhiệm cao nhất với bản tin. Yêu cầu cao nhất là phải chính xác”, anh Huy nói.

Trong một vụ việc khác, thông tin xuất phát từ mạng xã hội về câu chuyện chị B.T.T.G. (36 tuổi) ở huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang sau 3 năm làm dâu ở tỉnh Hải Dương đã phải nhận 205 vết sẹo lớn nhỏ vì bị chồng bạo hành. Thông tin này gây rúng động trên mạng xã hội.

Bảo Kỳ, nữ phóng viên trẻ của báo Dân trí - một trong những người tiếp cận chị G. sớm nhất kể lại: “Cùng là phái nữ, khi nghe câu chuyện của chị G. tôi thương cảm và phẫn nộ nhiều lắm. Nhưng khi chắp bút viết bài, tôi phải biết nên làm gì. Những thông tin nhạy cảm của vụ việc này, tôi ghi nhận được nhiều hơn những gì mình viết. Tôi không thể đưa hết, vì nhân vật còn cả cuộc đời phía trước”.

Khó xử vì đẩy nhân vật vào thế khó

Với PV Phan Nhơn, Kênh VOV Giao thông, câu chuyện khiến anh day dứt lại là lần đẩy nhân vật vào thế khó.

Trước và sau Tết Nguyên đán 2023, nhóm phóng viên VOV Giao thông triển khai đề tài về thực trạng hơn 1,3 triệu người từ miền Tây lên các khu đô thị ở miền Đông Nam bộ để làm đủ các nghề sinh sống trong suốt một thập kỷ qua. Mục đích là muốn kể câu chuyện của những số phận công nhân đang mắc kẹt giữa đô thị, từ đó khơi gợi câu chuyện hướng tới sự thay đổi về chính sách.

“Chúng tôi tìm đến rạch Gò Dưa, phường Tam Bình, TP Thủ Đức - nơi có hơn 20 hộ gia đình cất chòi làm nghề trồng, hái, bào rau muống để bán cho các chợ. Mỗi kí họ kiếm được khoảng 2.000 đồng. Mỗi gia đình làm nhiều lắm cũng chỉ kiếm được gần 200.000 đồng/ngày.

Thế nhưng, chúng tôi không lường trước được phản ánh của mình làm liên lụy, đẩy cuộc sống họ thêm khó khăn. Bởi, những căn chòi họ ở tạm bợ xây dựng trên đất nông nghiệp là không đúng pháp luật. Điều này đụng chạm đến chính quyền sở tại.

Sau khi báo đăng, chính quyền đã đến xác minh. Chủ đất, người cho những nông dân này dựng tạm các chòi để ở trong nhiều năm qua, bị xử phạt với số tiền không nhỏ. Công việc kiếm sống của những người trú ngụ ở đây bỗng nhiên khó khăn hơn trước”, anh Nhơn kể.

Anh cho rằng, chính ê-kíp trong quá trình tác nghiệp đã phần nào bất cẩn, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của họ, dù đã tính toán rất nhiều góc độ lợi - hại đến nhân vật, nguồn tin mà mình phản ánh.

“Đây là một tình huống có thể nói khó xử nhất tôi từng gặp. Đó cũng là bài học làm nghề mà chúng tôi đúc rút ra”, anh nói và chia sẻ, nếu được viết lại, chắc chắn cách thức triển khai sẽ khác, không làm khó các nhân vật của mình như vậy.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.