Nhạc sĩ Hồng Đăng vừa được trao Giải thưởng Lớn ở Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội. Đây là giải thưởng có uy tín, trao cho người "có những cống hiến suốt đời cho Hà Nội bằng các tác phẩm, ý tưởng, việc làm xuất sắc, bằng sự gắn bó máu thịt với Hà Nội trong cả cuộc đời và sự nghiệp của mình".
Vì vấn đề sức khỏe, nhạc sĩ Hồng Đăng không thể đến nhận giải. Phu nhân của ông là bà Lê Anh Thúy đã thay mặt chồng tới nhận giải thưởng.
Bà Lê Anh Thúy (áo dài xanh) lên nhận Giải thưởng Lớn ở Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội. Ảnh: TTVH
Hà Nội là mảng quan trọng trong sáng tác
Cảm xúc của bà như thế nào khi lên nhận giải thưởng của chồng mình- nhạc sĩ Hồng Đăng?
Gia đình tôi rất bất ngờ và xúc động vì đây là giải thưởng do Ban tổ chức tự chọn, và chắc chắn đã được cân nhắc rất nhiều. Tôi nghĩ, những người đóng góp cho Hà Nội thì có rất nhiều, và với việc trao giải thưởng lần này, Ban tổ chức đã ghi nhận những đóng góp của nhạc sĩ Hồng Đăng.
Chồng tôi rất vui vì những đóng góp của mình được ghi nhận. Tuy không phải người sinh ra ở Hà Nội nhưng ông ấy đã gắn bó với Hà Nội từ thời tuổi trẻ, là công dân Hà Nội gần 70 năm. Chỉ tiếc vì sức khỏe yếu nên ông ấy không đi nhận giải được.
Gia đình xin cảm ơn họa sĩ Bùi Xuân Phái, một người đàn anh và cũng là một trong những người yêu Hà Nội đắm đuối. Tên của danh họa Bùi Xuân Phái cũng là tên của giải thưởng tiêu biểu cho tình yêu Hà Nội, đó thực sự là điều rất đáng khích lệ đối với giới nghệ sĩ.
Nhạc sĩ Hồng Đăng có bao giờ chia sẻ về tình yêu Hà Nội với bà?
Đó là thành phố gắn bó với chồng tôi cả đời. Từ năm 1954, ông đã tới Hà Nội. Lần đầu bước vào một thành phố phồn hoa, đô hội nên có nhiều cảm xúc mạnh. Ông ấy cũng là người đi nhiều, viết nhiều nhưng trong mảng sáng tác, biển và Hà Nội là hai mảng đề tài rất quan trọng, để lại nhiều dấu ấn.
“Hoa sữa” có phải sáng tác tâm đắc nhất của nhạc sĩ Hồng Đăng không, thưa bà?
Nghệ sĩ nào cũng tâm đắc với những đứa con tinh thần của mình. Ai cũng muốn đứa con tinh thần của mình sẽ được công chúng đón nhận. Và một khi điều đó đạt được, đó chắc chắn là niềm vui lớn nhất đối với người nghệ sĩ.
“Hoa sữa” thực ra là bài hát viết cho phim “Hà Nội mùa chim làm tổ”. Viết một ca khúc nhạc phim rất khó và tốn công sức, vì bài hát sẽ dùng làm giai điệu chủ đề cho phim.
Thời điểm đó, chồng tôi cứ băn khoăn mãi về bộ phim, lại là phim đầu tay của chị Đức Hoàn. Một hôm, nhà thơ Hương Trâm gợi ý về một loại hoa của Hà Nội có mùi thơm đặc trưng. Trong khoảnh khắc đó, chồng tôi đã bắt được “tia chớp” đó và viết nên “Hoa sữa”. Đó là ca khúc gọn gàng, nhỏ nhắn.
Nhưng rồi sau đó, khi hát lên, ai cũng thấy có tình yêu của mình ở đó. Chắc vì thế nên mọi người đem hoa sữa đi khắp nơi trồng!
Nhạc sĩ Hồng Đăng có nhiều sáng tác về Hà Nội như "Hoa sữa", "Kỷ niệm thành phố tuổi thơ"...
Người ta nói, bà là “từ điển sống” về âm nhạc của nhạc sĩ Hồng Đăng, điều đó có đúng không, thưa bà?
Chồng tôi làm việc rất nhanh và viết cũng đa dạng. Nhưng ngặt nỗi, mỗi khi sáng tác xong, nếu là người khác thì họ tập trung dàn dựng, quảng bá, còn ông ấy lại bỏ qua một bên và làm việc khác. Đó là lý do những ca khúc của ông phải rất lâu mới được công chúng đón nhận.
Giống như bài “Hoa sữa”, dù phim được đông đảo công chúng yêu mến nhưng bài hát mãi lâu sau mới được nhiều người biết đến, cho đến một ngày ca sĩ Nhã Phương hát ở trong Sài Gòn. Từ đó, bài hát mới lan ngược lại ra Hà Nội.
Vì chồng tôi cứ viết xong lại vứt đó nên các ca khúc của ông tôi phải gom lại, phải xem, giữ gìn. Tôi giữ một kho tư liệu khổng lồ các nhạc phẩm do chồng sáng tác. Những tổng phổ nhạc phim của ông ấy có khi lên tới hàng chục tập.
Trong mắt bà, âm nhạc của chồng mình như thế nào?
Với nghệ sĩ, mỗi tác phẩm đều là kết tinh của những cảm xúc, trải nghiệm của họ trong cuộc sống. Cuộc sống của chồng tôi long đong nên các bài hát cũng đặc biệt hơn, luôn chất chứa rất nhiều cảm xúc. Và thế hệ học trò của ông sau này cũng vậy, rất đặc biệt, được công chúng yêu mến, có thể kể đến như nhạc sĩ như Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Nguyễn Cường….
Vợ nhạc sĩ Hồng Đăng mang giải thưởng về cho chồng. (Ảnh: Nguyễn Đình Toán)
Người nhạc sĩ lịch lãm, yêu vợ con
Điều gì ở ông xã mà bà trân trọng nhất?
Đó là người tử tế, nhân hậu, ấm áp và lịch lãm, lúc nào cũng yêu quý vợ con, chẳng bao giờ hằn học hay nói xấu ai. Với con riêng của tôi hay gia đình tôi, ông ấy đều rất chu đáo và tinh tế.
Người tài thì nhiều nhưng ông ấy là người tốt. Có lẽ vì sinh ra trong gia đình trí thức Tây học nên chồng tôi bị ảnh hưởng khá nhiều bởi văn hóa phương Tây. Với phụ nữ, lúc nào ông ấy cũng chu đáo, hay thích tặng quà cho người khác.
Tôi nhớ có lần ông ấy đi Nhật, mua cho tôi móc chìa khóa 10 USD. Tôi bảo sao không để cho tôi ép 10 USD làm móc chìa khóa. Ông ấy bảo “Móc chìa khóa giá 10 USD không ai có, chứ hàng ép thì ai chẳng có”!
Ông ấy ngô nghê trong chuyện tiền bạc lắm, không giỏi làm kinh tế. Nói ra ai cũng buồn cười chứ tiền tác quyền của ông ấy có lẽ thấp nhất Hội nhạc sĩ. Mỗi quý chỉ được khoảng 3-4 triệu! Ngay thời kỳ ca khúc “Biển hát chiều nay” sục sôi nhất, cũng chỉ được từng đó tiền tác quyền.
Ông ấy chỉ thích những thứ xinh xắn. Và có lẽ, với ông ấy, lãi nhất là được đi nhiều nơi, có bạn bè ở khắp các lĩnh vực.
Ông ấy không may mắn trong đời sống riêng, lại có một thời gian dài phiêu bạt nên với ông ấy, cuộc sống gia đình rất quý giá. Do đó khi chúng tôi sống với nhau, cuộc sống rất yên ổn.
Bà có thể chia sẻ, sức khỏe của nhạc sĩ Hồng Đăng hiện tại ra sao?
Bây giờ, chồng tôi có tuổi nên mỗi khi trái gió trở trời cũng hay chuyển bệnh. Mấy hôm trước thời tiết đẹp, ông ấy cũng khỏe. Khi Ban tổ chức giải Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội thông báo, ông ấy cũng muốn đi nhưng đúng hôm đó thời tiết thay đổi nên vẫn còn mệt đến hôm nay.
Cách đây khoảng 2 năm, ông ấy còn viết nhạc nhưng giờ sức khỏe cũng yếu hơn, cộng thêm dịch bệnh không đi đâu được nên không có cảm xúc để viết nhạc, vì thế nên lâu rồi chồng tôi cũng không sáng tác nữa.
Cảm ơn bà!
Giải thưởng “Bùi Xuân Phái - Vì Tình yêu Hà Nội” ra đời từ năm 2008, nhân kỷ niệm 85 năm ngày sinh của danh họa Bùi Xuân Phái. Giải thưởng do báo Thể Thao & Văn hóa cùng gia đình cố danh họa tổ chức.
Giải thưởng tôn vinh những tác giả, tác phẩm, việc làm, ý tưởng có hàm lượng nghệ thuật và khoa học cao, gắn bó với các mặt của đời sống Hà Nội và thấm đượm một tình yêu Hà Nội.
Giải có 4 hạng mục gồm Giải thưởng Lớn, Giải Tác phẩm, Giải Ý tưởng, Giải Việc làm. Trong đó, Giải thưởng Lớn là giải quan trọng nhất của Giải thưởng “Bùi Xuân Phái - Vì Tình yêu Hà Nội”.
Giải này được trao cho người có những cống hiến suốt đời cho Hà Nội bằng những tác phẩm, ý tưởng, việc làm xuất sắc, bằng sự gắn bó máu thịt với Hà Nội trong cả cuộc đời và sự nghiệp của mình.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận