Quản lý

“Phù phép” xe kinh doanh vận tải: Thu hồi phù hiệu xe dùng giấy tờ giả

24/09/2024, 08:08

Sở GTVT Hà Nội yêu cầu 3 hợp tác xã liên quan đình chỉ hoạt động và thu hồi phù hiệu đối với những xe làm giả giấy tờ. Lãnh đạo Trung tâm Đăng kiểm 2930D cũng cho biết, đã chấn chỉnh các nhân viên sau loạt bài đăng trên Báo Giao thông.

Dừng cấp phù hiệu các đơn vị được phản ánh

Từ ngày 11 - 17/9, Báo Giao thông đăng loạt bài điều tra 3 kỳ "Thâm nhập đường dây "phù phép" xe kinh doanh vận tải", lật tẩy thủ đoạn làm giấy tờ giả của một số tài xế công nghệ không muốn chuyển sang biển số màu vàng, vẫn giữ biển số màu trắng để chở khách.

“Phù phép” xe kinh doanh vận tải: Thu hồi phù hiệu xe dùng giấy tờ giả- Ảnh 1.

Loạt bài điều tra 3 kỳ "Thâm nhập đường dây "phù phép" xe kinh doanh vận tải" đăng trên Báo Giao thông.

Theo đó, với tổng chi phí trọn gói 6 triệu đồng, một chiếc xe biển trắng bình thường sẽ được "phù phép" bằng cách mua một chiếc biển số màu vàng giả, sau đó bằng nhiều thủ đoạn dễ dàng "hô biến" đăng ký xe, dùng giấy khám sức khỏe giả để qua mặt cơ quan chức năng. Hồ sơ giấy tờ sau đó được đưa lên website của Sở GTVT Hà Nội xin cấp phù hiệu xe hợp đồng. 

Những động thái của Sở GTVT Hà Nộilà khá kịp thời, tuy nhiên việc này mới chỉ dừng lại ở việc xử lý về mặt hành chính. Báo Giao thông sẽ chuyển hồ sơ, tài liệu liên quan trong loạt bài phản ánh đến cơ quan công an để tiếp tục làm rõ.

Tài xế có nhu cầu, hay sức khỏe không đảm bảo, thậm chí nghiện ma túy không muốn đi khám đều có thể có được giấy khám sức khỏe. Các hãng xe công nghệ thấy tài xế nộp đầy đủ giấy tờ sẽ kích hoạt tài khoản, họ không biết được giấy tờ nào là giả. 

Để làm rõ số lượng xe đã được làm giả giấy tờ, PV kiểm tra số lượng xe đã được cấp phù hiệu trên website của Sở GTVT Hà Nội trong 2 tháng gần nhất của các HTX như: Hưng Thịnh, Bình Minh, Toàn Phát. Theo đó, đã có hàng chục xe đầu 30K - 30G - 30H từ sau thời điểm tháng 8/2023 đến nay gần như 100% đều làm giả đăng ký xe để được cấp phù hiệu xe hợp đồng. 

Ngay sau loạt bài được đăng tải, Sở GTVT Hà Nội yêu cầu các HTX Hưng Thịnh, Bình Minh, Toàn Phát đình chỉ ngay hoạt động và thực hiện thu hồi phù hiệu xe hợp đồng của các phương tiện sử dụng giấy tờ giả theo phản ánh của Báo Giao thông, nộp trả Sở GTVT Hà Nội.

Sở GTVT Hà Nội cũng tạm dừng cấp phù hiệu xe hợp đồng đối với các đơn vị sử dụng giấy tờ giả làm thủ tục hành chính đã được báo chí phản ánh kể từ ngày 16/9.

Công ty TNHH Grab, Công ty Cổ phần Be Group cũng được yêu cầu phối hợp với các đơn kinh doanh vận tải xử lý các phương tiện vi phạm như báo chí đã nêu, dừng cung cấp dịch vụ đối với các phương tiện được nêu trong bài viết; Triển khai việc kiểm tra, rà soát phương tiện và người lái xe đối với những xe ô tô đăng ký mới từ ngày 1/1/2021 đến nay sử dụng dịch vụ kết nối hành khách của công ty. 

Lãnh đạo Trung tâm Đăng kiểm 2930D (Hà Nội) cho biết, ngay sau khi nhận được phản ánh của Báo Giao thông, Cục Đăng kiểm VN đã trao đổi với trung tâm, yêu cầu chỉ đạo, nhắc nhở các đăng kiểm viên bám sát quy định Thông tư 08/2023 của Bộ GTVT về kiểm định xe cơ giới và Thông tư 24/2023 của Bộ Công an về thủ tục cấp đổi giấy đăng ký xe, quy định về nhận dạng, cấp biển số xe trong quá trình kiểm định xe. 

Quản lý lỏng lẻo

Trao đổi với Báo Giao thông, nhiều chuyên gia vận tải cho biết, loại hình hợp tác xã dịch vụ vận tải xuất hiện khoảng 10 năm trở lại đây, kể từ khi các ứng dụng gọi xe công nghệ như Uber, Grab vào thị trường Việt Nam.  

“Phù phép” xe kinh doanh vận tải: Thu hồi phù hiệu xe dùng giấy tờ giả- Ảnh 2.

Với tổng chi phí trọn gói 6 triệu đồng, chiếc xe ô tô nhãn hiệu KIA mang BKS 30G-403.xx (biển trắng) đã được "phù phép" chuyển sang xe kinh doanh vận tải.

Theo quy định, chỉ các doanh nghiệp, hợp tác xã được cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô theo hình thức hợp đồng, du lịch, taxi mới được sử dụng hợp đồng vận tải điện tử. Vì thế, muốn được mở tài khoản của các hãng xe công nghệ để chở khách, cá nhân lái xe Grab hay Uber buộc phải gia nhập các hợp tác xã để được cấp phù hiệu xe hợp đồng. 

Luật Hợp tác xã quy định, các hợp tác xã phải thực hiện việc ký hợp đồng lao động đối với người lao động. Tuy vậy, ngay từ khi xuất hiện, mô hình này được đánh giá là hoạt động chỉ mang tính hình thức. Mang danh là hợp tác xã vận tải nhưng việc quyết định giá cước và điều hành lái xe lại do Grab thực hiện. 

Việc duy nhất hợp tác xã thực hiện là làm thủ tục để thu tiền, "bán" phù hiệu, không quản lý xã viên, không biết được họ đang hoạt động ra sao. 

Nhiều tài xế chạy xe công nghệ thừa nhận, các hoạt động hàng ngày của họ đều thông qua phần mềm Grab, không liên quan đến quản lý của hợp tác xã. Hầu hết các lái xe được hỏi đều không nhớ tên hợp tác xã mà mình là thành viên. 

Đánh giá lại mô hình hợp tác xã

Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết, nhiều hợp tác xã dịch vụ vận tải giống như cầu trung gian, mục đích để hợp thức hóa giấy tờ nên việc quản lý ATGT, quản lý người lao động không được đảm bảo.

Thực tế, hợp tác xã có rất nhiều, song mô hình quản lý lỏng lẻo, không ràng buộc, khoán trắng mọi trách nhiệm cho lái xe. Việc hợp tác xã làm thuê, "bán" phù hiệu vận tải diễn ra phổ biến nhất đối với loại hình taxi công nghệ và xe dịch vụ dưới 7 chỗ.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho rằng, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần đánh giá lại mô hình hợp tác xã dịch vụ hỗ trợ, để có điều chỉnh phù hợp hơn. 

Thâm nhập đường dây “phù phép” xe kinh doanh vận tảiThâm nhập đường dây “phù phép” xe kinh doanh vận tải

Từ nguồn tin của bạn đọc, PV Báo Giao thông thâm nhập điều tra, làm rõ thủ đoạn tinh vi của đường dây làm giả giấy tờ để xin cấp phù hiệu xe hợp đồng, đăng ký tài khoản Grab, Be, dùng xe biển số màu trắng để chở khách.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.