Quản lý

Thâm nhập đường dây “phù phép” xe kinh doanh vận tải

11/09/2024, 10:02

Từ nguồn tin của bạn đọc, PV Báo Giao thông thâm nhập điều tra, làm rõ thủ đoạn tinh vi của đường dây làm giả giấy tờ để xin cấp phù hiệu xe hợp đồng, đăng ký tài khoản Grab, Be, dùng xe biển số màu trắng để chở khách.

Kỳ 1: Dễ dàng mua biển số màu vàng giả

Với tổng chi phí 6 triệu đồng, một chiếc xe biển trắng bình thường sẽ được hợp tác xã "phù phép" bằng cách mua một chiếc biển số màu vàng giả, lắp thiết bị GSHT để chuyển sang xe kinh doanh vận tải.

Xe biển trắng ngang nhiên đón khách

Ngày 20/6, chị N.T (trú tại Hà Nội) đặt xe từ ứng dụng Be để di chuyển và nhận được thông báo xe Hyundai Accent màu trắng BKS 30F-894.xx sẽ đến đón. Chừng 4 phút sau, chiếc xe này tới điểm hẹn. Tuy nhiên, chị T rất ngạc nhiên vì biển số xe lại là màu trắng.

Thâm nhập đường dây “phù phép” xe kinh doanh vận tải- Ảnh 1.

Người đàn ông xưng tên Hoàng Anh đưa ra cặp biển số giả màu vàng có số trùng khớp với số biển trắng.

Cùng ngày, chị T tiếp tục đặt xe qua ứng dụng Grab và được tài xế Trần Văn Ninh điều khiển xe Hyundai Accent màu trắng BKS 30H-147.xx đến đón. Chị T thêm một lần khó hiểu khi chiếc xe này cũng sử dụng biển số màu trắng.

Theo Thông tư 58/2020 của Bộ Công an, từ 1/8/2020 xe kinh doanh vận tải được cấp biển số vàng ngay từ khi đăng ký. Còn xe kinh doanh vận tải trước ngày 1/8/2020 phải đổi sang biển số màu vàng trước ngày 31/12/2021.

Muốn chạy xe kinh doanh vận tải, tài xế trước hết phải là thành viên của một HTX dịch vụ vận tải. Sau đó, tài xế bắt buộc chuyển đổi biển số màu trắng (xe cá nhân) sang biển số màu vàng (kinh doanh vận tải) nếu là xe cá nhân đang sử dụng. Nếu đăng ký mới, biển số được cấp sẽ có màu vàng.

Để được đăng kiểm xe kinh doanh vận tải, xe phải được lắp thiết bị giám sát hành trình (GSHT). Sau khi hoàn tất các thủ tục này, HTX dịch vụ vận tải nộp giấy tờ cho sở GTVT xin cấp phù hiệu xe hợp đồng.

Hoạt động công khai

Quy trình là vậy, tuy nhiên hiện có rất nhiều tài xế chạy xe công nghệ không muốn chuyển sang biển số màu vàng, vẫn giữ biển số màu trắng và có tài khoản của các hãng xe công nghệ như Grab, Be… để chở khách.

Với cách thức làm giả giấy tờ như phản ánh, HTX sẽ thu được phí cao, thu hút được nhiều tài xế không muốn đổi sang biển vàng.

Xe biển trắng chở khách có lợi thế được đi vào giờ cao điểm, được đi vào các tuyến phố cấm, giờ cấm xe taxi, xe hợp đồng mà không bị lực lượng chức năng xử lý, gây bất bình đẳng trong kinh doanh vận tải và thất thu thuế cho Nhà nước.

Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội

Từ phản ánh của bạn đọc về việc một số HTX dịch vụ vận tải tiếp tay cho tài xế, mua biển số màu vàng giả lắp lên xe đi đăng kiểm, giả đăng ký xe để xin phù hiệu xe hợp đồng và nộp cho hãng xe công nghệ xin mở tài khoản, PV đã thâm nhập đường dây này.

PV trực tiếp thuê một chiếc xe ô tô nhãn hiệu KIA BKS 30G-403.xx màu trắng. Trong vai người có nhu cầu chạy xe công nghệ nhưng không muốn đổi sang biển số màu vàng, PV liên hệ qua số điện thoại 097.5595.xxx (bạn đọc cung cấp) và được một người đàn ông có tài khoản Zalo tên Hoàng Anh bắt máy. Người này khẳng định sẽ hỗ trợ được việc này với tổng chi phí cho cả "gói" (mua biển màu vàng, làm giả giấy đăng ký, mua giấy khám sức khỏe, thiết bị GSHT) là 6 triệu đồng.

Tại một quán cafe ở khu đô thị Dương Nội, Hà Đông, sau khi giới thiệu mình làm ở HTX Dịch vụ vận tải Bình Minh có trụ sở gần đó, Hoàng Anh đưa ra cặp biển số giả màu vàng có số trùng khớp với số biển màu trắng đang lắp trên xe của PV: "Anh ra gara ô tô nhờ họ tháo biển trắng và lắp biển vàng này vào. Em sẽ gọi kỹ thuật đến lắp định vị. Sau đó, anh đi đăng kiểm để chuyển sang xe kinh doanh vận tải".

Bỏ ra 500.000 đồng có cặp biển giả

Sau một hồi với nhiều cuộc điện thoại, Hoàng Anh nói với PV: "Hiện, các kỹ thuật đều đang bận, anh chạy lên số 10 Lưu Quang Vũ (Trung Hòa, Cầu Giấy), bên em liên kết sẽ có người lắp luôn. Sau đó, anh đến Trung tâm Đăng kiểm 29-10D ở đường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai và báo đăng kiểm chuyển sang xe kinh doanh là được. Xong anh chuyển cho em 50% tiền đặt cọc qua tài khoản ngân hàng. Kích hoạt tài khoản Grab xong, anh chuyển nốt cho em phần còn lại".

Thâm nhập đường dây “phù phép” xe kinh doanh vận tải- Ảnh 2.

Cặp biển số giả màu vàng có số trùng khớp với số biển màu trắng trước và sau khi lắp trên ô tô nhãn hiệu KIA mang BKS 30G-403.xx.

Tiếp đó, một người tên Long gọi cho chúng tôi giới thiệu bên cung cấp thiết bị định vị và nói: "Anh cứ đến trung tâm đăng kiểm, kỹ thuật bên em sẽ chạy thẳng đến đó lắp cho anh".

Sau khi đến một gara ô tô đổi biển số, chúng tôi đến Trung tâm Đăng kiểm 29-10D. Tại đây, PV được một nhân viên bên cung cấp thiết bị GSHT có thương hiệu Taris đến lắp. "Mỗi ngày chúng em lắp khoảng 10 thiết bị cho khoảng 10 xe như anh. Em sẽ chuyển cho anh mã truy cập, nếu đăng kiểm hỏi định vị anh đưa mã này ra là được", nhân viên này nói.

Sau khoảng 15 phút, chúng tôi vào nộp hồ sơ đăng kiểm. Tuy nhiên, sau 30 phút, nhân viên trung tâm từ chối đăng kiểm vì biển số màu vàng nhưng đăng ký vẫn là biển màu trắng.

Gọi lại cho Hoàng Anh, người này cho biết: "Trước đây, khách của em vẫn đăng kiểm bình thường, em sẽ hướng dẫn anh sang trạm khác. Sáng mai, anh chạy qua đó, trung tâm này sẽ không hỏi gì. Em sẽ đi cùng để hỗ trợ anh".

Sáng hôm sau, Hoàng Anh đưa PV đến Trung tâm Đăng kiểm 2930D tại cụm công nghiệp Yên Nghĩa, phường Yên Nghĩa, Hà Đông. Sau khi nộp giấy tờ, làm thủ tục và đóng phí, khoảng 1 giờ sau, chúng tôi đã đăng kiểm xong, chuyển thành công sang xe kinh doanh vận tải.

Giám đốc một HTX vận tải cho biết, chỉ với khoảng 400.000 - 500.000 đồng có thể dễ dàng mua được cặp biển số màu vàng giả ở trên phố Trần Nhật Duật (Hà Nội).

Vì sao đăng kiểm khó phát hiện biển số giả?

Trả lời việc vì sao xe lắp biển số giả vẫn được đăng kiểm, lãnh đạo Trung tâm Đăng kiểm 2930D (Hà Nội) cho hay, kỹ thuật làm biển giả rất tinh vi nên rất khó phát hiện.

Vị này cho hay, theo Thông tư 08/2023, xe có màu nền biển số khác với ký hiệu nền màu biển số ghi trên giấy đăng ký xe được xếp vào hư hỏng khiếm khuyết không quan trọng (Mid), nên dù đăng ký xe ghi biển số trắng (T) mà khách hàng sử dụng biển số màu vàng giả, nếu không phát hiện ra biển giả, xe vẫn được đăng kiểm bình thường.

"Cần sửa đổi quy định về kiểm định xe cơ giới theo hướng, đối với xe biển màu vàng nếu giấy đăng ký xe ghi biển số trắng sẽ được xếp vào lỗi hư hỏng khiếm khuyết quan trọng, xe bị trượt đăng kiểm", vị này nói.

Phòng Kiểm định xe cơ giới - Cục Đăng kiểm VN cho biết, Thông tư 08/2023 đã quy định về kiểm tra quy cách biển số xe khi đi đăng kiểm, nhưng nếu chủ xe sử dụng biển giả sẽ rất khó phát hiện bằng mắt thường.

Nghị định 100/2019 đã quy định chế tài xử phạt đối với ô tô sử dụng biển giả, tuy nhiên chưa có chế tài xử lý đối với ô tô có biển số màu nền khác với thông tin trên giấy chứng nhận đăng kiểm.

Để khắc phục tình trạng chủ xe sử dụng biển giả màu vàng khi đi đăng kiểm để được cấp giấy chứng nhận đăng kiểm, tem kiểm định dành cho xe kinh doanh vận tải, sau đó về thay bằng biển số nền trắng (biển thật) sử dụng khi tham gia giao thông, Cục Đăng kiểm VN sẽ phối hợp với Cục CSGT để liên thông dữ liệu phương tiện giữa hai đơn vị.

Khi đó, đăng kiểm viên có thể truy cập vào hệ thống cơ sở dữ liệu đăng ký xe, dễ dàng tra cứu thông tin biển số để so sánh với hình ảnh thực tế của xe, xác định chính xác màu của nền biển số xe.

Thu phí gấp 6 lần bình thường

Ở lần liên lạc đầu tiên, Hoàng Anh cho biết, tổng chi phí hết 6 triệu đồng. Sau khi đăng kiểm xong và nhận được số tài khoản ngân hàng, PV đã chuyển trước cho người này 3 triệu đồng.

Theo lãnh đạo một HTX dịch vụ vận tải, theo quy trình bình thường, tùy thuộc vào chất lượng, giá một bộ thiết bị GSHT dao động từ 500.000 - 700.000 đồng. Nếu làm đúng quy định, tất cả các thủ tục cho tài xế như lắp định vị, phí phù hiệu năm đầu, mở tài khoản Grab, Be chưa đến 1 triệu đồng.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.