Đến thời điểm này, gần 30.000 thẻ BHYT đã được mua và cấp cho người nhiễm HIV |
Cần tiếp tục tăng hỗ trợ mua thẻ BHYT
Theo bà Dương Thúy Anh, Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, mặc dù tỷ lệ bao phủ BHYT trong bệnh nhân nhiễm HIV đạt tỷ lệ cao trong thời gian gần đây nhưng vẫn chưa ổn định và bền vững. Với mục tiêu Việt Nam đặt ra là đến năm 2020 là 100% người nhiễm HIV phải có thẻ BHYT, 80% số thuốc ARV sẽ được quỹ BHYT thanh toán. Vì vậy, rất cần đưa ra các giải pháp thích hợp để nâng cao tỷ lệ người nhiễm HIV có BHYT.
Theo các chuyên gia, để đạt tỷ lệ bao phủ điều trị HIV, cần phải tạo mọi điều kiện để người bệnh có thể tham gia BHYT. Một trong các giải pháp quan trọng là hỗ trợ cấp phát thẻ miễn phí cho các đối tượng khó tiếp cận tham gia.
Cục Phòng chống HIV/AIDS cho biết, Cục đang rà soát nhu cầu mua BHYT cho người nhiễm HIV tại một số tỉnh khó khăn và trên cơ sở đó, sẽ dùng nguồn kinh phí viện trợ quốc tế còn lại để hỗ trợ trong thời gian đầu. Hiện tại, một số tỉnh, thành phố cũng đã cân đối ngân sách của địa phương để mua thẻ cấp cho người nhiễm HIV.
Cũng theo bà Thúy Anh, kinh phí hỗ trợ mua thẻ BHYT và đồng chi trả thuốc ARV sẽ được lấy từ nguồn kinh phí bố trí của các địa phương, từ Quỹ toàn cầu phòng chống HIV và Dự án Kế hoạch Cứu trợ Khẩn cấp AIDS của Tổng thống Hoa Kỳ (PEPFAR).
Theo lộ trình, trong năm 2018 BHYT sẽ thanh toán các dịch vụ điều trị HIV/AIDS trừ thuốc ARV; năm 2019 sẽ thanh toán đầy đủ tất cả các dịch vụ điều trị.
Theo ông Hoàng Đình Cảnh, để khuyến khích người nhiễm HIV tham gia BHYT rất cần phải sớm hoàn thiện hệ thống thanh toán tại các cơ sở điều trị trên cả nước. Bộ Y tế cũng đang tăng cường công tác truyền thông, vận động để người nhiễm HIV tự nguyện mua BHYT. Để đảm bảo bí mật thông tin cho người bị bệnh, người tham gia BHYT có quyền không cung cấp thông tin mắc bệnh gì khi mua thẻ.
Đặc biệt, theo quy định mới, người nhiễm HIV cũng được tạo điều kiện mua thẻ BHYT riêng, không bắt buộc tham gia BYHT cùng tất cả thành viên trong gia đình cùng một thời điểm.
90% cơ sở điều trị HIV ký hợp đồng KCB BHYT
Theo Bộ Y tế, trong 190 cơ sở được lựa chọn để cung cấp thuốc ARV nguồn BHYT năm 2019 thì đến nay đã có 186 cơ sở ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT, sẵn sàng nhận thuốc ARV nguồn BHYT năm 2019. Các cơ sở còn lại đang khẩn trương hoàn thiện công tác kiện toàn ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT trước ngày 1/1/2019.
Như vậy tính đến nay có hơn 90% cơ sở điều trị HIV/AIDS đã kiện toàn để được ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT, khoảng 85% cơ sở điều trị đã thanh toán ít nhất một dịch vụ từ nguồn quỹ BHYT.
Điều đáng mừng là bệnh nhân nhiễm HIV có BHYT đã tăng cao. Nếu như năm 2015 chỉ có 30% bệnh nhân nhiễm HIV có thẻ BHYT thì đến nay đã lên đến 89%. Nhiều tỉnh thành đạt 100% bệnh nhân đang điều trị ARV có thẻ BHYT.
Sở dĩ các bệnh nhân điều trị ARV gần như đã có BHYT theo Bộ Y tế là nhờ các địa phương vận động nguồn ngân sách địa phương và các nguồn chương trình, dự án cho hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người nhiễm HIV. Các cơ sở điều trị đã rất tích cực tư vấn, truyền thông và hỗ trợ người nhiễm HIV tự nguyện tham gia BHYT.
“Hiện nay đã có 35 tỉnh, thành được cấp thẩm quyền phê duyệt kế hoạch hỗ trợ mua thẻ BHYT (gần 30.000 thẻ BHYT đã được mua và cấp cho người nhiễm HIV). Đã có 18 tỉnh, thành phê duyệt ngân sách cho hỗ trợ đồng chi trả thuốc ARV”, đại diện Bộ Y tế cho biết.
Cũng theo Bộ Y tế, nguồn thuốc ARV đã được Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia làm đầu mối tổ chức đấu thầu và đã ký thỏa thuận với nhà cung cấp vào ngày 26.10, dự kiến thuốc ARV sẽ được nhà cung cấp giao vào ngày 1/1/2019 tới.
Bộ Y tế cũng cho biết, việc thanh toán điều trị đối với bệnh nhân HIV qua BHYT là bắt buộc theo quy định của pháp luật. Do đó, các địa phương cần sớm triển khai thanh toán điều trị đối với bệnh nhân HIV qua BHYT theo đúng quy định. Các tỉnh, thành trong cả nước cần tập trung xây dựng sớm kế hoạch điều trị bệnh nhân HIV từ các nguồn viện trợ sang điều trị BHYT.
Hiện Bộ đã chọn phác đồ bậc 1 với những thuốc thông dụng và có sẵn ở Việt Nam. Riêng với phát đồ bậc 2 sẽ được huy động từ nguồn các chương trình, dự án viện trợ quốc tế để mua.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận